Xung quanh cái tên "Beethoven Việt Nam"

18/02/2010 08:35 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Mới đây, nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ - người được mệnh danh “Beethoven Việt Nam” vừa được Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Hà Nội trao tặng Giải thưởng Văn hóa di sản Patrimoenia 2009 của Thụy Sỹ. Ông là nhạc sĩ có những bản sonate giá trị theo khuynh hướng cổ điển kết hợp với nguồn gốc âm nhạc dân tộc Việt khá nổi tiếng. Tuy nhiên, dường như với công chúng yêu nhạc trong nước, con người và sự nghiệp của ông vẫn còn rất nhiều điều bí ẩn và thậm chí là “khó hiểu”. TT&VH đã có cuộc trò chuyện với ông trước thềm năm Canh Dần.

“Để so sánh với Beethoven thì không thể”


 Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ
* Cơ duyên nào người ta trao giải cho ông? Giải thưởng này trị giá bao nhiêu? Vì sao ông lại làm từ thiện?


- Một người bạn khi nghe bản Sonate số 8 của tôi đã rất thích và giới thiệu cho ông Đại sứ Thụy Sỹ. Không ngờ ông đại sứ cũng “mê” tác phẩm này và có ý muốn nghe hết 9 tác phẩm của tôi. Ông ấy nói trong chuyến công tác về nước sắp tới sẽ giới thiệu các tác phẩm này với các nhạc viện, nhạc sĩ của Thụy Sỹ.

Sau khi quay lại Việt Nam ông đại sứ cho biết 9 bản sonate được đánh giá rất cao và sẽ có một tấm bằng được trao tặng cho tôi để tôn vinh nhưng không nói đến giải thưởng.

Tôi đã đề nghị BTC dành toàn bộ số tiền giải thưởng đó cho các trẻ em nghèo và tàn tật ở tại Hà Nội và TP.HCM thông qua Quỹ trẻ em nghèo và tàn tật của hai thành phố trên vì cuộc sống của tôi không có nhiều nhu cầu, con cái trong gia đình đều đã thành đạt trong khi còn rất nhiều trẻ em đang thiếu thốn, phải sống trong đói khổ nên tôi nghĩ việc trao giải thưởng này cho các em là việc nên làm.

* Ông nghĩ gì khi người ta gọi ông là “Beethoven Việt Nam”? Tự ông có thấy xứng đáng?

- Một người Pháp gọi tôi là “Beethoven Việt Nam” từ lâu lắm rồi. Sau khi các tác phẩm của tôi được người Pháp biết đến, tham tán văn hóa của Việt Nam tại Pháp đã điện về cho biết ở bên Pháp, họ gọi tôi là “Beethoven Việt Nam”. Tôi rất tự hào khi có người gọi mình như vậy nhưng để so sánh thì không thể, bởi đơn giản mọi sự so sánh đều khập khiễng. Cá nhân tôi không dám so với một người vĩ đại như vậy. Nhưng Beethoven là người Đức, nói tiếng Đức, ông ấy sống ở cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Còn tôi là người Việt Nam, nói tiếng Việt. Trong các tác phẩm của mình, tôi thể hiện những vấn đề của con người, cuộc sống ở cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Đó là việc mà Beethoven không thể làm thay tôi được.

Quỹ Patrimoenia and Gestion SA (Sản nghiệp để lại và giữ gìn) có trụ sở tại Geneve (Thụy Sỹ) có nhiều giải thưởng về các lĩnh vực khác nhau. Hàng năm có nhiều tập thể cá nhân của Thụy Sỹ cũng như nhiều nước khác được tôn vinh vì những đóng về bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa để lại cho đời sau. Năm 2009, giải thưởng Patrimoenia 2009 (Văn hóa di sản 2009) về lĩnh vực âm nhạc được trao cho nhà soạn nhạc Nguyễn Văn Quỳ của VN.

* Ông có thể nói rõ hơn về sự đánh giá này là từ giới chuyên môn hay công chúng?


- Tôi thấy mình may mắn vì tuy chỉ sáng tác 9 bản sonate nhưng tôi lại nhận được sự đánh giá ở hầu hết các tác phẩm của mình. Ví dụ như bà B.Fournier - từng là chủ tịch của nhiều kỳ thi âm nhạc quốc tế tại châu Âu thích bản Sonate số 6, nghệ sĩ Isabelle Durin - cây violon số 1 của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Ile - de - France thích bản Sonate số 7 và số 9, GS Ngô Văn Thành - Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia lại thích bản Sonate số 4. Còn gần đây nhất, khi tôi được nhận giải thưởng “Văn hóa di sản 2009” của Thụy Sỹ thì họ nói họ rất thích bản Sonate số 8. Với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tôi đã được nhận giải Nhì cho hai tác phẩm Sonate số 4 và số 8.

Riêng với công chúng, có những thính giả nhận xét về các tác phẩm của tôi khiến tôi rất cảm động.Tôi không nghĩ lại có những người yêu nhạc cổ điển đến thế. Họ nói “nghe thấy thấm đẫm tinh thần Việt Nam, càng nghe càng thấy êm đềm”.

20 năm nay hầu như không ai sử dụng tác phẩm của tôi

* Ông có thể nói gì về phong cách sáng tác của mình trong những bản sonate?

- Từ bé được thừa hưởng từ cha - một người chơi đàn bầu giỏi những làn điệu cổ như Lưu thủy, Cổ bản nhưng khi lớn lên, được tiếp xúc với khoa học của âm nhạc phương Tây, tôi hiểu muốn xây một ngôi nhà cao tầng trong âm nhạc cần phải làm như thế nào. Và tôi bắt đầu từ cái mà người ta gọi là “nhạc của ông mang rõ ràng tâm hồn Việt Nam và bản sắc Việt Nam”. Âm nhạc của tôi là sự kết hợp giữa yếu tố âm nhạc do cha ông ta để lại với những tinh hoa trong âm nhạc phương Tây.

Tôi nghĩ con người khi sinh ra trước hết phải biết sống có tình cảm và tình cảm đó phải là trong sáng. Có được sự trong sáng ở tâm hồn thì mới làm chủ được trí tuệ. Từ đó mới xây dựng được sự nghiệp cho đồng loại, tổ quốc và chính bản thân. Tôi cũng đề cao nhạc buồn bởi nếu không biết buồn thì làm sao biết yêu thương? Schubert có một câu mà tôi rất tâm đắc: “Có thể có âm nhạc hay mà không thể buồn được chăng?”. Chính vì thế, sợi chỉ đỏ xuyên suốt 3 chương trong các sonate của tôi luôn hội tụ 3 yếu tố “tình cảm, trong sáng và trí tuệ”.

* Vậy những tác phẩm khí nhạc của ông hiện nay đang được sử dụng như thế nào? Ông có ý định phát hành tập đĩa riêng không? Tại sao không có ai làm việc đó khi tài năng của ông được coi là “Beethoven Việt Nam”?
 
- Tôi đã có đủ 9 đĩa cho 9 bản sonate. Bộ đĩa này có được là nhờ sự giúp đỡ của các người bạn nước ngoài của tôi, vì lòng yêu mến tôi và các tác phẩm của tôi.

Có lẽ phải đến hơn 20 năm nay các tác phẩm của tôi không được sử dụng. Trước đây, để nghe được tác phẩm của tôi trên đài phát thanh cũng là hơi hiếm vì thời lượng phát sóng rất ít và thời gian phát sóng lại vào khoảng 1 - 2 giờ sáng thì các tác phẩm thật khó có cơ hội đến gần với công chúng.

Tôi thấy khi nền kinh tế thị trường mở ra, có mặt được và chưa được. Được là đời sống vật chất của con người được cải thiện nhưng về đời sống tinh thần, giờ đây người ta chạy theo nhiều lợi nhuận mà tôi thì nghèo, không đủ sức làm việc đó. Còn việc không có ai làm việc đó khi tài năng của tôi được coi là “Beethoven Việt Nam” thì chỉ họ mới rõ chứ tôi... không tìm hiểu làm gì?!

* Ông nghĩ gì về khí nhạc Việt Nam hiện nay?

- Tôi có một băn khoăn là không hiểu nó sẽ đi về đâu nhưng thực sự tôi cũng không quan tâm lắm bởi các tác phẩm của tôi cũng có mấy ai để ý đến đâu?

* Ông và các tác phẩm của ông dường như được đón nhận nhiều hơn ở nước ngoài. Ông nghĩ sao về điều này?

- Các tác phẩm của tôi đến với bạn bè trên thế giới là một sự tình cờ, một cái duyên. Những nhận xét hay đánh giá của họ là dựa trên các tác phẩm của tôi. Và nếu tôi không có khả năng thực sự thì không thể có những đánh giá như thế được. Còn với cá nhân mình, tôi thích câu “ hữu xạ tự nhiên hương”.

* Sau 9 bản sonate cho violin và piano ông sẽ tiếp tục viết bản thứ 10 chứ?

- Không. Với sonate cho violin và piano tôi sẽ dừng lại ở con số 9 vì theo quan niệm phương Đông thì số 9 là số đẹp và cũng là số lớn nhất. Tôi sẽ tiếp tục sáng tác nhưng ở thể loại khác.

* Ông có thể kể đôi chút về cuộc sống hiện tại của mình?

- Tôi sống bằng lương hưu của một nhà giáo và chút tiền kiếm được từ âm nhạc.

* Xin cảm ơn ông.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ là người tài năng. Các tác phẩm của ông luôn được thể hiện trong một mạch cảm xúc mãnh liệt, tuy được viết theo cấu trúc âm nhạc Tây phương nhưng lại thể hiện một tâm hồn rất Việt Nam bằng ngôn ngữ âm nhạc rất riêng. Trong những tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ, có thể thấy những suy nghĩ, tình cảm của ông được thể hiện qua những chủ đề âm nhạc tương phản: lúc dịu êm, sâu lắng, lúc bi kịch, xung đột. Và đó chính là sự thành công trong sáng tác của ông.

Tuy không được đào tạo một cách bài bản chính quy, không có điều kiện tốt để sáng tác một cách chuyên nghiệp, nhưng với nghị lực, niềm đam mê, muốn cống hiến và luôn hoài tưởng làm thế nào để những tác phẩm này được vang lên nhiều hơn nữa, đến với công chúng tốt hơn nữa... nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ xứng đáng được giải thưởng “Văn hóa di sản 2009” của Thụy Sỹ mà ông vừa nhận đã nói lên điều đó!

(GS Ngô Văn Thành - Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).

Ngọc Minh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm