Xu hướng lãng mạn hóa chết trẻ trong nhạc pop (kỳ 1): Sống gấp và chết trẻ

07/11/2013 13:31 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Âm nhạc đại chúng hiện nay phô trương mạnh mẽ chứng ái kỷ (tự yêu mình), đề cao vật chất và tôn vinh hình tượng xã hội đen. Tất cả dường như đều nhằm đưa ra thông điệp kiểu "sống gấp, chết trẻ" như một thứ văn hóa chủ đạo.

Trang The Atlantic chỉ ra những lệch lạc đó trong bài viết mới đây. Quần tụt của Justin Bieber, lưỡi của Miley Cyrus, kiểu tóc kỳ dị của Skrillex... Chẳng khó gì để tìm ra những thứ nổi bật trong âm nhạc đại chúng hiện nay thực ra lại chẳng liên quan gì đến âm nhạc.

Góc tối của tinh thần YOLO

Âm nhạc cho giới trẻ cung cấp đủ thứ thông điệp, tích cực có mà không hẳn tích cực cũng có. Song theo The Atlantic, có một thông điệp chủ đạo cực kỳ khó lẫn: cảm thức khải huyền, nhưng không theo hướng cao siêu đến thế.

Nói đơn giản hơn là những thông điệp mới nghe tưởng rất tích cực, nhưng ngày càng lộ rõ tính hô hào như YOLO (You only live once – Bạn chỉ sống một lần thôi). Câu khẩu hiệu này thúc đẩy giới trẻ hãy làm ngay những gì mình thích, bởi biết đâu ngày mai bạn đã nằm trong quan tài.



“Live fast, die young, be wild, have fun” “Sống vội, chết trẻ, ngông cuồng, vui vẻ” là một câu khẩu hiệu phổ biến trên mạng xã hội cổ vũ lối sống gấp

Năm 2007, nữ ca sĩ Jordin Spark (American Idol 2007) đã hát trong đĩa đơn đầu tay Tattoo: "Hãy sống từng giây phút như đó là giây phút cuối cùng".

Tạp chí Time từng gọi thế hệ trẻ hiện nay là thế hệ "Tôi, tôi, tôi" với cái tôi quá lớn. Âm nhạc đại chúng không hề "vô can" trong việc vun đắp lên tính cách của thế hệ này. Chủ đề ái kỷ được đề cập đầy tự hào trong các sản phẩm âm nhạc, với các đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất "tôi" (I), "chúng tôi" (we), và đại từ sở hữu "của tôi" (my, mine) thường xuyên được nhắc đến.

Một bài hát khác cũng trực tiếp mang tên thông điệp là Live Fast, Die Young của 2 rapper Rick Ross và Kanye West, đã ngang tàng tuyên bố: "Bọn họ nói không thể sống kiểu này cả đời, nhưng chúng ta sẽ sống thế hết đêm nay. Em biết đấy, tất nhiên bọn họ sẽ vẫn ném đá chúng ta đến hết đời".

Trong bài hát Die Young (Chết trẻ - bài hát trực tiếp nhắc đến thông điệp mà bài báo này đề cập), nữ ca sĩ Ke$ha rủ rê một chàng trai lạ mới gặp: "Hãy quậy thả phanh đêm nay như thể chúng ta rồi sẽ chết trẻ". Giới trẻ vẫn nhảy theo bài hát này mỗi đêm ở các hộp đêm trên toàn thế giới

Chủ đề lãng mạn hóa tuổi trẻ và lối sống gấp rất phổ biến trong âm nhạc, xuất hiện ở nhiều ca khúc khác được giới trẻ rất yêu thích như We Are Young (Fun.), Live While We're Young (One Direction)…

Bài hit gần đây là I Love It của cặp song ca Thụy Điển Icona Pop mô tả các nhân vật chính đâm xe, ném đồ đạc của người khác xuống cầu thang, làm đủ thứ chuyện chỉ với tuyên ngôn: "Tôi chả quan tâm, tôi thích thế đấy".

Ai chẳng sống một lần, nhưng chết trẻ là một chuyện khác

Vấn đề là gì? Không ai trong số các nhạc sĩ, ca sĩ, ban nhạc và khán giả đang nhảy theo các giai điệu đó thực sự nghĩ rằng họ sẽ chết ngay ngày mai.

Không ai trong số họ có ý định "nhảy nhót đến chết" như lời ca khúc Die Young của Ke$ha. Nhưng họ vẫn nghe, hưởng ứng và lan truyền thông điệp "sống gấp, chết trẻ".

Liệu thông điệp này có nói lên điều gì nghiêm trọng hơn đằng sau sự nổi loạn bề mặt của giới trẻ, không chỉ ở Mỹ? The Atlantic hỏi ý kiến tiến sĩ Jean Twenge, một nhà tâm lý, tác giả cuốn sách Thế hệ Tôi: Tại sao người Mỹ trẻ hiện nay tự tin, quyết đoán, có danh thế hơn và cũng khốn khổ hơn trước đây? Theo Twenge, âm nhạc, cùng với truyền hình, điện ảnh và văn chương, đều là biểu hiện của những làn sóng ngầm trong văn hóa.

Về âm nhạc đại chúng, Twenge đã dành riêng vài nghiên cứu. Cô và các cộng sự từng khảo sát các bài hát nhạc pop nổi tiếng trong giai đoạn 1980-2007 và rút ra kết luận: ca từ nhạc pop ngày càng ít tính cộng đồng và cá nhân hóa rõ rệt.

Nhạc pop một thời từng rất ngọt ngào với I Want To Hold Your Hand (Anh muốn nắm tay em) của The Beatles, nói về tình cảm mới chớm thánh thiện của một chàng trai với một cô gái.

Ngày nay, giới trẻ thi thoảng cũng còn chút thánh thiện, kiểu Call Me Maybe (Hãy gọi cho em nhé?) của Carly Rae Jepsen, nhưng quá hiếm hoi giữa một loạt "tôi", "chúng tôi", "của tôi", những cuộc tình một đêm bạt mạng và những bữa tiệc.

Kỳ 2: Một thế hệ tự yêu mình cuồng nhiệt

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Ke$ha tiết lộ về cuộc sống "tươi đẹp và điên loạn"

Đó là chủ đề của loạt chương trình thực tế “Ke$ha: My Crazy Beautiful Life” vừa trở lại sóng kênh MTV, năm nay là mùa thứ 2. Trong phim, có cảnh nữ ca sĩ diện "chiếc áo" làm bằng 2 cái cốc úp lên ngực.

"Tôi không biết khán giả gọi nó là gì nhưng với tôi thì đó chính là cuộc đời tôi. Lúc nào cũng có người cầm máy quay theo chân tôi. Họ theo tôi đi khắp mọi nơi" – Ke$ha nói với MTV - "Đây là chương trình của tôi. Tôi muốn khán giả xem và nghĩ rằng: Có đúng cô ta là thế không? Không tin được! Cô ả này đúng là điên".

Mùa thứ nhất của loạt chương trình này lên sóng hồi tháng 4. Tập đầu tiên của mùa thứ hai vừa lên sóng hôm 30/10. Trong khi mùa thứ nhất nói về cả 2 khía cạnh chuyên môn và đời tư của nữ ca sĩ thì mùa thứ hai tập trung hơn vào đời sống riêng. Qua đó, Ke$ha cũng thể hiện được nhiều hơn quan điểm sống của mình.

Nữ ca sĩ giới thiệu với khán giả gia đình và bạn bè cô, gồm người mẹ Pepe, em trai Louie và trợ lý Tessa. Chương trình có nhiều tình tiết, phát biểu khá gây sốc đúng theo phong cách và lối nói chuyện của Ke$ha, nhưng nữ ca sĩ quả quyết cô không cố tình gây sốc mà chỉ đang thể hiện đúng bản thân mình.

Một sự trùng hợp thú vị là trong lời phát biểu của Ke$ha cũng đầy ắp đại từ "tôi" như trong các lời bài hát. Với lời giới thiệu "không có bộ lọc cũng không có bức tường ngăn cách nào cả", MTV nói rằng "chương trình này thực sự chân thực và mộc mạc".

Hạ Huyền


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm