Xét tặng danh hiệu nghệ nhân: Nghệ nhân "phải được cộng đồng suy tôn"

11/04/2013 10:29 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nghệ nhân là những người sống giữa cộng đồng và tài năng của họ trước hết phải được cộng đồng thừa nhận. Không có tổ chức nào, hội đồng thẩm định nào có thể minh định chính xác tài năng của họ bằng cộng đồng dân cư nơi nghệ nhân sống. Và người đạt danh hiệu nghệ nhân trước hết phải do chính người dân suy tôn

Đó là ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian trong hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục đề nghị xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân" (NNND), "Nghệ nhân ưu tú” (NNƯT) do Bộ VH,TT&DL tổ chức sáng hôm qua (10/4).

Vấn đề này đã được bàn trong suốt nhiều năm qua mà vẫn chưa đi tới "chung kết". Phát biểu tại hội thảo, GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam nói: "Nghị định này ra đời đáp ứng sự mong mỏi của nhiều người trong suốt 10 năm nay. Chỉ tiếc là quá nửa số nghệ nhân đã qua đời". Chính vì lý do đó, yêu cầu đưa Nghị định vào cuộc sống đặt ra ngày càng cấp bách hơn bao giờ hết.

Đề cao vai trò của cộng đồng

GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam
Tiêu chuẩn được xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT theo Nghị định có tới 8 tiêu chí. Chương III của Nghị định cũng nêu Hội đồng xét tặng danh hiệu gồm 3 cấp: tỉnh, bộ, nhà nước. Nhưng theo ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa, tiêu chuẩn quan trọng nhất vẫn là nghệ nhân ấy phải được cộng đồng suy tôn. Bởi nghệ sĩ dân gian là những người hoạt động giữa cộng đồng nơi họ sinh sống, tài năng của họ được cộng đồng nuôi dưỡng, họ thường không nằm trong tổ chức, đoàn thể nào.

GS Tô Ngọc Thanh cho biết, Hội của ông đã phong tặng được cho 320 nghệ nhân dân gian. Tất cả đều nhờ các chi hội "chân rết" tại địa phương đề xuất. Và một khi đã do nhân dân đề xuất thì chẳng hề có kiện cáo gì. "Nếu muốn biết làng này nghệ nhân nào hát ví hay nhất, cứ hỏi người dân họ sẽ chỉ chính xác ngay. Nghệ nhân là người sống trong nhân dân, họ không sống với Bộ và cũng chẳng sống với Hội Văn nghệ dân gian", ông Thanh nói.

Có mặt trong hội thảo, đại diện của Giáo phường Ca trù Thái Hà, đại diện của Quan họ Bắc Ninh - nghệ nhân, NSƯT Tạ Thị Hình cũng rất tán đồng quan điểm của GS Tô Ngọc Thanh. Họ cũng đề xuất khi thành lập hội đồng xét duyệt cần phải có đại diện của cộng đồng những người đang nắm giữ, thực hành di sản.

Xét tặng phải tránh "xin cho", tránh bỏ sót tài năng

Đa số các ý kiến tại hội thảo bày tỏ ý kiến quy trình, thủ tục xét tặng nên đơn giản, tạo điều kiện cho nghệ nhân. "Đừng bắt các nghệ nhân khai những bộ hồ sơ ghê gớm, lắm thủ tục là hành hạ họ thôi", GS Hoàng Chương nêu ý kiến.

Đại diện nghệ nhân quan họ, ca trù, chầu văn, ẩm thực phát biểu ý kiến trong hội thảo
Thực tế là các nghệ nhân dân gian có thể rất giỏi chuyên môn nhưng nhiều cụ nay đã già không thể tự mình làm các bộ hồ sơ, có nghệ nhân là người dân tộc thiểu số không biết chữ. Do đó nhiều chuyên gia đề xuất nên đơn giản hóa mọi thủ tục, và cho phép các tổ chức có trách nhiệm (không nhất thiết phải là tổ chức của nhà nước) đứng ra lập hồ sơ giúp các nghệ nhân.

Về quy định tuổi nghệ nhân được xét tặng cũng rất được lưu tâm vì hiện nay hầu hết các cá nhân được phong nghệ nhân đều ở tuổi gần đất xa trời, lúc nhận danh hiệu không còn khả năng biểu diễn. Trong khi đó thực tế có rất nhiều người trẻ nhưng tài không đợi tuổi, vì quy định nên họ phải đợi rất lâu mới được phong tặng. Về vấn đề này GS Tô Ngọc Thanh bày tỏ: "Đừng đợi nghệ nhân sắp chết mới phong tặng. Nên phong tặng theo quy luật sáng tạo nghệ thuật, chứ đừng phong theo quy luật hành chính".

Nghị định có hiệu lực, cụ Cầu sẽ được truy tặng

Trong Dự thảo Nghị định có đề xuất truy tặng danh hiệu NNND, NNƯT cho những nghệ nhân có đủ tiêu chuẩn xét tặng, nhưng đã mất trong khoảng thời gian 5 năm trước ngày Nghị định có hiệu lực. Nếu Nghị định có hiệu lực vào năm 2014 thì nghệ nhân Hà Thị Cầu, người được cho là "báu vật văn hóa sống" qua đời ngày 3/3/2013 hoàn toàn đủ điều kiện để được truy tặng danh hiệu.

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm