28/10/2013 11:11 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Họa sĩ Trần Bình, hiện sống tại Hà Nội, cảm tác từ sự dữ dội của thiên tai, sự khó lường của biến đổi khí hậu để vẽ nên loạt tranh Điều sóng thần muốn nói. Dù tranh chưa được trưng bày, nhưng theo chia sẻ, các nhà sưu tập Thái Lan rất quan tâm tới loạt tranh này vì nó giàu triết lý Phật giáo.
Giống như người dân vùng biển mỗi khi động trời, bão lớn họ chạy ra trước biển, lo âu nhìn về phía chân trời nơi những người thân chưa về rồi bất giác bàn tay họ chắp lại đưa lên trước ngực, họa sĩ Trần Bình nhìn thấy và cảm thông nỗi niềm đó của người dân Quảng Ngãi quê ông.
Ngày Trần Bình sinh ra không phải là ngày đẹp trời trước bình minh rực rỡ hay trong ngôi nhà êm ấm như những đứa trẻ khác. Ông sinh ra (1955) trên con tàu nhỏ bé của những người đi tập kết. Núm nhau được chôn vào lòng biển cả trong tiếng sóng biển gào thét và những khối nước khổng lồ ập xuống như muốn nhấn chìm tất cả. Nhưng như thế đã là quá hạnh phúc vì chỉ trước đây ít hôm cái sinh linh bé bỏng còn trong bụng mẹ đã phải chịu đựng trong nhà tù của giặc ở Quảng Ngãi (thân mẫu ông là cụ Đỗ Thị Ngô - 65 năm tuổi Đảng, quê ở Tịnh An, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi).
Tác phẩm Điều sóng thần muốn nói
Phải nói dài một chút vì lẽ sinh tử ấy lại tạo nên một lối sống không chịu thấp hèn, một phong cách sáng tác đầy bi tráng trong các tác phẩm của Trần Bình.
Xem tranh Trần Bình ta bắt gặp hình tượng con người với những khuôn mặt, bàn tay, ánh mắt và cả sức mạnh cuồng phong của biển cả, bất chợt ta cũng muốn chắp tay trước ngực. Ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước với cách nhìn hiện thực tranh của Trần Bình đã được giải bạc với tác phẩm Quê hương tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc và vinh dự cho ông sau này một tác phẩm khổ lớn (2,4m x 9m) với tên gọi Quê hương vào hội được trang trọng đặt tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Mỹ Đình - Hà Nội). Những năm gần đây cũng vẫn mạch nguồn sáng tạo hiện thực nhưng cao hơn với bút pháp điêu luyện đó là hiện thực lớn mang tính nhân loại, nó đã chạm tới thân phận con người. Nó không còn ghi chép mô tả mà đã là trải nghiệm, suy ngẫm về kiếp người. Cái chông chênh, bất định trong cuộc đời tác giả lại là nguồn cảm hứng sáng tạo của ông.
Trần Bình vẽ trên thang bảng màu sơn mài Việt Nam với trắng của bạc quỳ, vỏ trứng, đen của sơn then tro bếp và cả vỏ ốc, vỏ trai từ biển cả. Mẫu son đỏ của đất đá và vàng ròng. Những vật chất mang tính Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ trong tư duy triết lý phương Đông được ông khéo léo sắp xếp đã tạo sự bùng nổ, làm nên đặc sắc riêng cho tranh Trần Bình. Xem tranh Trần Bình ta còn thấy không gian được mở rộng nhiều khi cảm giác vượt ra ngoài khuôn khổ tranh nhờ xử lý nhuần nhuyễn kỹ thuật thấu thị của hội họa phương Tây để làm nên tính hoành tráng, mới mẻ cho tác phẩm.
Nhưng tác phẩm hội họa chỉ tạo nên sự kết nối với người xem khi họa sĩ Trần Bình nhận thức được Điều sóng thần muốn nói từ tư tưởng sáng suốt và lòng nhân từ của Phật được tiếp truyền nơi Thượng tọa Thích Chân Quang trụ trì chùa Phật Quang (Núi Dinh, Bà Rịa - Vũng Tàu).
Ông lấy Điều sóng thần muốn nói đặt tên cho các tác phẩm được đánh số từ 1 đến vô tận.
Xem tranh Trần Bình là lắng lại, trải nghiệm Điều sóng thần muốn nói hay cùng ông vẽ như nhìn ra biển.
Thích Minh Tạo
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất