Xem tranh cổ động về đề tài Bác Hồ

16/02/2009 11:32 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Tranh cổ động là loại hình nghệ thuật vận động quần chúng gắn liền với cách mạng, thành thứ vũ khí tinh thần mạnh mẽ của giới mỹ thuật trong hành trình giành độc lập cho dân tộc. Nó trở thành nghệ thuật hàng đầu phục vụ cho tuyên truyền đấu tranh cách mạng. Đó là giai đoạn áp-phích, cổ động lên ngôi số một.

Cũng vì thế mà các họa sĩ Việt Nam trong giai đoạn chống Pháp và chống Mỹ không ai là không một lần vẽ tranh cổ động. Nhà nước đã có hẳn một xưởng vẽ tranh cổ động Trung ương, nhiều họa sĩ thành danh gắn với thể loại này như: Thủy Tuân, Phạm Lung, Ngô Nguyên Dị, Trần Việt Sơn, Thục Phi, Nguyễn Bích, Huỳnh Văn Thuận, Nguyễn Thụ, Huy Oánh, Từ Thành... và hàng loạt thế hệ trẻ sau này.
 
Bức tranh cổ động của họa sỹ Nguyễn Bích (vẽ năm 1975)

Cách đây trên chục năm đã có một số người sưu tập nghệ thuật nước ngoài đã để ý đến thể loại đặc biệt này. Cũng lạ, khi vai trò số một của nó đã gần như kết thúc để khăn gói đi vào lịch sử thì họ lại lùng sục mua cất giữ.

Thực ra vai trò của tranh cổ động là rất lớn lao. Chúng ta làm được nhiều việc kì vĩ nhưng khi hoàn tất lại ít khi nhìn nhận đúng giá trị mà việc đó đã cống hiến. Tranh cổ động là một ví dụ, xong việc là xong. Nhuận bút cho tranh cổ động rẻ mạt, kể cả những tranh được bảo tàng mua sưu tập. Thực tế hầu như chưa có họa sĩ vẽ tranh cổ động nào được trao giải quốc gia, còn giải thưởng Hồ Chí Minh coi như vắng bóng. Trong khi đó thì nhiếp ảnh, hội họa đều có đủ mà đâu được nhiều người biết đến. Tranh cổ động chỉ có những giải thông thường trong các đợt vận động và bị quên biến luôn. Đó là việc nhìn nhận có phần thiếu công bằng kéo dài đến tận hôm nay.

Tranh cổ động thường gắn liền với các cuộc vận động xã hội. Trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tranh cổ động cũng không thể vắng mặt. Và cuộc triển lãm tranh cổ động hưởng ứng Cuộc vận động này khai mạc vào ngày 13/2 vừa qua là một cuộc trưng bày đẹp và ấn tượng.
 
Không gian ngoài trời trước tòa nhà 16 Lê Thái Tổ là
địa điểm triển lãm rất tốt

Triển lãm trưng bày 48 tác phẩm cổ động của 33 tác giả. Đến đây ta lại gặp một loạt các tên tuổi kể trên. Những bức tranh ngồn ngộn sức trẻ của các tác giả vẽ về Bác Hồ, thể hiện ý chí tình cảm của lãnh tụ đối với dân với nước và ý thức được trách nhiệm của mình trước dân tộc. Ta gặp ở đây ý chí quyết thắng hào hùng của cả dân tộc. Nhưng bức tranh làm sống lại cả một giai đoạn gian nan nhưng chứa chan hy vọng về một tương lai sáng lạn.

Trong triển lãm này, tấm áp phích đẹp nhất vẽ về Bác được sáng tác vào năm 1975 thống nhất đất nước của Nguyễn Bích được đồng nghiệp và người xem đánh giá rất cao vì tính thuyết phục của ngôn ngữ đồ họa, vừa hiện đại vừa dân tộc, đã lột tả được sự vĩ đại của con người Bác. Nhìn vào bức tranh cổ động, người ta thấy hình ảnh Bác uy nghiêm thanh khiết và sáng trong như ngọc.

Sảnh trưng bày trước sảnh và tường nhà 16 Lê Thái Tổ là một không gian văn hóa đẹp để nhiều người qua lại có thể đứng ngắm nhìn. Đây chính là đất của loại hình nghệ thuật này. Cách trưng bày cũng tôn vinh tác phẩm. Cái sảnh xinh xinh thoáng đãng từ lâu bị biến thành bãi giữ xe bừa bộn, ảnh hưởng đến vẻ đẹp kiến trúc ngôi nhà, thì hôm nay trở thành một không gian văn hóa sang trọng khác hẳn ngày thường. Mong rằng từ nay những người có trách nhiêm quản lý đô thị hãy đừng để cảnh nơi này thành bãi giữ xe, mà để nó mãi mãi thành điểm trưng bày luân phiên cho tranh cổ động và các hoạt động văn hóa khác.
 
Đỗ Đức (họa sĩ)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm