05/04/2013 09:14 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều năm nay, NSƯT Hồ Kiểng sống bằng máy trợ tim với nhịp đập 41 lần/phút. Đến khi trút hơi thở cuối cùng hôm 3/4, lồng ngực ông còn rung đập như thể vẫn quyến luyến cuộc đời ở tuổi 89.
Nói đến NSƯT Hồ Kiểng, khán giả của màn ảnh Việt gần như ai cũng biết đến ông qua các vai diễn “già dê, bợm nhậu, ăn mày”. Ông trở thành kỷ lục gia Việt Nam năm 2005 vì là người đóng nhiều vai phụ nhất trong hơn 200 phim. Gần như cả đời Hồ Kiểng chỉ đóng vai phụ nhưng đặc biệt ông chưa bao giờ “phụ vai” diễn của mình.Người tài hoa lận đận
Ngoài tham gia hơn 200 phim trong các vai phụ, Hồ Kiểng còn tham gia 48 vở kịch nói, 304 kịch truyền thanh, 12 vở cải lương và lồng tiếng thú vật cho 16 phim múa rối. Hồ Kiểng tài hoa trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật, ông còn là một họa sĩ đã vẽ 6 phim hoạt hình cho thiếu nhi. Với nhiều người miền Nam, các làn điệu vọng cổ luôn thấm sâu vào trong máu thịt, Hồ Kiểng cũng là người say mê vọng cổ như thế. Ông đã sáng tác khoảng 200 bài vọng cổ để đi chạy show “góp vui” cho các sân khấu, đám tiệc.
Ở lĩnh vực phim ảnh, dù chỉ đóng toàn vai phụ, nhưng Hồ Kiểng chưa bao giờ chê bất cứ vai diễn nào. Ông có nguyên tắc làm nghề được chính ông nghiêm khắc thực hiện từ những ngày đầu mới bước chân vào nghề diễn. Theo Hồ Kiểng, vì vai quá nhỏ nên chê là không được, nhận vai quá khó tìm cách thoái thác cũng không được, vì đã làm nghệ sĩ thì bất cứ vai gì cũng phải diễn cho đạt yêu cầu.
NSƯT Hồ Kiểng lúc sinh thời trong “cõi trần gian lụp xụp” của ông |
Những người từng tiếp xúc hoặc làm việc chung với Hồ Kiểng đều công nhận ông là một người cực kỳ dễ mến. Hồ Kiểng dễ mến đến độ không bao giờ ra giá đòi tiền thù lao trong bất cứ vai diễn nào. Khi hoàn thành một vai hay show diễn, người ta đưa bao nhiêu tiền ông đều nhận chứ không kỳ kèo thêm bớt hoặc liếc sang thù lao của đồng nghiệp để phân bì. Hồ Kiểng là “đại gia” nên không quan tâm đến tiền nong?
Sự thật cả đời Hồ Kiểng sống rất thanh đạm, nếu không muốn nói là nghèo. Thời thanh niên ông đi bộ đội vừa biểu diễn văn nghệ vừa cầm súng chống Pháp tại Nam bộ. Năm 29 tuổi, Hồ Kiểng mới học dự thính nghề diễn viên tại Hà Nội. Năm 1962 ông bắt đầu sự nghiệp đóng vai phụ của mình trong phim Lửa trung tuyến của đạo diễn Phạm Văn Khoa. Có thể nói, Hồ Kiểng là một trong những người tham gia xây dựng nền điện ảnh cách mạng trong thời kỳ đầu. Ít người biết Hồ Kiểng có hơn 60 năm tuổi Đảng cùng nhiều huân huy chương khác.
Thế nhưng, gia tài của Hồ Kiểng để lại cho trần gian ngoài những vai diễn và những sáng tác thì không có gì đáng kể về vật chất. Đến phút vẫy chào cuộc đời, Hồ Kiểng vẫn sống ở “cõi trần gian tạm bợ” trong một căn hộ khoảng 15m2, vốn là nhà chứa máy phát điện chung cư, nằm trên đường Cao Thắng, Q.3, TP.HCM. Lương hưu của ông khoảng 2 triệu đồng/tháng cộng với thù lao đi diễn, thu nhập như vậy có đủ để ông trang trải tuổi già mang nhiều bệnh tật trong người không? Ông tiếp khách trên chiếc giường cũ kỹ, bừa bộn sách báo, mùng mền…
Gặp ông tại “cõi trần gian tạm bợ” này, liên tưởng với nhiều vai diễn của ông trên phim, thấy sao mà giống nhau đến vậy.
Làm đơn xin danh hiệu NSND thì mắc cỡ lắm
Làm diễn viên nổi tiếng như Hồ Kiểng, ắt hẳn sẽ được rất nhiều nữ giới hâm mộ. Vả thật, trong cuộc sống gia đình, Hồ Kiểng đã bốn lần cưới vợ và cũng bốn lần chia tay. Ông làm thơ về các cuộc nhân duyên tan vỡ của mình: “Tạo hóa trớ trêu vẽ cuộc tình/ Cả đời chưa trọn nợ ba sinh/ Vợ chồng bao lượt đi rồi đến/ Rốt cuộc phòng đơn lẻ một mình”.
Ngoài tham gia hơn 200 phim trong các vai phụ, Hồ Kiểng còn tham gia 48 vở kịch nói, 304 kịch truyền thanh, 12 vở cải lương và lồng tiếng thú vật cho 16 phim múa rối. Ông còn vẽ 6 phim hoạt hình, sáng tác khoảng 200 bài vọng cổ. |
Tại sao “vợ chồng bao lượt đi rồi đến” để rồi “rốt cuộc phòng đơn lẻ một mình”? Trong nhiều lần tiếp xúc, Hồ Kiểng cho biết: “Tui không có số đào hoa gì ráo, nếu đào hoa sao đến giờ tôi vẫn thui thủi một mình. Chỉ là vì tui khiến gia đình của tui cũng lận đận vì phim. Có khi tui đi đóng phim cả năm trời mới mò về nhà. Thử hỏi có bà vợ nào chịu nổi ông chồng đi biền biệt như vậy không?".
Chẳng những gia cảnh phải ngậm ngùi… vì phim, Hồ Kiểng cũng vì phim mà phải xài toàn đồ giả trong người. Do đầu hói từ trẻ nên Hồ Kiểng thường xuyên dùng tóc giả. Khi diễn ông thường dùng mắt để thể hiện cá tính nhân vật nên Hồ Kiểng đeo kính không tròng để ánh đèn không làm lóa. Để trả lời nhiều người thắc mắc vì đôi kính không tròng “lập dị” của mình, Hồ Kiểng làm thơ ngắn gọn: “Hồ Kiểng đeo kiếng không tròng/ Nhưng anh vẫn thấy ngoài trong cuộc đời/ Dù rằng bè bạn trêu cười/ Kiếng còn nhìn thấu dạ người trắng đen”. Lớn tuổi răng rụng, nếu là một ông già bình thường như các cụ ở quê cười móm mém, thì Hồ Kiểng xài răng giả để lên phim diễn được nụ cười "già dê" sáng lóa.
Đồ giả trong người Hồ Kiểng còn bởi nhiều lần suýt chết… vì phim. Thời chiến tranh chống Mỹ, Hồ Kiểng đóng phim Rừng xà nu quay ở Cao Bằng, ông cưỡi ngựa bị ngã gãy xương sống tưởng nằm liệt một chỗ, phải thay thế xương giả vào.
Đến nay, những bạn diễn cùng thời với Hồ Kiểng gần như đều trở thành NSND hết, riêng Hồ Kiểng vẫn chỉ là NSƯT được phong tặng vào năm 1997. Năm 2006, Sở Văn hóa Thông tin TP.HCM khi đó, bình chọn Hồ Kiểng là một trong năm người đạt tiêu chuẩn để trở thành NSND. Hỏi ông về việc phong tặng danh hiệu, Hồ Kiểng thẳng thắn: “Ngày xưa, tôi làm đơn xin đi bộ đội vì tôi thấy mình cần cống hiến cho Ttổ quốc. Giờ làm đơn xin NSND thì tôi chỉ được lợi cho riêng mình. Nếu Nhà nước thấy tôi xứng đáng NSND thì cứ phong tặng, bảo làm đơn xin tôi mắc cỡ lắm”.
Những năm tháng cuối đời, Hồ Kiểng làm thơ rất nhiều và ông muốn in một tập thơ đàng hoàng. Nhưng đến khi từ giã cuộc sống mến thương này, những bài thơ của Hồ Kiểng vẫn còn nằm trong chiếc tủ sắt cũ kỹ ở “cõi trần gian tạm bợ” của ông. Cuộc đời Hồ Kiểng như một bài thơ ông tự bạch về chính mình: “Mẹ sinh tay trắng thuở lọt lòng/ Lớn làm cách mạng trắng tay không/ Hòa bình vui với đôi tay trắng/ Hết kiếp xuống mồ trắng tay không”.
Cùng với “đôi tay trắng”, “trắng tay không” của mình, Hồ Kiểng hẳn sẽ tiếp tục vui cười một cách không lụy phiền ở thế giới bên kia.
NSƯT Hồ Kiểng sinh năm 1926 tại Bến Tre, ông qua đời lúc 16h15 ngày 3/4 sau cơn té ngã do bệnh tim tái phát. Tang lễ NSƯT Hồ Kiểng được tổ chức tại Nhà tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM). Lễ viếng NSƯT Hồ Kiểng diễn ra từ nay đến cuối ngày 7/4, sau đó đưa đi hỏa thiêu tại nghĩa trang Củ Chi. |
Trần Hoàng Nhân
Thể thao & văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất