Viết cho thiếu nhi cần có sự tưởng tượng và hài hước

16/11/2012 17:38 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH Online) - Cuộc Vận động sáng tác cho thiếu nhi năm 2012 mảng văn xuôi chủ đề Một ngày kì lạ vừa kết thúc và trao giải sáng nay tại Hà Nội. Phóng viên Thethaovanhoa.vn đã có cuộc trao đổi với nhà văn Trần Đức Tiến, thành viên Ban Giám khảo xoay quanh cuộc vận động sáng tác này.

* Là một nhà văn viết nhiều tác phẩm cho thiếu nhi, đã từng tham gia các cuộc vận động sáng tác trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ Văn học thiếu nhi Việt Nam Đan Mạch ở cả tư cách là “thí sinh” và “giám khảo”, ông có thể chia sẻ một vài nhận xét về đội ngũ các tác giả tham gia và chất lượng các tác phẩm dự thi và đoạt giải của năm nay so với các năm trước không?

- Có thể nhận thấy, nếu ở những năm trước chủ yếu là các nhà văn chuyên nghiệp, các nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi tham gia thì ở năn nay, đội ngũ những người viết trẻ, nghiệp dư chiếm số lượng khá lớn. Điều này chứng tỏ sức thu hút của chương trình với đội ngũ những người sáng tác, thúc đẩy các tác giả viết cho thiếu nhi. 

Nhà văn Trần Đức Tiến

Về chất lượng các tác phẩm, năm nay, có thể thấy, các tác phẩm đoạt giải chưa có tác phẩm thực sự nổi trội hẳn, tuy nhiên, chất lượng các tác phẩm khá đồng đều, không có sự chênh lệch lớn. Điều này khiến cho Ban giám khảo phải làm khá vất vả để tìm ra những tác phẩm thực sự xứng đáng để trao giải.

* Có “tiêu chí” nào để chấm giải cho tác phẩm dự thi trong cuộc VĐST này không hay nói cách khác, từ kinh nghiệm viết của mình, và từ vị trí của một BGK, ông có thể cho biết thế nào là một tác phẩm hay cho thiếu nhi?

- Theo tôi, một tác phẩm được gọi là hay trước hết phải là một tác phẩm đầy sáng tạo. Hiện nay, đa phần các tác phẩm viết cho thiếu nhi của chúng ta thiếu sự tưởng tượng, sự hài hước và những bài học giáo dục truyền tải trong đó còn thô vụng, lộ liễu. Tác phẩm đoạt giải nhất năm nay, tôi nghĩ cũng đã đáp ứng được những “tiêu chí”: trí tưởng tượng tốt, câu chuyện khá hài hước, văn hay và bài học được truyền tải khá nhẹ nhàng: hãy luôn biết dành những điều tốt đẹp cho người khác.

Tác giả Ngọc Linh (giữa) đạt giải nhất.

Có một thực tế là mặc dù đã quy tụ các cây viết tâm huyết cho thiếu nhi khắp cả nước (và cả nước ngoài), nhưng các tác phẩm đoạt giải khi in thành sách lại không phải là một tác phẩm gây được tiếng vang, theo ông, thì tại sao lại như vậy?

Có thể khẳng định, các tác phẩm đoạt giải đều là các tác phẩm chất lượng, tuy nhiên, theo tôi nghĩ, hình thức trình bày tác phẩm chưa thực sự hấp dẫn lắm với phần đông các em thiếu nhi. Ngoài ra, tôi thấy công tác quảng bá cho tác phẩm cũng chưa tốt, chưa thu hút được sự quan tâm của công chúng.

“Một ngày kì lạ” là chủ đề cuộc vận động sáng tác thứ Bảy trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ Văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch. Truyện ngắn đạt giải nhất - Bộ ba hoàn hảo của Ngọc Linh kể chuyện một cô bé trúng xổ số, cùng con mèo và con cún đóng giả làm người cha đi lĩnh thưởng. Phần thưởng cuối cùng có vào tay bộ ba này, hay là sẽ tìm đến một địa chỉ nào khác, đó là điều được tác giả tạo ra một cái kết tất yếu. Chủ đề cuộc vận động sáng tác năm 2012-2013 ở mảng văn xuôi là “Vượt qua sợ hãi”.

Dự án Hỗ trợ Văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch là hoạt động hợp tác văn hoá với mục tiêu: tăng cường năng lực sáng tạo cho các nhà văn, họa sĩ Việt Nam, tạo điều kiện cho các em nhỏ được tiếp cận với những hình thức sáng tạo mới, đem những cuốn sách mới đến tận tay trẻ em ở khắp các vùng miền Việt Nam. Đây là kết quả hợp tác giữa Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, Hội Nhà văn Đan Mạch và Nhà xuất bản Kim Đồng.


Phùng Hà 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm