Vi Thùy Linh: Tôi ước mơ làm tiệc nghệ thuật có tính quốc tế

29/11/2012 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Live show văn chương Bay cùng ViLi của nhà thơ Vi Thuỳ Linh diễn ra lúc 19h30 ngày 1/12 tới ghi dấu là sự kiện trình diễn thơ - văn xuôi lần đầu tiên ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định đây là sự kiện nghệ thuật độc đáo của năm nay.

Vi Thùy Linh mong muốn đem đến những gì chân thật, lay động qua sự kết hợp của âm nhạc cùng văn chương. Cũng trong đêm trình diễn này, chị đã chọn thể loại tùy bút làm trọng tâm của live show sau 16 năm cống hiến cho thơ với sự góp mặt của các nghệ sĩ kịch hàng đầu.

Muốn văn chương thu hút, phải làm thành sự kiện

Vi Thùy Linh cho biết:    

Bay cùng ViLi là giấc mơ mà tôi muốn thực hiện sau chuyến đi Pháp cuối năm 2011. Sự kiện nghệ thuật này thực sự là khát vọng của tôi, muốn được đan hòa âu yếm với những nghệ sĩ và dành tặng công chúng yêu mến tôi một món quà nghệ thuật đặc biệt nhất từ trước đến nay.


Nhà thơ Vi Thùy Linh

Tôi không muốn văn chương sống mãi trong cảnh âm thầm mua, âm thầm đọc. Thời thế khó khăn, những người lao động chất xám như chúng tôi đang vẫn phải nhận được những đồng nhuận bút rẻ mạt, nhiều người mặc cảm do nghèo, luôn nghĩ rằng văn chương là thanh bạch, thậm chí đôi khi lầm lũi, thua thiệt. Vì thế, khi thực hiện dự án này, tôi làm không phải cho riêng mình. Tôi đang kích động đồng nghiệp với hy vọng, sau mình sẽ có những đồng nghiệp tiếp theo dám nghĩ, dám làm vượt bình thường.

* Vì sao chị chọn Nhà hát Lớn làm địa điểm cho sự kiện này?

- Không gian thưởng thức nghệ thuật lý tưởng kinh điển trên thế giới luôn là các nhà hát opera, vốn đã là tín chỉ quốc tế trên toàn cầu về chuẩn mực biểu diễn và thái độ của khán giả. Sự sang trọng đó cũng không hẳn chỉ ở Nhà hát Lớn, song thời buổi "bão bùng thông tin" và nhiều giá trị bị đảo lộn này, thì đây là không gian duy nhất tôi chọn để thực hiện ước mơ mà muốn văn chương được thu hút thì cần phải làm nó thành sự kiện.

Tôi cho rằng tính ấm cúng, cộng hưởng trong không gian của Nhà hát Lớn thích hợp cho sự kiện này. Nhà hát Lớn cũng là một công trình kiến trúc tiêu biểu phong cách  Pháp, xứ sở cho tôi cảm hứng có ViLi & Paris. Chính không gian lãng mạn này, tôi mới có cảm xúc đưa mọi người cùng bay Paris từ “ái thành” Thăng Long.

* Liệu có quá không nếu nói trong Bay cùng ViLi nhiều yếu tố Tây: sách của chị song ngữ Việt - Anh, thiếp mời, banner in 3 ngôn ngữ... Vậy chắc hẳn ngôn ngữ trong ViLi & Paris của chị cũng không thoát khỏi... châu Âu chứ?

- Đúng là ngôn ngữ, kỹ thuật trong ViLi & Paris ViLi tuỳ bút mang tinh thần hiện đại châu Âu, nhưng vẫn không thiếu tính Việt Nam khi chứa đựng trong đó yếu tố tâm linh của người Á Đông - thể hiện tình cảm của tôi dành cho Hà Nội bằng hoài niệm nhớ thương những vẻ đẹp đã mất.

Còn có yếu tố châu Âu là bởi với những khán giả châu Âu đến với sự kiện này, tôi muốn họ có thể thấy, chúng ta luôn có những nghệ sĩ đủ căn cước nghệ thuật mang tính đương đại để đưa ra quốc tế. Nhân đây, tôi cũng muốn thúc đẩy các đồng nghiệp hãy hiện đại, đổi mới. Phải thay đổi, sáng tạo để thu hút công chúng.

Tôi “chịu chơi”

* Nếu người ta bảo chị “chơi trội”, thì sao?

- Người xưa có câu: “Nghề chơi cũng lắm công phu”. Nếu văn chương là nghề chơi bậc cao thì tôi là người chịu chơi. Đây là một cuộc chơi của số phận, tôi đã dâng hiến cho nghệ thuật trong niềm tin, yêu nghề và tận tụy khát vọng. Uy tín nghề 16 năm tôi muốn dốc vào sự kiện này.

Còn nếu có ai đó bình phẩm, thậm chí bóp méo ý tưởng tinh thần của chương trình, tôi không bận tâm. Họ đâu có cơ hội được “bay” để chứng kiến. Nên chấm dứt ngay sự hiềm tị, nếu không, tôi cũng không cho phép bất cứ ai nói đây là cuộc “đánh bóng” vì những nghệ sĩ của chương trình này đều là tài danh tiếng tăm. Tôi không là gì ghê gớm để điều động những ngôi sao như thế phục vụ mình. Tôi mời họ một cách trân trọng để làm một đêm liên tài. Và họ thấu hiểu, đồng cảm để cùng biến giấc mơ thành sự thật của giá trị.

* Chị đã xoay sở thế nào với con số hơn cả 40 triệu đồng để thực hiện chương trình này?

- Nếu chỉ vì 40 triệu đồng thuê nhà hát, không có gì phải hoảng hốt để phải chùn lại một ước mơ. Nhưng để có một đêm diễn thực sự còn cần nhiều hơn thế, vô số chi phí tốn kém

Không dưới 500 triệu đồng là số tiền đòi hỏi để thực hiện dự án này. Xin tài trợ khó khăn ngặt nghèo lắm, đây không phải "sở trường" của tôi. Nhà tài trợ lớn nhất của tôi chính là các nghệ sĩ. Tôi rất trân trọng, biết ơn sự thương mến, chia sẻ của các nghệ sĩ đã hiểu khát vọng và cùng tôi thực hiện ước mơ này bằng sự ủng hộ tài năng, thời gian, sức lực. Nếu không có tài trợ quý giá: thời gian, tài năng, sức lực của các nghệ sĩ, chắc chắn tôi không thể thực hiện được ước mơ. Vì thế, họ là vô giá.

* Chương trình chỉ phát vé mời, những người muốn đến xem sẽ phải làm thế nào?

- Vậy không biết là nếu tôi bán vé thì nó có sốt thế không nhỉ? Bạn biết đấy, các nghệ sĩ đến đây không màng cát-sê, nên tôi không thể bán vé. Điều này cho tôi quyền được lựa chọn khán giả - một thứ quyền rất cao mà những đêm nghệ thuật thông thường không thể có. Có nhiều người yêu mến chúng tôi mà không đến được thì cũng thông cảm. Tôi ước mơ có tài trợ để một ngày kia sẽ làm ở sân vận động, thỏa mãn được nhiều người.

Tôi nghĩ rằng đây là một chương trình được chờ đợi không chỉ với riêng tôi mà cả những nghệ sĩ tham gia biểu diễn, hiếm khi có một đêm diễn như thế. Nghệ sĩ sẽ chiếm 2/3 nhà hát.

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Bay cùng ViLi gồm 3 phần: Phần đầu: Thơ Hãy mở ra nhiều ô cửa sổ với sự phá cách của các ca sĩ Hoàng Quyên (Vietnam Idol 2012). Giọng nam trung trầm Phúc Tiệp trình diễn Nhớ ViLi ở Paris trong tiếng đàn violin của Mỹ Hương. Phần hai là triển lãm sắp đặt các tác phẩm hội họa của các họa sĩ như Thành Chương, Đào Hải Phong, Phạm Quang Vinh, Lê Thiết Cương, Vi Kiến Thành... Phần ba Bình minh thiên đường - điểm nhấn của chương trình với phần diễn kịch bằng tùy bút của NSND Hoàng Cúc, NSND Minh Hòa.

Đặc biệt là màn thể hiện độc đáo của nhà thơ Vi Thùy Linh và NSƯT Phạm Cường trong vai đôi tình nhân. Các ca sĩ: NSƯT Thanh Lam, Hà Linh hát với phần đệm của nhạc sĩ Ngọc Đại. Hà Nội dấu hương - tác phẩm cuối cùng trong tùy bút cũng được trình diễn cuối cùng trong chương trình, là cao trào hội tụ màn biểu diễn của tất cả các nghệ sĩ, kết hợp khói nặng và ánh sáng tím.


Ngọc Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm