02/08/2013 12:28 GMT+7 | Phim
(Thethaovanhoa.vn) - Những xác sống (Zombie) khát máu, các vụ tấn công khủng bố và viễn cảnh thế giới bị hủy diệt đang tràn ngập trong các rạp chiếu phim hiện nay. Nhưng vì sao Hollywood lại thích làm thể loại phim này và do đâu khán giả lại mê mẩn chúng tới vậy?
2013 là một năm tồi tệ với cuộc chiến ở Syria, các trận lụt lớn, các vụ khủng bố, các vụ sập nhà và bạo động ở đô thị.
Những quả bom tấn về thảm họa
Có thể để trốn tránh viễn cảnh buồn này, hàng triệu người đã đổ tới các rạp chiếu phim, để rồi lại phải chứng kiến vô số các phim mô tả về việc nhân loại sẽ bị hủy diệt hoặc gặp thảm họa lớn. Đơn cử như phim bom tấn World War Z cho thấy thế giới bị từng đàn xác sống khát máu tấn công tàn phá. Còn tại Pacific Rim, một quái vật ngoài hành tinh rất khó diệt đã trỗi dậy từ lòng đại dương và gây tai họa. Trong 2 phim Olympus Has Fallen và White House Down, người ta lại chứng kiến Tổng thống Mỹ cùng bộ sậu bị tấn công.
Việc các hãng phim lớn ở Hollywood thích làm phim thảm họa xuất phát từ một lý do là vì khán giả thích những thể loại phim này. Đã có nhiều giả thuyết hình thành xung quanh việc vì sao khán giả chuộng phim tận thế. Nhưng theo Wheeler Winston Dixon, tác giả cuốn Disaster And Memory (Thảm họa và ký ức), đánh giá: “Người ta đi xem các phim thảm họa và tận thế để tự chứng minh với bản thân mình rằng họ có thể trải qua những gì tồi tệ nhất và bằng cách nào đó, họ sẽ không thể chết”.
Một số bậc thầy về việc tạo ra các phim tận thế và thảm họa cho rằng tác phẩm của họ giúp khán giả giảm bớt áp lực tâm lý. “Các bộ phim có xu hướng khiến tâm lý của khán giả nhẹ nhàng hơn. Khi xem phim anh thấy tất cả các cảnh tàn phá, nhưng cuối cùng nhân loại vẫn được cứu vớt” - Roland Emmerich, người đạo diễn phim thảm họa kinh điển Independence Day và gần đây là White House Down cho biết.
Các bộ phim thảm họa như World War Z đã xuất hiện rất nhiều trong mùa phim năm nay |
Có một thực tế là dù Philadelphia bị tấn công trong World War Z hoặc thành phố Metropolis có khung cảnh giống New York bị phá hủy trong Man Of Steel, phần lớn các phim thảm họa ở Mỹ hiện đã tìm cách hút khán giả thông qua việc khai thác cảm giác băn khoăn và lo âu hình thành sau vụ khủng bố 11/9.
Một số hãng phim còn tập trung khai thác sự phẫn nộ của công chúng Mỹ với chính quyền, trong thời điểm chính trường Mỹ đang chia làm 2 nửa. Không ít các công trình biểu tượng của Mỹ như Nhà Trắng, Điện Capitol và Tượng đài Washington đã bị tấn công trong nhiều phim thảm họa của năm nay. Wheeler Winston Dixon nói rằng “sự phá hủy các công trình của chính quyền và các tòa nhà biểu tượng ở Mỹ đã tăng lên trong các bộ phim chính bởi sự phân cực trong chính trị Mỹ. “Nửa bên này của nước Mỹ luôn muốn hủy diệt nửa còn lại, vì thế họ dựng các bộ phim tàn phá tưởng tượng để thể hiện sự bực dọc của họ với những gì xảy ra ngoài đời thực” - ông nói.
Và các nhà làm phim không chỉ khai thác nỗi sợ khủng bố hay sự bực dọc với các vấn đề chính trị trong nước. Các hình ảnh trong World War Z đã phng về những con người vô tri vô giác, đông như kiến là nỗi sợ mà World War Z đã khai thác để giúp chúng ta giải trí” - nhà quan sát John Wildman viết trên trang filmcomment.com.
Sự lo âu của khán giả có giúp hình thành nhu cầu xem phim thảm họa. Nhưng chính hoạt động kiếm tiền tại Hollywood đã đóng vai trò quan trọng khiến phim thảm họa xuất hiện ồ ạt như hiện nay. Trong bối cảnh Hollywood đang tập trung mở rộng thị trường ngoài nước Mỹ, các nhà làm phim đã liên tục tìm kiếm những bộ phim dễ xuất khẩu.
Phim thảm họa rất phù hợp với nhu cầu này. Chúng có vẻ đẹp hoành tráng và dễ hiểu dưới mọi ngôn ngữ. Và khi công tác xử lý hiệu ứng hình ảnh trở nên ngày càng phát triển hơn, giúp tạo ra những phim ấn tượng như Armageddon, các nhà làm phim đã muốn tạo ra thêm ngày càng nhiều những bộ phim thảm họa với mức độ lớn hơn. “Hiệu ứng hình ảnh do máy tính tạo ra mang tới nhiều đồ chơi hơn” - John Wildman noi - “Một phim như Pacific Rim giờ đã dễ làm hơn nhiều so với thời kỳ trước Avatar”.
Việc nhiều công trình biểu tượng của Mỹ bị phá hủy trong phim thảm họa được đánh giá đã phản ánh phần nào tình hình chính trị ở nước Mỹ |
Thiếu tính sáng tạo
Mặc dù nhiều phim thảm họa năm nay được ca ngợi vì có đông người xem, chúng đã bị chỉ trích vì thiếu sự độc đáo. Diễn viên Jeff Grace, người thủ vai trong phim hài chi phí thấp It’s A Disaster, nhận xét: “Tôi thích phim thảm họa khi người ta làm nó đúng cách. Nhưng phần lớn thời gian, tôi có cảm giác như người ta chỉ chạy theo các con số. Họ nghĩ rằng chỉ cần cho nổ tung Nhà Trắng, nổ tung tòa nhà Empire State và rồi khán giả sẽ hài lòng”.
Hollywood có một danh sách dài các phim thảm họa đang chờ được sản xuất. Nhưng hiện không khí lo lắng đã xuất hiện trong ngành công nghiệp. Cả White House Down và Pacific Rim đều có doanh số bán vé yếu trong buổi chiếu khai mạc cuối tuần. Chỉ có World War Z ghi điểm ấn tượng, mang về hơn 470 triệu USD trên toàn cầu.
Theo các chuyên gia, dù sự ưa chuộng với thể loại phim thảm họa có lúc thăng lúc trầm, chắc chắn Hollywood sẽ không bao giờ từ bỏ nó. Sự tồn tại của phim thảm họa đã trở thành một phần thường trực trong vòng tròn văn hóa đại chúng Mỹ. Trong bối cảnh dân Mỹ vẫn còn lo sợ trong một thế giới hậu 11/9, các hãng phim sẽ tiếp tục làm giàu trên nỗi sợ đó và tạo ra thêm nhiều bộ phim thảm họa khác, “buộc” thế giới phải xem chúng.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất