Văn hóa thời kỳ mới: Những mối canh cánh trong lòng

16/05/2013 12:23 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm qua, 15/5, "Hội thảo khoa học Thực trạng và giải pháp phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới" đã được Bộ VHTT&DL tổ chức tại Hà Nội.

Hội thảo đề cập đến mục tiêu của quá trình xây dựng văn hóa là xây dựng con người, chất và lượng của các công trình, nhu cầu văn hóa, và cả những bất cập trong quá trình thực hiện các chính sách văn hóa của Đảng và Nhà nước.


1. Tại hội thảo, TS Nguyễn Viết Chức - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long - đã đưa ra những nhận định thẳng thắn về nền văn hóa mới (nền văn hóa tính từ thời kỳ Đổi mới 1986 đến nay).

TS Nguyễn Viết Chức khẳng định Nghị quyết 03 Hội nghị lần thứ 5 Khóa VIII  ban hành 16/7/1998 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về "xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" là văn kiện chuyên đề, sâu sắc và toàn diện về văn hóa. Nhưng khi xây dựng mục tiêu chiến lược các cơ quan thực hiện lại "nặng về định tính, thiên về ước muốn và ý chí".

Ông Chức lấy ví dụ: "Mục tiêu số một của chúng ta là xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, tuân thủ pháp luật, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình, lối sống văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình cộng đồng và xã hội... Nhưng nếu xem báo mạng chúng ta sẽ giật mình về con người Việt Nam hôm nay. Giờ nói người Việt Nam cần cù, thông minh tôi không tin đâu vì nếu đúng như vậy sao đến giờ chúng ta lại ít các phát minh sáng chế thế?".

2. Ngoài những lo ngại về đạo đức xã hội, những bất cập về chính sách văn hóa, nhiều nhà khoa học rất quan ngại về nhận thức xã hội đối với tầm quan trọng của văn hóa. Dù trong 3 thập kỷ qua, vai trò của văn hóa đã được khẳng định trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước, nhưng thực tế văn hóa vẫn chưa được chú tâm phát triển đúng mức. Điều đó kéo theo nhiều nguy cơ, nhất là khi Việt Nam đã hội nhập với thế giới.

Năm 1962, Bác Hồ đã trả lời phóng viên báo Nhân đạo (Pháp) về ưu tiên phát triển sau hòa bình như sau: "Có lẽ, cần phải đề lên hàng đầu những cố gắng của chúng tôi nhằm phát triển văn hóa".

GS-TS Trần Văn Bính cho biết: "Bác Hồ từng nói văn hóa không nằm ngoài kinh tế và chính trị. Các hoạt động về kinh tế chính trị xã hội thường xuyên tác động tới tâm tư, tình cảm của mỗi người. Vì vậy để xây dựng văn hóa phát triển, đòi hỏi phải có những chế tài buộc kinh tế, chính trị phải vận hành theo những chuẩn mực và giá trị văn hóa của dân tộc và của thời đại".

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm