Vấn đề "tam nông" trong xã hội hiện đại (Kỳ 1)

08/08/2008 01:32 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - LTS: Có lẽ 3 hằng số “Nông dân - Nông nghiệp - Nông thôn” đã thành vấn đề văn hóa bức xúc trong sự phát triển xã hội Việt hiện đại TK 21, nên Hội Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH, phối hợp Cơ quan Hợp tác Quốc tế Tây Ban Nha (AECI), tổ chức hai cuộc hội thảo: ở Hà Nội, ngày 28/7, và ở TP.HCM (trung tuần tháng 8.2008), nhan đề “Hội thảo về Văn hóa nghề ở Việt Nam.”

Kỳ 1: Ba hằng số của Văn hóa VN truyền thống

Nhân dịp này, TT&VH xin giới thiệu loạt bài viết của PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái:
“Người lao động”, nhân vật được đề cập trong bài viết này và được đánh giá từ “văn hóa nghề”, đó là người nông dân, với tỉ lệ vẫn là áp đảo trong xã hội Việt đương đại: khoảng 70%. Và vấn đề cần phải giải quyết rốt ráo cho nông dân Việt trong TK XXI chính là văn hóa nghề.
 Hội thảo về văn hóa nghề
1. Do vị trí địa lí của mình, một dải đất hình chữ S bên bờ biển Đông, Việt Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa đặc trưng của một xứ nóng ẩm, mưa nhiều. Theo các nhà nghiên cứu, từ góc nhìn địa-văn-hóa, thì đặc điểm đầu tiên: Việt Nam là xứ nóng. Đặc điểm thứ hai của hoàn cảnh địa lý khí hậu Việt chính là vùng sông nước. Sông nước đã để lại những dấu ấn văn hóa vật chất và tinh thần vô cùng sâu đậm cho người Việt, và được coi là một hằng số địa lí quan trọng, tạo nên một nền văn hóa văn minh lúa nước đặc thù Việt. Đặc điểm thứ ba, Việt Nam có một vị trí độc đáo: là giao điểm, ngã tư đường của các nền văn hóa văn minh.

Chính bởi các thông số đó của môi trường tự nhiên, dân tộc Việt đã thành một dân tộc nông dân, với nghề trồng lúa nước đã ngàn đời, và ngàn đời nay, họ cư trú ở nông thôn, với những nguyên tắc tổ chức đặc thù của một xã hội nông nghiệp điển hình.

Ngay trong tựa đề sách “Việt Nam văn hóa sử cương” của Đào Duy Anh, học giả Việt đầu tiên nghiên cứu về lịch sử văn hóa Việt Nam, đã là những lời bi tráng về công cuộc lập nghiệp trồng lúa trên đất Việt của người Việt (tr.435): “Khắp một vùng trung châu Bắc Việt, không một mẫu đất nào là không có dấu vết công trình thảm đạm kinh dinh của tổ tiên ta để giành lại quyền sống với tạo vật; suốt một dải Trung - Việt vào đến trung châu Nam Việt không một khúc đường nào là không nhắc lại sự nghiệp gian nan tiến thủ của tổ tiên ta để mở rộng hi vọng cho tương lai. Cái văn hóa của tổ tiên ta đã gây dựng trong hai nghìn năm để sinh trưởng giữa những điều kiện tự nhiên ác liệt ở xứ này, tất phải có sinh khí mạnh mẽ lắm.”.

Nông dân chính là chủ thể văn hóa nông nghiệp đã tạo ra cái sinh khí mạnh mẽ ấy. Học giả Đào Duy Anh nhận định về nông dân thật chính trực (tr. 646, 647): "Thực vậy, nông dân, là một thể chất mạnh mẽ, ăn mặc sơ sài, tuy nắng mưa dầu dãi mà ít tật bệnh, nòi giống vẫn giữ được kiện toàn, hai là tinh thần trong sạch nên đạo đức càng cao, những điều tệ tập bại hoại cùng bao nhiêu tội ác vì khoái lạc chủ nghĩa sinh ra, nông dân thường không nhiễm phải(…). Xem thế thì nông dân thực là nền móng của dân tộc ta mà nông nghiệp là nền móng của văn hóa ta vậy".

Từ nghiên cứu đó, Đào Duy Anh chỉ ra 5 đặc tính của xã hội nông nghiệp Việt truyền thống:

Đặc tính thứ nhất của văn hóa nông nghiệp là xã hội lấy gia tộc làm cơ sở(…). Chính đặc tính này đã dẫn tới đặc tính thứ hai của văn hóa nông nghiệp Việt Nam, là “Văn hóa nước ta lấy cảm tình làm bản vị”, nghĩa là trong gia tộc đối đãi với nhau, đã lấy tình cảm làm trọng, thì với hàng xóm láng giềng cũng vậy, xem như bà con trong một gia đình lớn. Xưng hô trong gia tộc thế nào thì với bên ngoài cũng thế.

Đặc tính thứ ba: Sự sinh hoạt nông nghiệp đã gây cho dân tộc ta cái tính tình ưa chuộng hòa bình, chỉ cốt an cư lạc nghiệp chứ không muốn cạnh tranh với ai(…).Cứ thế thì nước ta coi việc dụng võ là bất thường và việc canh nông là cốt yếu…

Vì thế mà văn hóa Việt có đặc tính thứ tư: nhân sinh quan của nông dân Việt, theo Đào Duy Anh là trông cậy vào con cháu để lưu truyền nòi giống và tiếp nối sự nghiệp của tổ tiên….Nên người Việt hay làm việc thiện, cốt lưu chút phúc ấm cho con cháu về sau. Nhờ vào nhân sinh quan ấy mà người Việt trải qua nhiều thảm họa mà vẫn giữ được sức sống riêng của mình, không bị gãy đổ hoàn toàn trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

Cuối cùng là đặc tính thứ năm: văn hóa Việt có tính thường tồn (permanence). Đào Duy Anh cho đó là kết quả của sự sinh hoạt nông nghiệp vậy (…).Cái tinh thần tồn cổ ấy vốn làm cho xã hội ta không tiến bộ được mau chóng như xã hội Phương Tây, nhưng cũng chính nhờ nó mà trải qua những cuộc quốc táng gia vong, không bao lâu cơ nghiệp lại hồi phục được.
 
2. Tuy nhiên, là một nhà nghiên cứu văn hóa trên tinh thần hiện đại của nửa đầu thế kỉ XX, Đào Duy Anh biết chắc, cái văn hóa nông nghiệp nước ta với nghề trồng lúa truyền thống, chỉ tốt tươi, hài hòa phát triển trong chính những điều kiện địa lí-tự nhiên và lịch sử-xã hội đặc trưng cội nguồn của nó. Khi tiếp xúc với văn hóa phương Tây, thì từ năm 1938, trong Việt Nam văn hóa sử cương, bằng nghiên cứu đích đáng, Đào Duy Anh đã tiên liệu cuộc đụng độ giữa văn hóa nông nghiệp Việt với văn hóa Pháp: "Cái văn hóa thích hợp cho sự sinh trưởng của một xã hội bế tỏa, đến khi xã hội ấy gặp tình thế bắt phải khai thông, thì nó lộ ngay ra hết mọi nhược điểm. Cái bi kịch hiện thời của dân tộc ta là sự xung đột của những giá trị cổ truyền của văn hóa cũ ấy với những điều mới lạ của văn hóa Tây phương. Cuộc xung đột sẽ giải quyết thế nào, đó là một vấn đề quan hệ đến cuộc sinh tử tồn vong của dân tộc ta vậy".

Đúng vậy, theo GS Trần Quốc Vượng, khi tổng kết văn hóa truyền thống Việt Nam theo 3 hằng số: Nông dân-Nông nghiệp-Nông thôn, thì hiện nay, ba hằng số đó của văn hóa nông nghiệp đang phải trải qua điều chỉnh, biến đổi, chịu tác động của lịch sử xã hội Việt Nam hiện đại, nhất là ở điều kiện hiện tại, khi Việt Nam đã là thành viên của ASEAN, đã gia nhập WTO.

Tuy nhiên, chủ thể văn hóa nông nghiệp là nông dân Việt Nam, trong hiện tại, dẫu không chiếm tỉ lệ 90% như xưa, mà chỉ còn khoảng 70% dân số, thì họ vẫn đang là nhân vật “người lao động chủ yếu” của xã hội hiện đại, với mục tiêu hoàn toàn mới so với nền văn hóa nông nghiệp mang tính truyền thống. Đó là mục tiêu: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh…

Và, vì thế, nông dân Việt Nam và nghề nông, trong bối cảnh hiện đại, vẫn phải đối đầu và giải quyết cái bi kịch của cuộc xung đột về văn hóa mà học giả Đào Duy Anh đã từng tiên liệu từ nửa đầu thế kỉ trước…
 
(Còn tiếp)

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm