Vài suy nghĩ về triển lãm 10 năm điêu khắc toàn quốc 2013

03/01/2014 09:13 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - “Sẽ rất hay nếu các tác phẩm của triển lãm lần này được lãnh đạo của các tỉnh, thành phố quan tâm bằng việc họ có thể lựa chọn mua những tác phẩm phù hợp để đặt, hoặc dựng tại địa phương mình" – đó là ý kiến của họa sĩ – nhà điêu khắc Vương Duy Biên – Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL nhân triển lãm "10 năm điêu khắc toàn quốc 2003 - 2013". TT&VH xin giới thiệu tới quý độc giả bài viết của ông Vương Duy Biên.

Nhận thức và đánh giá về nghệ thuật điêu khắc đã thoáng rộng và cởi mở rất nhiều so với 10 năm trước. Các đề tài, khuynh hướng, chất liệu, ngôn ngữ cũng như kỹ thuật biểu đạt, hình thức thể hiện… đã được các nhà điêu khắc phô bày khá rầm rộ trong triển lãm 10 năm điêu khắc toàn quốc 2013 (đang diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội, kéo dài tới 5/1 – TT&VH).

Như vậy, sau 10 năm, điêu khắc Việt Nam đã trình bày được một diện mạo mới với một lực lượng khá khỏe khoắn và hùng hậu… Những tác phẩm đơn lẻ với một kích cỡ vừa phải cho một không gian truyền thống đã được thay đổi, điêu chỉnh linh hoạt… phù hợp với một không gian mở (trong nhà hay ngoài trời), phù hợp với sự tiếp cận ánh sáng khác nhau (ánh sáng tự nhiên hoặc ánh sáng nhân tạo). Ngay cả với chất liệu, đã có những thể nghiệm chứa đựng nhiều thay đổi, ngoài gỗ, đồng, đá,… là chính, thì những giấy, màu, composite, thủy tinh, sắt, nhôm, vải… đã được can dự vào điêu khắc như 1 chất liệu chứa đựng nhiều ẩn ý, tư tưởng, có sự gợi cảm, gần gũi người xem… Người ta thấy ngoài sự sang trọng, nghiêm cẩn của ngôn ngữ điêu khắc chính thống thì sự tương tác rất đời thường như níu kéo người xem đến những thứ họ vẫn thường thấy, thường gặp đó đây trong đời.


Tuổi thơ, gỗ, 2013 – tác giả: Hà Mạnh Chiến (SN 1985, Hà Nội) giành giải Ba

Ngôn ngữ chính của điêu khắc là khối, khối được nhà điêu khắc tạo nên bằng kỹ thuật, chất liệu và những quan niệm khác nhau nhưng đều đi dến một hiệu quả chung là tạo được xảm xúc với người xem bằng thị giác, bằng cảm nhận… Nhiều nhà điêu khắc của chúng ta trong triển lãm lần này đã khá thành công và tôi có cảm tình với: Những góc phố (Đỗ Thế Thịnh), Cây cầu vồng (Nguyễn Ngọc Lâm), Chuyển động vuông (Lê Thị Hiền), Bất tử (Đoàn Văn Bằng), Tuổi thơ (Hà Mạnh Chiến), Đôi mắt (Nguyễn Văn Huy), Lớp vỏ (Trần Văn An), Cái khóa (Đào Châu Hải), Chiều ngoại ô (Mai Thu Vân), Trâu thừng (Lê Đình Nguyên)…

Với điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt không phải là mới, nhưng một số tác phẩm giới thiệu ở triển lãm như thêm một sự gợi ý về một không gian khác của điêu khắc có thể là “nghệ thuật sắp đặt điêu khắc” - biểu hiện đương đại mà người xem thấy không quá xa lạ và cũng là cách thử lựa chọn đề tài để sắp đặt: hữu cảm hay vô cảm? Sắp đặt để mà sắp đặt khác nhiều với sắp đặt để tạo được những suy ngẫm nhân ái và nhiều cảm xúc.

Điêu khắc cũng mới hơn trong quan niệm, với một chất liệu nào đó người ta có thể kéo dãn ra hoặc cô đặc lại mà sự kéo dãn ra cũng là khối, cô đặc lại cũng là khối… nó thay đổi thị giác và có hiệu quả như lồi và lõm, sáng và tối, nhẵn nhụi hay sù xì, gai góc,… và chính những tư duy này được thể hiện ở nhiều tác phẩm trong triển lãm đã phần nào thay đổi những quan niệm cứng nhắc được áp đặt cho một tác phẩm điêu khắc. Chúng ta khuyến khích sự mạnh dạn, tìm tòi của các nhà điêu khắc trên nền của bản lĩnh nghệ thuật Việt. Điêu khắc cũng cần tạo ra một giới hạn rộng mở hơn để phát huy mọi tư duy sáng tạo, ví như một đề tài sáng tạo về tâm linh chẳng hạn, điều mà cuộc sống, chúng ta luôn xem như một điều gì đó thiêng liêng, sâu kín (khi tác phẩm không diễn tả một nhân vật cụ thể nào)… thì điêu khắc có thể lột tả được điều này với ngôn ngữ của mình không?... Tôi nghĩ điêu khắc có thể diễn đạt những gì hiện hữu trong đời sống (vật thể và phi vật thể) nghĩa là người ta có thể diễn tả được cả những gì không nhìn thấy, có trong suy nghĩ nhưng chưa thấy ngoài cuộc đời… cả những điều đang và sẽ nghĩ đến… ?!


Cây cầu vồng, gỗ, sắt, 2013 – tác giả: Nguyễn Ngọc Lâm (SN 1977, Hà Nội) giành giải Khuyến khích

Chúng ta chấp nhận nhiều phong cách, nhiều trường phái và những quan niệm khác nhau trong điêu khắc và không nên vì theo phong cách này mà phủ nhận phong cách khác, quan niệm khác… Các tác phẩm là bình đẳng, được tôn trọng ngang bằng. Chỉ có giá trị sẽ là không đồng nhất vì nó được đánh giá bởi công chúng (mà công chúng thì rất khác nhau: về thế hệ, trình độ, quan niệm, về tài chính mua tác phẩm…). Ngay cả sự đánh giá của Hội đồng Nghệ thuật cũng chỉ mang tính tương đối (mặc dù có thể rất tập trung).

Văn học, hội họa, âm nhạc hay điện ảnh,… cũng vậy. Có những tác phẩm xem thấy ngay, nghe được ngay,… nhưng cũng có tác phẩm phải nghiền ngẫm, gợi mở, khám phá thêm mới thấy hay, thú vị,… , miễn là chủ đề hướng đến phải là hay, đẹp và nhân văn, phù hợp với văn hoá dân tộc.

Điêu khắc ngày nay xuất hiện nhiều hơn trong cuộc sống, nó được lồng ghép vào những công trình kiến trúc, chiếm lĩnh nhiều hơn ở những không gian đẹp, trung tâm các đô thị,… Nếu từ những thế kỷ 15, 16 hay 17 điêu khắc được trọng dụng nhiều trong kiến trúc đình làng với các yếu tố nhất định của tôn giáo, thì ngày nay nó đã vươn rộng ra hơn, không chỉ nằm khoanh ở các yếu tố trang trí trong các vì kèo, con sơn… của đình làng mà hiện hữu ở các quảng trường, trung tâm văn hóa, công viên hay những tòa nhà công sở uy nghiêm… ngay cả những công trình dân dụng thông thường, những tín hiệu của nghệ thuật điêu khắc cũng được chú ý, coi trọng hơn, nghĩa là ngoài coi trọng sự đẹp thì tính ứng dựng đã được phát huy.

Sẽ rất hay nếu các tác phẩm của Triển lãm lần này được lãnh đạo của các tỉnh, thành phố quan tâm bằng việc họ có thể lựa chọn mua những tác phẩm phù hợp để đặt, hoặc dựng tại địa phương mình. Vừa làm đẹp hơn cho quê hương mình, vừa là sự quan tâm, kích thích các nhà điêu khắc, như một cú huých cho những triển lãm sau sẽ có thêm nhiều tác phẩm đẹp. Đây có lẽ cũng là một cách quan tâm rất thực tế, cái được sẽ ở cả 2 chiều, mà cũng sẽ rất thuận với mong mỏi của chúng ta là cần có nhiều những tác phẩm tốt để vươn đến đỉnh cao. Đây là một trong số nhiều cách làm, để nghệ thuật nói chung và điêu khắc nói riêng có được sự hưng phấn hơn trong sáng tác, là con đường đi đến những tác phẩm đỉnh cao, những tài năng tiềm ẩn sẽ phát lộ và có điều kiện hơn để tỏa sáng. Biết đâu sau cuộc Triển lãm này, một “phố Điêu khắc” ở một đô thị nào đó sẽ được hình thành như một điểm đến cho công chúng yêu thích điêu khắc hay khách du lịch,… muốn đến chiêm ngưỡng và khám phá?

Sức sáng tạo của lực lượng trẻ trong triển lãm lần này rất đáng ghi nhận, sự mạnh bạo, vươn lên đã khẳng định là lực lượng tiếp nối xứng đáng với thế hệ đi trước. Hình như họ đang tìm cách thoát, bứt khỏi những vết đã có của con đường quen thuộc để mà tìm cho mình lối đi khác, có hiệu quả mà rút ngắn thời gian. Có chút phiêu lưu pha lẫn tự tin - Đó là điều cần thiết đáng yêu của sự sáng tạo trong con người nghệ sĩ.

Tuy nhiên cũng cần thấy rằng chúng ta đang sống trong một xã hội có xu thế hội nhập mạnh mẽ với thế giới, cần giữ được cá tính và bản sắc riêng mình, với bản lĩnh Nghệ thuật dân tộc, tránh lai căng lộ liễu và sự ảnh hưởng dừng ở chừng mực cho phép, vượt ngưỡng này sẽ là sự copy, bắt chước hay sao chép thô thiển cần tránh xa.

Tới đây, thay vì 10 năm mới có 1 cuộc tập hợp lực lượng của ngành Điêu khắc, chúng ta có thể thay bằng 5 năm hội ngộ 1 lần để việc kiểm nghiệm được ngắn lại, tính cập nhật, những phát hiện tài năng không bị để quá lâu. Sức sáng tạo nghệ thuật của nghệ sỹ bao giờ cũng có những thời điểm bùng nổ nhất định, sự hưng phấn đến với nghệ sĩ không phải là liên tục… vì vậy tăng thêm những hoạt động, quan tâm, chú ý và trân trọng đúng lúc sẽ là sự động viên lớn đối với các nhà điêu khắc - vốn là những người làm nghề, vật lộn để sáng tạo tác phẩm đã rất khó khăn, đồng thời sẽ tạo cho ngành Điêu khắc Việt Nam có thêm nhiều công chúng, hội nhập rộng hơn, chắc hơn với xã hội chúng ta đang sống.

Như vậy, để tạo được một “sân chơi” điêu khắc có sức sống mạnh mẽ, rất cần sự chung SỨC - TÂM - TRÍ của toàn xã hội từ Trung ương đến địa phương, từ các nhà quản lý đến các nghệ sỹ, từ những người làm nghề đến công chúng,… với một tinh thần và ý chí làm đẹp hơn cho xã hội.

Họa sĩ - Nhà điêu khắc Vương Duy Biên (Thứ trưởng Bộ VHTTDL)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm