Tủi phận những phim rất đáng xem

15/08/2013 07:26 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Xuất chiếu ra mắt phim mới của Megastar dành cho báo chí vào một sáng cuối tháng 7/2013 vắng vẻ bất thường. Một phần do nhiều nhà báo bận việc toà soạn, nhưng có lẽ lý do chính là cái tên phim White Frog (Ếch trắng) – có tựa Việt hoá là Đứa con hoàn hảo – chẳng hứa hẹn điều gì hấp dẫn, giữa vô số “của ngon vật lạ” đã được thưởng thức suốt từ đầu hè đến giờ. Và suýt nữa tôi đã phạm sai lầm khi cũng suy nghĩ như vậy…

Bất ngờ với tên phim

White Frog là câu chuyện về một gia đình người Mỹ gốc Hoa trung lưu. Bộ phim đề cập đến một vấn đề nóng bỏng của nước Mỹ, hoặc có thể nói rộng ra là cả thế giới hiện nay.

Bộ phim xoay quanh nhân vật Nick Young, học sinh năm nhất trường trung học, bị bệnh rối loạn tự kỷ hay còn gọi là hội chứng Asperger. Đối với Nick, Chaz Young – anh trai của cậu là một hình tượng hoàn hảo, một người hùng, đồng thời cũng là cầu nối giữa Nick với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, cuộc sống của Nick hoàn toàn bị đảo lộn sau khi Chaz qua đời trong một vụ tai nạn giao thông. Càng đau xót và sụp đổ hơn khi Nick và gia đình cậu khám phá ra sự thật về người anh trai mà Nick luôn thần tượng, lại là một người đồng tính. Từ đầu đến cuối phim là cuộc hành trình của Nick để vượt qua nỗi đau tinh thần, đồng thời với việc tự khắc phục căn bệnh tự kỷ của mình để có thể sống tốt và hòa nhập với cộng đồng.

Tên phim là một dấu hỏi ngay từ đầu, bởi khi xem đến 4/5 phim vẫn không thấy bất cứ một mối liên hệ nào với hai chữ Ếch trắng. Mọi thắt nút của phim đã được mở trong những giây phút cuối cùng khi vỡ lẽ, khi đây là tên của một món đặc sản của Việt Nam đã thất truyền từ lâu.

Người anh quá cố của Nick đã tiết lộ trong nhật ký video của mình rằng, lúc nhỏ anh thường nghe bà kể, người Việt Nam xưa khoét một lỗ nhỏ trên trái dừa, cho vào đó một con nòng nọc. Nước dừa và cơm dừa đã nuôi con nòng nọc lớn lên, khi bổ trái dừa ra bên trong là một con ếch đã trưởng thành, thịt da trắng bóc từ trong ra ngoài. Lúc này người ta mới chế biến món ăn từ Ếch trắng – giờ phải gọi là Ếch dừa mới đúng!

Xem tới đây tôi thật sửng sốt vì lần đầu tiên mới biết đến món ăn lạ lùng này của nước mình. Đa số người xem ít ỏi của buổi chiếu hôm ấy cũng thế. Về nhà hỏi thì một số người lớn tuổi có nghe nói đến món này, nhưng do cách làm công phu quá nên món Ếch dừa đã thất truyền từ lâu. (Còn tên phim White Frog có liên quan đến nội dung thế nào, chắc mọi người phải xem phim)



Phim độc lập của những kẻ vô danh

White Frog là bộ phim độc lập nhỏ bé với kinh phí 1 triệu USD (ở Mỹ số tiền này e rằng còn chưa đủ chi phí một ngày quay của các phim bom tấn). Kịch bản của hai mẹ con Fabienne Wen và Ellie Wen. Nhà biên kịch David Henry Hwang – thầy của Ellie Wen – là giám đốc sản xuất phim này. White Frog chiếu ra mắt tại LHP quốc tế Mỹ-Á tại San Francisco ngày 8/3/2012, và nhận được vô số lời ngợi khen.

Quentin Lee, đạo diễn người Canada gốc Hong Kong – nói về bộ phim: “Khi mới nhận được kịch bản, tôi bị thu hút bởi câu chuyện cảm động về đời sống nội tâm của một con người. Tôi muốn xoáy sâu vào chủ đề này”. Anh chia sẻ, “Hai tuần trước khi sản xuất, mẹ tôi gọi từ Hong Kong sang báo rằng, em gái tôi Tabitha, vừa được bác sĩ chẩn đoán mắc phải hội chứng Asperger (Tự kỷ). Tôi rất sửng sốt vì chưa bao giờ nói cho gia đình mình, đang sống ở Hong Kong và Canada, biết về chủ đề bộ phim mà tôi sắp thực hiện. Sự trùng hợp ngẫu nhiên này khiến White Frogtrở nên ý nghĩa hơn đối với tôi. Tôi muốn làm bộ phim này dành cho em gái của tôi”.

Nổi bật trong phim là diễn xuất của Booboo Stewart, vai cậu bé bị chứng tự kỷ. Booboo chỉ mới 19 tuổi và mặc dù đã từng xuất hiện trong series phim nổi tiếng The Twilight Saga (vai Seth trong hội sói của Jacob), nhưng Booboo vẫn là một cái tên vô danh. Anh nói: “Trước khi nhận vai diễn này, tôi chưa từng nghe về hội chứng Asperger mà chỉ biết đến bệnh tâm thần. Để chuẩn bị cho bộ phim, đạo diễn Quentin Lee và tôi trao đổi nhiều về nhân vật này và tôi đã đưa ra được những ý tưởng của mình về việc thể hiện vai Nick bằng cách đọc các blog trên Internet được post bởi những người mắc hội chứng Asperger”.

White Frog đề cập đến chủ đề đồng tính, nhưng trong phim không hề có bất cứ cảnh quay nào mô tả cảnh đồng tính (một điều rất hiếm trong điện ảnh). Harry Shum, Jr. (thủ vai Chaz Young, anh trai Nick Young), được biết với vai Mike Chang trong series truyền hình ăn khách Glee. Mặc dù không phải là người đồng tính, nhưng anh có sự đồng cảm khi trở thành người không giống số đông, và điều đó định hướng cho anh nhìn nhận về sự bình đẳng của cộng đồng giới tính thứ ba. Harry nói: “Điều tôi thích nhất ở bộ phim là nó xoay quanh những vấn đề khá nặng nề nhưng cũng thể hiện nhiều khía cạnh hài hước. Chúng tôi phải cười khi đối mặt với tấn bi kịch để vượt qua nó. Tôi nghĩ nó thực sự có sức ảnh hưởng và hy vọng là mọi người sẽ cảm nhận được”.

Xem phim để ngẫm nghĩ

Các nhà nhập khẩu phim trên thế giới luôn luôn thích những phim có “mùi vé”. Vậy số phận những phim có… “mùi thuốc nhức đầu” thì sao? Hollywood từ lâu đã có cách giải quyết vấn đề này theo quy tắc “bia kèm lạc”, nghĩa là anh muốn có được “phim bom tấn”, bắt buộc phải mua kèm vài ba phim nhỏ hoặc kén khách. Những phim “hàng kèm” này sau đó thường được phát hành cho lấy lệ mà không cần quan tâm đến lời lỗ, vì tất cả ăn thua đã được tính ở “phim bom tấn” rồi!

Nói vậy để thấy tại sao điện ảnh Mỹ luôn luôn hùng mạnh mà không nước nào sánh kịp. Bên cạnh việc bỏ ra hàng trăm triệu USD để làm những phim bom tấn, các hãng phim lớn nhỏ ở Hollywood dùng tiền lãi đó để tái sản xuất, đầu tư hàng chục phim kinh phí thấp, phim độc lập… sau đó tung đi khắp các Liên hoan phim trên thế giới. Để rồi trong số đó thế nào cũng có tài năng hoặc ngôi sao phát lộ… Vậy nên đừng hỏi tại sao nhân tài của Hollywood cứ nhiều như nấm mọc sau mưa, và các loại phim lớn nhỏ của họ luôn luôn được tạo điều kiện để vươn tới tận các xó xỉnh trên thế giới!

Trước giờ tôi thường tự xác định cho mình, có hai loại phim để xem: Phim để giải tríPhim để ngẫm nghĩ. Và cứ theo lẽ thường tình trên thế giới xưa nay, Phim để giải trí luôn chiếm thế thượng phong với số lượng phim áp đảo gấp trăm lần Phim để ngẫm nghĩ. Tôi cũng thích giải trí giống như mọi người, nhưng tôi lớn lên là nhờ những Phim để ngẫm nghĩ đó. Và cũng tự nhủ rằng, từ giờ về sau không nên bỏ qua cơ hội để được ngẫm nghĩ với những bộ phim “hàng kèm” như vậy.

Không thể nói White Frog là phim hay, lại càng không thể là phim hấp dẫn, nhưng đóthật sự là một bộ phim rất đáng xem. Nhất là “bữa tiệc” phim hè vẫn còn đang quá đỗi linh đình (từ giữa tháng 5 đến hết tháng 8 hàng năm), thừa mứa với đủ loại “sơn hào hải vị”, thì đột nhiên món… Ếch dừa này được dọn lên, nó bỗng vụt trở thành một thứ “đặc sản” lạ miệng đối với những ai thực sự bắt đầu thấy “ngán” món… bom tấn!.

Xem xong White Frog tôi chợt nghĩ, giá như Megastar vẫn giữ nguyên tựa Việt hoá – Ếch trắng, thay vì là Đứa con hoàn hảo – thì hay biết mấy. Và băn khoăn đến khi bài báo này ra đời, Ếch trắng không biết có còn ở ngoài rạp hay không, khi lịch chiếu ban đầu của nó chỉ có 2 rạp ở TP.HCM.

BÁ VŨ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm