Trưng bày 'bằng chứng thép' về chủ quyền biển

10/07/2013 07:31 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Tại “nơi lắng hồn núi sông ngàn năm”: dưới chân cột cờ Hà Nội, sát Hoàng thành Thăng Long, hơn 150 tấm bản đồ, tư liệu cổ được người Việt ở trong và ngoài nước cất công sưu tập, vừa được công bố một cách có hệ thống vào hôm qua (9/7). Và đây cũng là những “bằng chứng thép” để chứng minh chủ quyền ngàn đời của người Việt với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Triển lãm Bản đồ và tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, những bằng chứng lịch sử” tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, 28A Điện Biên Phủ, Hà Nội, kéo dài tới 15/7.

Triển lãm lớn nhất về chủ quyền lãnh thổ

“Tuy chỉ tập trung vào khoảng thời gian từ thế kỷ 17 tới hết thế kỷ 19 song chưa bao giờ, ta tập hợp và trưng bày nhiều tư liệu, bản đồ cổ, quý như triển lãm lần này. Hơn 150 tư liệu, bản đồ của nhà Nguyễn, phương Tây cũng như Trung Quốc đều chứng minh, từ thế kỷ 17 đến hết thế kỷ 19, Việt Nam thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong hòa bình” - ông Lê Văn Nghiêm - Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin - Truyền thông, Trưởng Ban tổ chức chia sẻ.

Cụ thể, những điều này được thể hiện rất rõ trong các thư tịch, bản đồ và tài liệu có tính chất chính thức của nhà nước phong kiến Việt Nam như: châu bản triều Nguyễn, các bộ chính sử, địa lý lịch sử, các công văn, giấy tờ...

GS Phan Huy Lê rất quan tâm tới triển lãm này
Đồng thời, các tấm bản đồ của Trung Quốc xuất bản qua các thời kỳ cũng khẳng định ranh giới cực Nam của quốc gia này chỉ đến đảo Hải Nam. Đặc biệt, trong các tư liệu của Trung Quốc có tấm atlas Trung Quốc địa đồ, xuất bản năm 1908 bằng tiếng Anh; atlas Trung Hoa địa đồ do Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông của Trung Hoa Dân Quốc xuất bản tại Nam Kinh năm 1919, in bằng 3 thứ tiếng Trung- Anh- Pháp; atlas Trung Hoa bưu chính dư đồ do Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông của Trung Hoa Dân Quốc tái bản tại Nam Kinh vào năm 1933, in bằng 3 thứ tiếng Trung- Anh- Pháp.

“Trong cả 3 quyển atlas, cương giới cực Nam của Trung Quốc luôn chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam, mà không hề nhắc đến Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Điều này chứng tỏ, cho đến khi nhà Thanh phát hành các atlas này vào năm 1908 và sau này chính quyền Trung Hoa Dân Quốc tái bản vào các năm 1919 và 1933, thì hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vẫn nằm ngoài cái gọi là “chủ quyền lịch sử” phi lý của Trung Quốc” - ông Ngiêm phát biểu.

“Dù ở đâu Tổ quốc vẫn trong lòng”

“Chưa bao giờ, chúng ta có một triển lãm về biển đảo bài bản, khoa học mà thuyết phục đến thế. Và những người như anh Trần Thắng là những người tử tế trong một cuộc triển lãm tử tế, rất cần phát huy và nhân rộng” - Đạo diễn-NSND Trần Văn Thủy trao đổi với TT&VH tại triển lãm.

Ngoài những tư liệu, bản đồ quý của Việt Nam và Trung Quốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, triển lãm còn trưng bày các thư tịch, bản đồ cổ phương Tây. Những thư tịch, bản đồ này do các nhà hàng hải, thương nhân, chuyên gia bản đồ phương Tây xác nhận quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Thú vị hơn, người mang về rất nhiều tư liệu quý từ Tây Phương cũng như 3 cuốn atlas quý trên do một người Việt xa xứ, anh Trần Thắng (Chủ tịch Viện Văn hóa Giáo dục Việt Nam tại Hoa Kỳ) hiến tặng.

Anh Thắng kể: “Cuối tháng 7/2012, tôi hay tin TS Mai Hồng tặng tấm bản đồ nhà Thanh không có Trường Sa và Hoàng Sa cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Khi ấy, tôi cũng đang trên mạng tìm mua đồ cổ thì thấy một bản đồ Tây Phương có phần giống bản đồ nhà Thanh cũng không có Hoàng Sa, Trường Sa. Tôi liền copy một file cho TS Trần Đức Anh Sơn, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng thẩm định. Khi anh Sơn đánh giá bản đồ rất có giá trị. Tôi bắt đầu sưu tầm bản đồ về chủ quyền Tổ quốc”.

Theo anh Thắng, trong 150 bản đồ và ba quyển atlas mà anh sưu tập được xuất bản trong 400 năm (từ năm 1608 tới 2008) bao gồm trên 100 nhà xuất bản, từ 7 quốc gia như: Hà Lan, Anh, Pháp, Đức, Ý, Mỹ và Nga. Trong 150 bản đồ đó, gồm 80 bản đồ bề mặt Trung Hoa và biên giới cực nam của quốc gia này ở đảo Hải Nam, 50 bản đồ có Hoàng Sa, Trường Sa trong bản đồ lãnh thổ Việt Nam và 20 bản đồ đường hàng hải châu Á khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo này.

Cũng theo anh Thắng, người Việt trên toàn cầu vẫn chung một lòng yêu nước. Hay nói như nhà thơ Nguyễn Duy: Dù ở đâu Tổ quốc vẫn trong lòng/ Cột biên giới đóng từ thương tới nhớ.

“Và giờ là lúc người Việt cần sát cánh bên nhau để phát huy tối đa sức mạnh dân tộc, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng mà cha ông ngàn đời khai phá và giữ gìn” - anh Thắng nói.

“Ngoài những luận cứ khoa học để đập tan mọi luận điệu sai trái của Trung Quốc, triển lãm còn thể hiện lòng yêu nước của người Việt. Đây cũng là cú hích để người Việt khắp nơi trên thế giới cũng như các thế hệ thêm hiểu nhau và đoàn kết đấu tranh vì một mục tiêu chung: Bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của dân tộc” - GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chia sẻ với TT&VH.


Võ Hoàng Long

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm