'Tro tàn rực rỡ'

18/11/2013 14:17 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Người viết xin mượn tên một câu chuyện hư cấu của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư để nói về một thực trạng có thật. Đó là “ngôi nhà Lang cuối cùng của người Mường” tại Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường (Hòa Bình) kết thúc sứ mệnh bằng một buổi trình diễn nghệ thuật Ký ức nhà Lang tạo vết hằn "rực rỡ" từ tro tàn trong tâm thức công chúng.

1. Sự kiện cháy ngôi nhà Lang của người Mường ngày 24/10 tại Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường đã khiến dư luận đổ dồn sự chú ý tới thứ mà họ chẳng mấy quan tâm: Di sản. "Đám cháy" từ núi đồi Hòa Bình, lan sang khắp các mặt báo, khiến các trang mạng xã hội nóng hơn. Người ta xót xa di sản, người ta oán thán thái độ ứng xử tệ hại của những du khách...

Nhưng trước khi mồi lửa bùng lên từ nhà Lang tại Hòa Bình, di sản này đã bị "đóng băng" trước sự ơ hờ, hời hợt của công chúng. Ai cũng tiếc thương nhưng mấy ai tới khám phá? Ai cũng trách cứ, phẫn nộ nhưng mấy ai bỏ tiền ra để trải nghiệm không gian di sản? Và lẽ tất nhiên, như nhiều người đã đề cập, trừ giới nghiên cứu và nghệ sĩ, còn lại phần đông công chúng đã nhấn chìm ngôi nhà Lang đã bị chìm "trong biển sâu vào lòng lãng quên" từ trước đám cháy.

Hàng trăm năm trước, ngôi nhà Lang đã hoàn thành tốt nghĩa vụ là ngôi nhà chở che cho những người sống trong nó. Những năm sau đó, ngôi nhà gánh nghĩa vụ là biểu tượng của một cộng đồng người, một hiện vật lý tưởng để nghiên cứu. Rồi đến khi mồi lửa bùng lên và thiêu trụi nó, ngôi nhà cũng kết thúc sứ mệnh của mình bằng một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ tới những người đã đi qua nó, nghe về nó, nhưng vẫn luôn chỉ coi nó là một điểm dừng chân bình thường trong những chuyến phượt. Không hơn.

2. Và chương trình trình diễn nghệ thuật về ngôi nhà Lang là động thái bất ngờ của Vũ Đức Hiếu, Giám đốc Bảo tàng không gian Văn hóa Mường để "tận dụng" tro tàn mà phát đi thông điệp về di sản. Nhưng cũng như sự tồn tại của ngôi nhà cả trăm năm qua, không cháy, không sốc thì lẽ tất nhiên chương trình hay, ý nghĩa nhưng chẳng mấy ai quan tâm. 

Ngay từ khi bước chân vào triển lãm, người xem phải đi qua một tấm mành dày đặc bện từ những mảnh vỡ bằng gốm của di sản. Những thanh âm lách tách và cả những vết cứa có khi rách thịt  hiện vật vào du khách tạo cảm giác xót xa, tê sợ. Nỗi sợ không chỉ xuất phát từ cái khung nhà ám khói đen trũi, không chỉ hiện hữu từ những mảnh sành treo đầy lối đi, mảnh kính sắc nhọn rải đầy sàn nhà mà nó xuất phát từ những bàn tay in hằn trên nền cây đen bóng vì khói.

Theo miêu tả của những người làm triển lãm, những bàn tay được làm từ những chiếc găng tay lao động gắn lên cây thể hiện sự mong mỏi từ ý thức của con người trước di sản. Hẳn nhiên, dù đám cháy nhà Lang không phải do các nhóm phượt nhưng ai để ý các phong trào du lịch hiện nay đều rùng mình trước biểu tượng này của triển lãm.

"Nhóm abc đã đến chỗ này", "Xyz mãi bên nhau ở đây".... đó là những dòng chữ khắc xuất hiện thường xuyên trên bãi đá cổ Sa Pa (Lào Cai), ngôi nhà của vua Mèo "Vương Chí Sình" (Hà Giang), một vài cung điện ở Huế,...

Những đội quân phượt khổng lồ "từng đoàn lớp nhịp nhàng và lặng lẽ" đã chung tay bền bỉ phá hoại di sản. Dù không phải tất cả, sự thiếu ý thức cũng như tôn trọng cần thiết của di sản đang là vấn nạn nhức nhối với phong trào này.

Và mong sao, những bàn tay đầy ám ảnh từ Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường chắc hẳn sẽ không đủ gây chú ý như đám cháy song vẫn hi vọng sẽ nhắc nhở những người trẻ về ý thức trong mỗi chuyến đi.

Chùm ảnh Thethaovanhoa.vn ghi nhận tại Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường (Hòa Bình) ngày 17/11/2013. Có lẽ không cần lời bình, mỗi độc giả cũng sẽ tự tìm thấy cảm nhận và nỗi lòng riêng với đống "tro tàn rực rỡ" từ ngôi nhà Lang cuối cùng của người Mường.

Và hi vọng, những hình ảnh này cũng là một phần hành trang của các bạn trong mỗi chuyến đi xa...


Bài và ảnh: Phạm Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm