Triển lãm 'hoành tráng' shunga Nhật Bản ở Anh: Nghệ thuật hay khiêu dâm?

05/10/2013 16:31 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Một cuộc triển lãm 150 tác phẩm nghệ thuật Nhật Bản với nội dung đầy tính nhục dục ở Bảo tàng Anh đang khiến dư luận chau mày, đặt câu hỏi: Liệu chúng có thực sự chứa đựng giá trị nghệ thuật ?

Bức tranh là một trong những tác phẩm khêu gợi nhất trong lịch sử nghệ thuật: Nằm sâu dưới nước, một con bạch tuộc khổng lồ màu tím đang kéo một người phụ nữ khỏa thân nằm vào một chỗ trũng giữa hai tảng đá.

Tranh cổ gây sửng sốt

Những chiếc vòi quấn lấy thân thể của người phụ nữ trong khi con bạch tuộc thể hiện các động tác giống như đang quan hệ tình dục bằng miệng. Ở gần mặt người phụ nữ, một con bạch tuộc thứ hai đang trao một nụ hôn nhẹ nhàng, khi cô ngả đầu về phía sau trong đê mê.

Dưới con mắt hiện đại, bức tranh này chỉ giống như một tác phẩm khiêu dâm kỳ cục, đáng buồn cười. Nhưng thực tế đây là một bức tranh in mộc bản nổi tiếng, được phương Tây biết tới với tên The Dream Of the Fisherman’s Wife (Giấc mơ của vợ người đánh cá). Nó được nghệ sĩ Nhật Bản Katsushika Hokusai (1760-1849) tạo ra vào năm 1814. Ông nổi tiếng vì đã vẽ một bức tranh có cảnh một con sóng lớn dường như chuẩn bị nuốt chửng núi Fuji.

Tranh The Dream Of the Fisherman’s Wife của ông thực tế là một tác phẩm nghệ thuật phức tạp, thuộc về một thể loại gọi là "shunga" hay "tranh mùa xuân" khiêu dâm. Loại tranh này đã phát triển rất mạnh ở Nhật Bản từ giai đoạn những năm 1600 tới những năm 1900. 


Không phải tranh shunga nào cũng mô tả cụ thể cảnh sex, dù chúng vẫn rất gợi cảm

Một cuộc triển lãm về shunga mang tên Sex And Pleasure In Japanese Art (tạm dịch Tình dục và Hoan lạc trong nghệ thuật Nhật Bản), quy tụ hơn 150 tác phẩm shunga, đã khai trương trong tuần này tại Bảo tàng Anh ở London.

Một bản sao bức tranh nổi tiếng của Hokusai từng thuộc sở hữu của chuyên gia mỹ học người Pháp Edmond de Goncourt, đã xuất hiện trong triển lãm. Trưng bày kèm với tranh là những dòng chữ giải thích nội dung, cho biết người phụ nữ trong tranh đã được thỏa mãn.

“Ngày hôm nay shunga bị đối xử như khiêu dâm tục tĩu" - Timothy Clark,  người là curator ở Bảo tàng  Anh nói - " Những người chưa từng nhìn thấy shunga trước kia sẽ ngạc nhiên trước sự bạo dạn của chúng. Nhưng đây là nghệ thuật thể hiện tình dục, không phải sản phẩm khiêu dâm. Chúng được sản xuất để cho thấy chính xác mức độ hoàn hảo về nghệ thuật, giống các dạng tranh khác, do cùng một người tạo ra. Hokusai đã sáng tác dưới thời Edo, giai đoạn không khí vui vẻ tràn ngập và hình ảnh về con bạch tuộc đã được lấy ra từ một truyện cổ nói về một người phụ nữ đã đánh cắp ngọc quý tại kinh đô Long vương. Hokusai đã chờ đợi một phản ứng khôi hài với tranh của ông. Rất nhiều nội dung trong shunga trái với lẽ thường - đó là sự tưởng tượng trong sáng tác".

Những khoái lạc tội lỗi?

Không ai mô tả tác động của shunga đẹp đẽ hơn nhà mỹ học thế kỷ 19 Edmond de Goncourt. Ông đã viết về "những màn giao hoan cuồng nhiệt, gần như giận dữ; sự lao vào nhau của các đôi khát tình, làm đổ bức bình phong che phòng ngủ; các thân thể như tan vào nhau... những cái hôn nồng cháy, người phụ nữ như mê đi, đầu ngả về phía sau, chạm vào sàn, đôi mắt nhằm nghiền; cuối cùng là sức mạnh của các đường nét có thể sánh với hình ảnh bàn tay trong Bảo tàng Louvre, gắn với Michelangelo”.

Khi đánh giá shunga, điều quan trọng là phải loại bỏ tâm lý kiểm duyệt liên quan tới sex, vốn tồn tại trong nhiều nền văn hóa suốt một thời gian dài. Mặc dù các bản in shunga chính thức bị đưa ra ngoài vòng pháp luật ở Nhật Bản vào năm 1722, người ta không xiết chặt việc cấm đoán nó. Và trong 3 thế kỷ phát triển cực thịnh, hàng ngàn tác phẩm shunga đã ra đời, dưới nhiều hình thức: Sách nhiều tập, các bộ tranh vẽ dùng làm quà cưới, các bản in nhỏ...

Shunga mang hình thức hoạt hình và chứa đựng nội dung nhục dục, nhưng nó hiếm khi có cảnh bạo lực hoặc có xu hướng quá đà. Phần lớn shunga đều mô tả cụ thể cảnh ái ân của các đôi nam nữ và các bức tranh này nhiều khả năng đã được trân trọng bởi không ít người Nhật cổ, từ các vị samurai cho tới những thương gia giàu có và cả dân thường. "Sự phân chia rạch ròi giữa khiêu dâm và nghệ thuật chỉ là quan niệm của phương Tây" - Clark nói - "Ở Nhật Bản, người ta không cho rằng khoái lạc tình dục là điều tội lỗi".

Kỷ nguyên vàng của shunga đã trùng khớp với sự tiến bộ trong công nghệ in hình thành vào khoảng năm 1765 và kéo dài tới đầu thế kỷ 19. Trong các thập kỷ này, nhiều nghệ nhân mộc bản ukiyo-e đã quan tâm tới shunga, gồm  Kitagawa Utamaro. Tác phẩm nổi tiếng của ông Poem Of The Pillow (1788), là một album gồm 12 tranh shunga màu. "Utamaro có lẽ là nghệ sĩ shunga quan trọng nhất" - Clark giải thích - "Tác phẩm của ông chiếm lượng lớn trong các dạng shunga. Ông có năng khiếu tự nhiên trong việc  làm lan tỏa đam mê, không cần biết đã vẽ gì - các cảnh vẽ không nhất thiết là hoạt động ái ân".

Cuộc triển lãm ở Bảo tàng Anh còn có các tác phẩm shunga của Torii Kiyonaga, người với tác phẩm Handscroll For The Sleeve đã vẽ theo lối trải dài bức tranh để tăng cảm giác riêng tư. Nó cũng có tác phẩm  của Suzuki Harunobu, cha đẻ tác phẩm Elegant Erotic Mane’emon (1770) dài 24 trang giấy mô tả nhiều kiểu ái ân khác nhau.

Tường Linh (theo BBC)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm