Triển lãm ban thờ thần, Phật

27/04/2013 10:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Những bức tượng trưng bày trong triển lãm đều đã "hô thần". Song không vì thế mà chủ sở hữu chúng tỏ ra ái ngại. Ngược lại, anh còn tự hào vì đã giữ được "mạch tâm linh trong sáng vô ngần" của cha ông và bảo tồn những tinh hoa mỹ thuật của dân tộc.

Pho tượng sơn thếp Bồ Tát chuẩn đề

Tượng sơn thếp là một trong 4 chủ đề chính tại triển lãm “Hội họa mỹ thuật Đông Dương và tinh hoa cổ vật trong đời sống dân gian" khai mạc hôm qua (25/4) tại Hội quán cổ vật Việt Phương (số 628, Hoàng Hoa Thám, Hà Nội).

Sưu tập tượng thờ

Bước chân vào triển lãm, người xem bị choáng ngợp bởi những…ban thờ. Hình ảnh Bồ Tát 8 tay cầm 8 bảo bối đang trừ yêu hay Thánh Mẫu thâm trầm sau những lớp sơn thếp tạo ấn tượng rất mạnh.  

Chủ nhân của những pho tượng sơn thếp, nhà sưu tầm Việt Phương nói: "Những bức tượng sơn thếp này đều là đồ thờ. Trước đây, chúng được bày những nơi trang nghiêm như đình, chùa, miếu mạo. Mỗi bức tượng đều mang "phần hồn" của một vị thần thánh và đều có những tích riêng. Còn "phần xác", mỗi lớp sơn son thếp vàng là một lớp trầm tích lịch sử, văn hóa của dân tộc".

Theo anh Phương, những pho tượng sơn thếp rời di tích chủ yếu vào thời kỳ bài trừ mê tín dị đoan quá đà, nhiều pho tượng bị thả trôi sông, bị chẻ ra thành củi đun… Song nhiều người thấy đắng lòng với di sản nên đã âm thầm cất giấu. Từ đó, những bức tượng sơn thếp lưu truyền trong dân gian.  

Thêm nữa, những điện tư gia được lập lên khắp cả nước được sửa chữa liên miên cũng khiến tượng sơn thếp lưu lạc trong dân gian. "Mỗi lần nâng cấp sửa chữa, người ta lại mua những cái mới. Kể cả đình chùa, nhiều nơi, người ta cũng trùng tu để thay tượng mới. Và cứ thế, những tượng cũ sẽ lại ra dân gian"- Nhà sưu tập Việt Phương nói.

Nguồn “cung” được hiểu là thế, song để xác định nguồn cụ thể của từng bức tượng sơn thếp trong dân gian không dễ. Theo chia sẻ của Việt Phương, đa số những bức tượng anh có là do những mối quan hệ. Các nhà sưu tập quen thân rồi thương thuyết với nhau. Do chuyền tay quá nhiều lần nên việc xác định nguồn gốc của một pho tượng cụ thể chẳng khó ngang việc "tìm chính chủ cho một chiếc xe CUP 81".

"Ví như pho tượng Bồ Tát chuẩn đề này thể hiện sức mạnh vô song của Phật pháp cùng lòng từ bi hỉ xả của Phật bà khi trừ tà, đem lại bình an cho dân. Bằng kinh nghiệm của mình, chúng tôi xác định tượng có niên đại khoảng thế kỷ 18. Và tất cả thông tin chỉ có vậy"- anh Việt Phương nói.

Anh Việt Phương giới thiệu với TT&VH những pho tượng sơn thếp.

Còn ở dân gian

Nhiều người e ngại về mặt tâm linh khi lưu giữ những bức tượng thiêng liêng này. Song với Việt Phương, phàm đã là văn hóa dân tộc thì phải được trân trọng.

"Người Việt mình vẫn dặn nhau: Phật ở trong tâm. Mình kính trọng lưu giữ và để cho người dân được thưởng lãm, vái vọng, thì không lý gì lại bị các ngài “quở phạt”.

Với gần 100 hiện vật sơn thếp, anh Phương rất chăm chút trong việc nghiên cứu cách sắp đặt, bố trí thành các ban thờ.

"Từ năm 2001 khi được một người bạn tặng cho bộ tượng Tam Đa, tôi luôn bị ám ảnh bởi thần thái, diện mạo của những pho tượng cổ. Điều đó thôi thúc tôi phải đi, phải tìm, phải mang về cho được những pho tượng quý mà có thể chúng đang rậm rịch bị chuyển ra  nước ngoài hay còn lưu lạc đâu đó trong dân gian"- anh Phương nói.

Trưng bày vỏ sò hóa thạch ở Trường Sa 

Tác phẩm Tùng hạc. Chất liệu: Vỏ sò hóa thạch. Xuất xứ: quần đảo Trường Sa (Việt Nam). Niên đại: 10.000 năm.

Bên cạnh những pho tượng, hoành phi sơn thếp, triển lãm “Hội họa mỹ thuật Đông Dương và tinh hoa cổ vật trong đời sống dân gian" còn trưng bày tranh của các tác giả học Trương Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Nguyễn Đức Nùng, Phạm Văn Đôn, Trần Văn Cẩn; Nguyễn Văn Tỵ, Phan Thông... Đặc biệt, triển lãm còn trưng bày nhiều hiện vật như: cua hóa thạch, cá lóc hóa thạch, vỏ sò hóa thạch (khai thác ở Trường Sa). Theo thông tin của BTC, những hiện vật trên có niên đại hàng vạn năm.

Triển lãm sẽ kéo dài tới hết ngày 2/5.


Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm