Trào lưu sách du ký: Những 'nhà du hành' nữ giới

29/06/2013 06:57 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) -Ở Việt Nam, sách du ký do nữ giới viết có mặt trên các giá sách từ nhiều năm qua, chẳng hạn Venise và những cuộc tình Gondola của Dương Thụy, Ngón tay mình còn thơm mùi oải hươngBánh mỳ thơm, café đắng cùng của Ngô Thị Giáng Uyên.

Đó đều là những tác phẩm ăn khách (một cách lặng lẽ, vì trong những năm trước, truyền thông ít để ý), nhưng gần đây (2012-2013), các tác phẩm du ký khác của nữ giới và cả nam giới được xuất bản và tạo thành một trào lưu, chủ yếu nhờ ra mắt rầm rộ và xuất hiện nhiều trên truyền thông.

Qua rồi thời phụ nữ ngồi nhà giữ chồng

Nhà văn Di Li, một tác giả sách du ký bán chạy (cuốn Đảo thiên đường xuất bản hồi năm 2009), đưa ra nhận định: “Theo quan sát của tôi, sách du ký do các tác giả nữ viết mới bán chạy còn nếu tác giả là nam thì ngược lại. Nếu đặt trước mặt bạn 2 cuốn du ký đều có nội dung ly kỳ về các vùng đất mới thì bạn chọn cuốn của tác giả nam hay nữ để đọc trước? Tôi nghĩ, hầu hết sẽ tò mò hơn với sách của tác giả nữ”.

Theo lý giải của Di Li, hình ảnh phụ nữ đang dần thay đổi trong mắt xã hội, đông đảo công chúng hiện không thiên về ngưỡng mộ những phụ nữ xinh đẹp mà ngưỡng mộ những phụ nữ khám phá thế giới, mạnh mẽ và khao khát sống, những người có tri thức cao và tự tin thể hiện bản thân mình. Điều đó thể hiện qua những trải nghiệm mà họ kể lại trong các cuốn sách du ký. “Nếu phụ nữ thời trước ngồi ở nhà và viết thư cho Tầm Thư để hỏi cách giữ chồng thì phụ nữ thời nay dám sống cho chính mình. Thời đại ngày nay có đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa cho họ sống như vậy”.



Một số đầu sách du ký nổi bật của Việt Nam, chỉ 2 trong số 8 tác giả là nam.

Di Li cho biết, “xê dịch” như chị (khoảng hơn 20 nước) chưa thể coi là nhiều nếu so với bạn bè cùng lứa. “Bạn bè tôi đều không ai đi dưới 20 nước, có người còn hàng trăm nước vì điều kiện công việc”. Bản thân chị mỗi năm đều đi thêm vài nước và có thêm nhiều ý tưởng viết sách, trước mắt có 2 cuốn du ký khác ký tên Di Li sẽ ra mắt trong năm sau.

Tháng 9/2012, cuốn Xách ba lô lên và đi của Huyền Chip ra mắt, sau đó, trong năm 2012 và sang năm 2013 có thêm vài cuốn du ký khác được truyền thông quan tâm: Nước Ý, câu chuyện tình của tôi của Trương Anh Ngọc, Một mình ở châu Âu của Phan Việt, Tôi là một con lừa của Nguyễn Phương Mai, John đi tìm Hùng của Trần Hùng John Điều đặc biệt là các cuốn sách này do những công ty, nhà xuất bản khác nhau ấn hành chứ không phải là những tác phẩm du ký nằm trong chiến lược của riêng một công ty. Sách du ký được bày bán nổi bật tại các hiệu sách, trở thành một trào lưu một cách bất ngờ nhưng hoàn toàn dễ hiểu.

Nhưng cũng có trường hợp tác giả nam bán chạy như Trương Anh Ngọc. “Sách của Anh Ngọc có lương tiêu thụ ngang ngửa với sách của các tác giả nữ” - biên tập viên Thủy Triều của Công ty Nhã Nam (nơi xuất bản cuốn Nước Ý, câu chuyện tình của tôi) cho biết. Trong trường hợp này, nhà làm sách hiểu rằng tác giả, một nhà báo thể thao nổi tiếng, có sức hút nhất định và có một nhóm độc giả trung thành từ trước.

Còn với những tác giả không có “nền tảng” như vậy, điểm thu hút sẽ là nét độc đáo của câu chuyện, bởi ai cũng xê dịch nhưng mỗi người có mục đích, cách đi và những điểm đến khác nhau. Trường hợp Trần Hùng John, cuốn John đi tìm Hùng vừa là du ký, vừa là cuốn tự truyện mini ghi lại hành trình tìm kiếm bản chất Việt Nam trong con người mình của một chàng trai Mỹ gốc Việt. Cách đi đặc biệt của Hùng John cũng là điều được báo chí khai thác: đi bộ xuyên Việt và không mang theo tiền.

Người Việt Nam đọc về người Việt Nam

Điều đáng suy ngẫm là những cuốn sách du ký của nước ngoài khi được dịch và xuất bản ở Việt Nam lại bán không chạy. Trên đường được in 1.000 cuốn vào năm 2008 và không tái bản, bản dịch cũng ít được nhắc đến trên báo chí và không tạo được hiệu ứng truyền thông mặc dù đây là tác phẩm có tầm ảnh hưởng quốc tế, không chỉ trong quốc gia quê nhà (Mỹ).

Một tác phẩm lừng danh khác, Phương Đông lướt ngoài cửa sổ của nhà văn Paul Theroux, dù được xếp vào dạng sách du ký kinh điển và tác giả nổi tiếng thế giới, cũng khó bán ở Việt Nam. Mặc dù cũng có vài bài điểm sách trên báo chí và các trang bán sách trên mạng, tác phẩm lại nhắc đến Việt Nam (một phần trong hành trình 40.000 km xuyên châu Á của tác giả) nhưng cuốn sách chưa thu hút nhiều sự chú ý. Có thể vì góc nhìn của Theroux vẫn quá ngoại quốc. Một độc giả bình luận trên trang Atlaz Books: “Đây vẫn chỉ là cảm xúc rất thoáng qua mà chưa có sự sâu sắc. Có lẽ tác giả có quá ít thời gian ở một địa điểm, quá ít thời gian tiếp xúc với một người nên những cảm nhận của ông chỉ là cảm nhận ban đầu”.

Chẳng hạn, Theroux kể lại khi những người khách du lịch nước ngoài sững sờ vì vẻ đẹp của miền quê Việt Nam khi họ đi trên con tàu Huế - Đà Nẵng: “Trong tất cả những nơi mà tàu hỏa đã đưa tôi đi qua kể từ London, đây là nơi thơ mộng nhất… Nếu vẻ đẹp viên mãn này không lôi cuốn những con mắt chiếm đoạt bên ngoài, thì có lẽ người Pháp đã không biến nơi này thành thuộc địa và người Mỹ cũng đã không tham chiến ở đây lâu đến vậy”. Chân thực, nhưng đúng là quá ngoại quốc, và vẫn nghĩ về Việt Nam từ góc độ những cuộc chiến tranh.

Trở lại với John đi tìm Hùng, nằm trong Tủ sách Du ký của NXB Kim Đồng - tủ sách được lập ra đã vài năm nhưng theo biên tập viên Thúy Loan thì “từ trước đến nay, các tác phẩm dạng du ký hầu hết có cách diễn đạt không mới mẻ, thậm chí có những bản thảo quá cũ kỹ và già nua, nội dung thể hiện chưa hấp dẫn nên không sử dụng được”. Nếu so sánh với những bản thảo đó, sách của Trần Hùng John có thể xem là một “làn gió mới”. “Sách của Hùng đặc biệt ở chỗ, tác giả dù là Việt kiều nhưng vẫn vẹn nguyên ý thức Mỹ, khi đi vào Việt Nam, sải bước trên đất Việt trải nghiệm những đắng cay và ngọt ngào của kẻ lữ hành, Hùng lại cảm nhận được những điều quen quen, lạ lạ, thân thân, thương thương với người Việt” - biên tập viên Thúy Loan nhận xét.

Sách du ký không cổ vũ du ký

Sách du ký luôn được coi là dạng sách truyền cảm hứng sống, nhưng không trực tiếp đến mức khuyến khích độc giả đọc xong là “xách ba lô và lên đường”. Theo nhà văn Di Li: “Sách vở cũng như phim ảnh thường làm mọi thứ long lanh hơn ngoài đời thực. Có những rủi ro ngoài đời không được kể lại trong trang sách nên người đọc không hình dung được. Đó là còn chưa kể đến những người không may mắn trên đường du ký, họ không thể trở về để kể lại những trải nghiệm không hay”. Càng đi nhiều, người ta càng hiểu những bất trắc trên đường đi, kể cả đối mặt với cái chết. Dù khía cạnh đó không được nhắc đến nhiều trong sách, độc giả vẫn phải tự hiểu: đi là phải có sẵn nền tảng tri thức, kỹ năng sống - những thứ không quá khó để trang bị trong thời đại này nhưng hoàn toàn là nỗ lực tự thân.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm