Trào lưu sách du ký: Những bước chân ngoại quốc

20/06/2013 14:08 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Nhân một loạt cuốn sách du ký của Việt Nam gây tiếng vang gần đây như: Xách ba lô lên và đi, Tôi là một con lừa, John đi tìm Hùng, dư luận bắt đầu chú ý đến thể loại sách du ký của thế giới và Việt Nam. Hãy cùng TT&VH Cuối tuần nhận diện thể loại văn học ăn khách này.

Trong đời, có hai lời khuyên bổ ích: đi nhiều và đọc nhiều. Không dễ để làm được cả hai, cũng không dễ để thêm vào một việc: viết về những nơi đã đi qua, dưới ảnh hưởng của những gì đã đọc và cá tính của bản thân.

Vì thế nhiều người chọn một công việc dễ hơn: đọc những tác phẩm viết về những chuyến đi – sách du lý hay văn học du ký. Chẳng có cuốn sách nào thực sự giúp người đọc “thăm thú qua trang sách mà không cần phải đến tận nơi” như những dòng quảng cáo nhưng ít nhất sách du ký vẫn giúp người đọc được nghe kể lại câu chuyện xê dịch sống động của một người khác và được truyền cảm hứng sống từ đó.

Trải nghiệm chân thực y như người viết là điều không tưởng, nhưng những kinh nghiệm sống mà người viết kể lại thì người đọc hoàn toàn có thể thẩm thấu, dù không hẳn là trọn vẹn.

Các đầu sách du ký nổi tiếng thế giới.

Đi bằng chân và đi bằng đầu

Dòng sách du ký đang “thịnh” ở Việt Nam hiện nay là những cuốn du ký viết dưới dạng tự truyện, phi hư cấu, tạo cảm giác như một câu chuyện tâm tình. Người đọc như đối diện với người viết qua trang giấy trong một hoàn cảnh ảo khá riêng tư.

Gần đây ở Việt Nam người ta nhắc nhiều đến chuyến đi bộ xuyên Việt trong 80 ngày của một chàng trai người Mỹ gốc Việt là Trần Hùng John. Hùng John thiên về khám phá xã hội, con người hơn là khám phá thiên nhiên, nhưng nhìn chung “đi để khám phá” là một mô típ thịnh hành của sách du ký.

Trong thế kỷ 20, một cây bút du ký nổi tiếng và ăn khách là Bill Bryson đã viết rất nhiều tác phẩm kể về các chuyến đi khám phá ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có cuốn A Walk in the Woods: Rediscovering America on the Appalachian Trail (Chuyến đi bộ trong rừng: Khám phá lại nước Mỹ từ dãy Appalachian) năm 1998. Dãy Appalachian dài khoảng 2.500km là nơi cao nhất và có địa hình ngoạn mục nhất phía đông bắc Mỹ.

Những tác phẩm có yếu tố ly kỳ như thế dễ gây ảnh hưởng truyền thông. Cuốn sách của Bryson sắp được chuyển thể thành phim do Barry Levinson đạo diễn và Robert Redford đóng vai chính. Phim dự định ra mắt vào năm 2014 hoặc 2015.

Một dạng khác, sách du ký tiểu thuyết, văn học hư cấu thì lâu nay vẫn được đọc như một tác phẩm hư cấu thông thường, chỉ có điều độc giả phải làm quen với cách viết, hoặc có cốt truyện hoặc không, nhưng nhất thiết phải bám theo hành trình của tác giả hoặc nhân vật. Vì là tác phẩm văn học, những cuốn du ký dạng này thường phản ánh tư tưởng của tác giả, thể hiện bức chân dung thời đại qua con mắt của người viết. Hành trình ở đây không chỉ là của những bước chân, mà còn là của những cái đầu đôi khi rất vĩ đại. Đi để khám phá và đi để nghĩ.

Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất dạng này là On The Road (Trên đường) của nhà văn Mỹ Jack Kerouac, nhân vật tiên phong của Thế hệ Beat ở nước Mỹ những năm 1950. On The Road đã trở thành cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ người trẻ khao khát lên đường và rất nhiều người trong số độc giả của nó đã biến khao khát đó thành hiện thực.

On The Road với với các yếu tố thời đại đã vượt ra ngoài khuôn khổ dòng sách du ký, trở thành một tác phẩm văn học lớn, được Modern Library xếp thứ 55 trong danh sách 100 tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất thế kỷ 20. Không chỉ ghi lại những chuyến rong ruổi của bản thân và vài người bạn thân bằng xe hơi trên khắp các nẻo đường nước Mỹ, nhà văn Jack Kerouac đã khắc họa vĩnh viễn vào lịch sử văn học bức chân dung thế hệ trẻ nước Mỹ thời hậu chiến, với tâm hồn tan vỡ, đắm mình vào nhạc jazz, văn thơ, tình dục và ma túy.

Vì đâu ăn khách? – trường hợp Eat, Pray, Love

Sách du ký ra đời từ nhu cầu cá nhân hoặc vì mục đích truyền thông, hoặc cả hai. Tác phẩm vượt lên tầm thời đại hay không là ở tài năng và tầm tư duy của người viết. Nhiều người chỉ đơn giản kể lại vài ba câu chuyện trên đường, hoặc sâu sắc hoặc hời hợt, độc giả đọc xong sẽ bàn tán ít lâu, thế rồi quên đi. Còn để có một Trên đường như của Kerouac lại là chuyện khác.

Thế kỷ 20 là một thế kỷ rực rỡ của dòng sách du ký khi số lượng và chất lượng tác phẩm đều rất hùng hậu. Chỉ liệt kê tác phẩm, tất nhiên chỉ những cuốn tạo được dấu ấn quốc tế, bằng tiếng Anh đã hơn 150 đầu sách, của các tác giả như W. Somerset Maugham, D. H. Lawrence , Ernest Hemingway, John Steinbeck, Che Guevara, Ian Fleming, Paul Theroux, Bill Bryson…

Thế kỷ 21, thời đại của cái tôi cá nhân, khi các phương tiện đi lại và ngành xuất bản đều đã rất phát triển, vừa mới qua được 13 năm nhưng cũng có số lượng sách du ký đáng kể, sơ sơ hơn 50 đầu sách có tiếng do Wikipedia liệt kê. Đó là những tác phẩm quốc tế được nhớ để chỉ tên điểm mặt, còn số lượng sách du ký xuất bản ở từng nước thì lớn hơn rất nhiều.

Nếu chỉ xét tiêu chí ăn khách, gần đây có Eat, Pray, Love (Ăn, cầu nguyện, yêu) của Elizabeth Gilbert kể về hành trình qua Ý, Ấn Độ và Indonesia của một người phụ nữ (chính là tác giả) trên đường khám phá cuộc sống sau khi ly hôn. Tác phẩm có mặt trong danh sách bán chạy của New York Times trong 187 tuần (hơn 3 năm rưỡi), một kỳ tích. Sách đã được Hollywood chuyển thể thành phim do minh tinh Julia Roberts và tài tử Javier Bardem đóng vai chính.

Eat, Pray, Love là một tự truyện. Tác giả được nhà xuất bản trả tiền để đi du lịch các nước và viết nên cuốn sách. Chị dành 4 tháng ở Ý để thưởng thức ẩm thực và tận hưởng cuộc sống (ăn), 3 tháng ở Ấn Độ để theo đuổi các giá trị tâm linh (cầu nguyện) và kết thúc những tháng còn lại trong năm ở “thiên đường du lịch” Bali, Indonesia tìm kiếm sự cân bằng giữa hai điều trên và tìm được tình yêu với một doanh nhân người Brazil (yêu).

Từ thành công của Eat, Pray, Love, có thể thấy một cuốn sách du ký ăn khách không nhất thiết phải độc đáo. Động lực viết có thể là một hoàn cảnh khiến người đọc dễ đồng cảm (tác giả vừa trải qua một cuộc hôn nhân thất bại và cảm thấy khó tìm được tình yêu đích thực), câu chuyện đơn giản, thậm chí vài chỗ gây cảm giác sắp đặt (cũng phải vì việc viết sách được lên kế hoạch từ trước), kết thúc thì có thể đoán trước qua tên gọi cuốn sách: một cái kết hạnh phúc. Giọng văn hấp dẫn của tác giả cũng là điều phải kể đến.

Cũng như Eat, Pray, Love, nhiều cuốn sách du ký là những tác phẩm tròn trịa và làm đẹp lòng số đông. Tình yêu, hy vọng, sự cân bằng và cảm hứng sống đều có trong Eat, Pray, Love, và thế là đủ cho những độc giả không quá khó tính. Chính điều đó khiến sách du ký thành công thường có thông điệp tương tự nhau, dù kể về các loại hình xê dịch khác nhau, nhân vật khác nhau. Vấn đề là trong số những cuốn sách đó, có bao nhiêu cuốn sẽ vượt qua thử thách của thời gian và để lại giá trị lâu dài hơn?

Về sách du ký ở Việt Nam, điều thú vị là độc giả chuộng nội và chuộng yếu tố đương đại. Họ không thích đọc những gì quá xa lạ mà thích tìm điểm chung giữa người viết và mình. Khi đọc báo, họ muốn có những gì liên quan đến Việt Nam. Khi đọc sách du ký, họ muốn tác giả là người Việt hoặc tác giả nước ngoài viết về Việt Nam; câu chuyện trong sách phải thuộc thời hiện tại, ít hoặc nhiều có liên quan đến họ, không phải là quá khứ cách đây đã mấy chục năm.

Những cuốn sách du ký thuần Việt gần đây (Xách ba lô lên và đi, Tôi là một con lừa, John đi tìm Hùng…) đều đáp ứng những tiêu chí đó. Nhưng, tiêu chí quan trọng nhất là đây (độ ăn khách của Eat, Pray, Love là một minh chứng): độc giả hứng thú gấp 10 lần, 20 lần hoặc hơn thế nếu tác giả – người thực hiện chuyến du ký – là một người nữ.

(Còn tiếp)

Kỳ 2: Sách du ký Việt Nam: Những “nhà du hành” nữ giới

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm