Tranh tường khổng lồ của Picasso bị đe dọa

19/01/2013 07:55 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Tổng cục Di sản Văn hóa Na Uy rất bất bình khi người ta định phá bỏ hai tòa nhà hành chính từng bị tấn công khủng bố cách đây 2 năm, bởi việc này sẽ làm hỏng các bức tranh Picasso vẽ trên tường bằng bê tông khổ lớn, một di sản văn hóa rất quý giá.

Những bức tranh tường khổng lồ bằng bê tông của được danh họa Picasso thực hiện từ cuối những năm 1950 đến đầu những năm 1970, tại hai tòa nhà Chính phủ (có tên là Y và H) ở thủ đô Oslo, Na Uy.

Phá bỏ để xây mới?

Các tòa nhà này bị hư hỏng nặng sau cuộc tấn công khủng bố đẫm máu ở Oslo vào tháng 7/2011. Hiện nay, chính phủ Na Uy đang xem xét việc phá bỏ chúng để xây dựng thành một bộ phận mới thuộc tòa nhà Chính phủ.

“Nếu các tòa nhà bị phá và các bức tường được xây mới hoặc chuyển đến nơi khác thì chúng sẽ không còn là những tác phẩm nghệ thuật theo đúng dụng ý của Picasso nữa” – Jorn Holme, lãnh đạo Tổng cục Di sản Văn hóa Na Uy, bày tỏ sự lo lắng cho số phận những bức tranh tường.

Bức tranh tường “Người câu cá” vẫn bình yên vô sự sau vụ tấn công khủng bố năm 2011.

Sau vụ khủng bố ngày 22/7/2011, Rigmor Aasud, Bộ trưởng Bộ Hành chính Na Uy đã gợi ý rằng liệu sẽ tốt hơn nếu để phá bỏ các tòa nhà đi. Còn ông Holme và nhiều người khác cho rằng câu hỏi của Bộ trưởng Aasud cho thấy Bộ trưởng rất “nóng lòng” muốn phá bỏ các tòa nhà cũ để mau xây dựng khu nhà mới. Tuy nhiên, một người phát ngôn của Chính phủ đã từ chối xác nhận điều này với tờ The Art Newspaper hồi tháng trước.

Có tin nói rằng vài tháng sau khi xảy ra vụ khủng bố, Chính phủ và Tổng cục Di sản Na Uy đã thống nhất sẽ thu thập ý kiến dân chúng về việc phá bỏ các tòa nhà. Song, việc lấy ý kiến người dân có lẽ cũng chỉ mang tính chất “tham khảo” mà thôi, bởi Chính phủ Na Uy đã mời nhiều kỹ sư đề xuất ý tưởng xây mới khu nhà. Đến mùa Hè này các kỹ sư sẽ trình lên Chính phủ kế hoạch của họ.

Những tác phẩm độc nhất vô nhị

Theo kết luận của Tổng cục Di sản Văn hóa, mặc dù bị đánh bom, nhưng các tòa nhà vẫn an toàn và có thể tiếp tục sử dụng.

“Chúng tôi vẫn nghĩ rằng cần hỏi ý kiến người dân. Các tòa nhà không chỉ quan trọng vì các tác phẩm nghệ thuật đã được sáng tạo dành riêng cho chúng, mà còn là những công trình đặt nền móng cho ngành kiến trúc Na Uy, là biểu tượng cho sự phát triển của nơi đây như một đất nước thịnh vượng sau Thế chiến 2” – ông Holme nói.

… nhưng các phần khác của hai tòa nhà Chính phủ lại chịu thiệt hại nghiêm trọng.

Các công trình kiến trúc này được xây bằng đá dăm breccia, một kỹ thuật xây ứng dụng bê tông tự nhiên, vốn phổ biến ở Na Uy sau Thế chiến 2.

Picasso đã phác thảo 5 bức tranh tường cho cả nội thất và ngoại thất các tòa nhà. Lớn nhất là bức Ngư ông (The Fisherman), Picasso sáng tác năm 1970, được lắp đặt trang trọng trên mặt tiền khu nhà Y. Những nét ký họa sống động và độc đáo của Picasso đã thu hút sự chú ý của rất nhiều khách du lịch, chính khách trên thế giới mỗi khi có dịp đến Oslo thăm quan hoặc công du tại Na Uy.

Tham gia vẽ tranh tường cho các tòa nhà cùng Picasso có một số danh họa của Na Uy như: Inger Sitter, Kai Fjell và Carl Nesjar.

Picasso đã phác thảo 5 bức tranh tường cho cả nội thất và ngoại thất các tòa nhà. Lớn nhất là bức Ngư ông, được lắp đặt trang trọng trên mặt tiền khu nhà Y.

Theo ông Holme, các yếu tố trang trí cũng là giá trị cần phải bảo tồn. Điều đó thuộc về Nesjar người chịu trách nhiệm gắn các bức ký họa của Picasso vào tòa nhà. “Đó là lần đầu Picasso làm việc với chất liệu này. Không có công trình ở Oslo, ông sẽ không thể thực hiện các tác phẩm tương tự ở Barcelon và Stockholm” – ông Leif Anker, một cán bộ Tổng cục Di sản Văn hóa Na Uy, phát biểu.

Giữ lại các tòa nhà cũng là điều họa sỹ Carl Nesjar hết sức quan tâm. “Các tác phẩm nghệ thuật bằng bê tông được vẽ và thiết kế cho nhiều không gian đặc thù, chẳng hạn như cầu thang và hành lang, biến nơi này thành một tác phẩm nghệ thuật độc nhất vô nhị và nguyên gốc. Điều quan trọng là phải giữ được cả bộ tranh như một khối thống nhất” – họa sĩ này cho biết - "Đó là lý do không thể tách rời các bức tranh dù không phá hủy chúng".    

Phạm Anh Trúc (Theo The Art)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm