19/11/2012 10:09 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Dù chưa chính thức thông qua, việc dự thảo Luật Thủ đô chọn Khuê Văn Các làm biểu tượng Hà Nội vẫn được phân tích là tương đối khoa học và hợp lý. Tuy nhiên, theo một vài nhà nghiên cứu, bản thân mẫu logo Khuê Văn Các mà Hà Nội đang sử dụng trong nhiều năm qua lại chưa có giá trị tương xứng với biểu tượng này.
So với các biểu tượng khác như Tháp Rùa, Cột Cờ, Chùa Một Cột, Khuê Văn Các có nhiều ưu thế vượt trội về giá trị lịch sử cũng như nội hàm văn hóa đi kèm (TT&VH đã có bài viết trên số 318, ra ngày 13/11). Và, trong trường hợp được lựa chọn, biểu tượng này sẽ được cách điệu bằng kĩ thuật tạo hình để tạo ra một logo sử dụng rộng rãi trên mọi ấn phẩm, mọi công trình kiến trúc và văn hóa...
Logo Khuê Văn Các đang được sử dụng
1. Hiện, trong 12 năm qua, Hà Nội vẫn đang sử dụng rộng rãi logo Khuê Văn Các của tác giả Phạm Ngọc Tuấn. Đây là tác phẩm giành giải nhất tại cuộc thi sáng tác mẫu biểu trưng về Hà Nội vào năm 1999. Cũng cần nói thêm, cuộc thi này được tổ chức trong vòng ba năm kể từ 1997, với mục đích tìm một biểu trưng phù hợp trong thời điểm Thăng Long - Hà Nội sắp tròn 990 năm tuổi. Do đặc thù cuộc thi, các mẫu logo tham dự gắn với lựa chọn và ý tưởng của người vẽ chứ không bị ép vào một “đề bài” cho sẵn. Bởi vậy, cuộc thi khá phong phú về các biểu tượng được sử dụng trong logo.
Họa sĩ Phạm Ngọc Tuấn, một Việt kiều Pháp, là GS - Hiệu trưởng một trường ĐH mỹ thuật công nghiệp tại Paris là người chiến thắng trong cuộc thi nói trên. Vượt qua hơn 400 tác phẩm khác và giành giải nhất, logo Khuê Văn Các của ông có hình tròn bao ngoài, màu xanh đậm, bên trong là các khối đường thẳng cách điệu theo hình mẫu Khuê Văn Các (ảnh 1). Phần dưới cùng của logo mô phỏng cổng chính của Khuê Văn Các và có chữ Hà Nội đi kèm. (Một số trường hợp sử dụng logo này đã bỏ đi 2 chữ trên). Các đánh giá chung cho rằng mẫu logo này “nêu được truyền thống văn hóa dân tộc, thể hiện sự vươn tới văn hóa, vươn tới tri thức loài người” và “có phong cách nghệ thuật hiện đại chắc chắn vững vàng, kết hợp hài hòa giữa tính dân tộc và hiện đại, thuận lợi cho việc sử dụng...”.
Sau một số văn bản từ UBND TP Hà Nội, logo trên đã được sử dụng rất rộng rãi trong 10 năm qua tại các lễ kỉ niệm, hoạt động văn hóa hay thiết kế sản phẩm du lịch. Cho dù, bên cạnh những đánh giá tích cực, một số ý kiến cá nhân vẫn cho rằng mẫu logo trên hơi cứng và đơn điệu, chưa “bắt mắt” về mặt tạo hình.
Không chỉ ở góc độ thẩm mỹ, GS sử học Lê Văn Lan còn cho rằng logo hiện hành không hề phù hợp với Khuê Văn Các. “Chúng ta cần phân biệt rạch ròi 2 khái niệm: chọn Khuê Văn Các làm biểu tượng Thủ đô và chọn logo Khuê Văn Các đang có để sử dụng cho biểu tượng này”. GS Lan nói. “Nếu lựa chọn thứ nhất là hợp lý, thậm chí là tối ưu thì lựa chọn thứ hai lại chưa thể hiện được tinh thần “ngàn năm văn hiến” như đề ra”.
2. Theo phân tích của ông Lan, khi được thiết kế và xây dựng vào thế kỉ XIX, Khuê Văn Các là kiến trúc mang biểu trưng của sao Khuê - ngôi sao tượng trưng cho văn hóa, văn học của dân tộc Việt. Do vậy, điểm nhấn của người xưa nằm ở phần gác trung tâm của công trình này: bốn mặt vách đều có cửa trổ ra hình tròn với tám tiếp điểm là những đường gỗ nối dài xung quanh. Một cách hình tượng, đây là hình ảnh ngôi sao Khuê lấp lánh giữa bầu trời với những tia sáng lan tỏa, gợi hàm ý tập trung tinh hoa của đất trời quanh đạo học của con người...
“Hình tròn với những đường bao ấy là điểm nhấn, là hạt nhân trung tâm của biểu tượng Khuê Văn Các. Trong khi đó, logo đang sử dụng lại có một đường tròn bên ngoài, bên trong là khối hình vuông với những nét chéo chạy ngang dọc. Cố tưởng tượng thế nào, người ta vẫn không... tìm thấy ngôi sao Khuê” - GS Lan nói - “Tôi đã phát biểu ý kiến nhiều lần: cách tạo hình như vậy là sai lầm nghiêm trọng vì bỏ mất tính biểu tượng “hiền tài là nguyên khí quốc gia” của người xưa.
Cũng theo GS Lan, trong logo này, các đường nét ngang dọc tạo hình Khuê Văn Các chủ yếu nặng về tính... đố chữ, nghĩa là lồng ghép việc biểu thị hai chữ “HN” (Hà Nội) viết hoa: “Nhiều người vẫn giải thích rằng đường vạch ngang kèm sổ chéo hai đầu ở trên cùng là chữ H. Dưới chữ H là chữ N cách điệu. Nếu như vậy thì khiên cưỡng quá, vì giữa chữ “H” và chữ “N” còn một họa tiết nằm ngang, dễ làm người ta nghĩ tới chữ V hoặc chữ U”.“ Đã mặc định rằng đó là biểu tượng của Hà Nội thì không cần cố gượng ép “đánh đố” người đọc để tìm chữ H.N trong đó làm gì. Điều đáng buồn là với thói quen sử dụng logo này trong nhiều năm, chúng ta rất dễ tiếp tục chấp nhận và “luật hóa” nó bằng Luật thủ đô trong nhiều năm tới. Như vậy, theo thời gian, sự không hoàn thiện này sẽ càng nghiêm trọng...” - GS Lan nhận xét.
Câu hỏi đặt ra: nếu dự Luật Thủ đô được thông qua vào ngày 21/11 tới, Khuê Văn Các sẽ chính thức trở thành biểu tượng của Hà Nội. Trong trường hợp ấy, việc nghiên cứu lại, thậm chí là hoàn thiện thêm về logo từ biểu tượng này có cần được đặt ra?
“Hà Nội hoàn toàn có thể cân nhắc và trao đổi lại điều này nếu vẫn có những ý kiến trái chiều. Bởi lẽ, ai cũng muốn hướng tới sự hoàn thiện cao nhất về biểu tượng của mảnh đất mình đang sống” - Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc trả lời TT&VH - “Thậm chí, một logo không mang tính tả thực, nghĩa là không quá giống với hình ảnh bên ngoài của Khuê Văn Các, cũng có thể là một giải pháp hay nếu ý nghĩa của logo lại chuyển tải được trọn vẹn thông điệp của biểu tượng này”.
Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất