Tranh cãi việc 'cào bằng' cát-xê ca Huế

17/06/2013 18:00 GMT+7 | Văn hoá

UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã có văn bản quyết định tăng thù lao biểu diễn của nghệ sĩ ca Huế để góp phần đảm bảo đời sống của anh chị em và nhằm tăng chất lượng biểu diễn của loại hình nghệ thuật này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc “cào bằng cát-xê ca Huế” đã được thực hiện bấy lâu nay.

Không công bằng với nghệ sĩ lâu năm

Theo quyết định mới nhất của UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế thì thù lao cho các nghệ sĩ, nhạc công tham gia biểu diễn ca Huế tối thiểu là 150.000 đồng/người/suất diễn (được áp dụng từ ngày 1/5/2013). Quyết định nói trên đã “gỡ” được nhiều khó khăn cho đời sống của các anh chị em nghệ sĩ biểu diễn ca Huế bấy lâu nay. Tuy nhiên, vấn đề “cào bằng cát-xê” trong giới nghệ sĩ biểu diễn ca Huế thì vẫn duy trì. Nhiều ý kiến cho rằng đây là điều không công bằng đối với nhiều nghệ sĩ đã tham gia hoạt động loại hình nghệ thuật này nhiều năm nay.

Biểu diễn ca Huế trên sông Hương

Tính đến thời điểm hiện tại, Sở VHTTDL tỉnh Thừa Thiên- Huế đã thẩm định và cấp phép cho gần 500 nghệ sĩ, nhạc công tham gia biểu diễn ca Huế. Những nghệ sĩ này có người đang hoạt động tại Nhà hát nghệ thuật Ca kịch Huế, Nhà hát nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, giáo viên và sinh viên của Trường Trung học VHNT tỉnh và cả những người không hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp khác…

Nghệ sĩ Kim Liên đã tham gia biểu diễn ca Huế 15 năm nay, lại là giáo viên đứng lớp giảng dạy cho nhiều thế hệ học trò tại Trường Trung học VHNT tỉnh Thừa Thiên- Huế, thế nhưng khi tham gia biểu diễn thì cả cô và trò đều có mức thù lao như nhau. Đương nhiên dù trò có hát hay, có năng khiếu thì những kinh nghiệm và giọng điệu của cô vẫn chất lượng hơn nhiều…

Một số nghệ sĩ khác, dù không tham gia giảng dạy loại hình nghệ thuật này, nhưng họ cũng đã ngót nghét 10, 15 thậm chí là 20 tuổi nghề; nhưng mức cát-xê cũng chỉ được “cào bằng” như một nghệ sĩ mới vào nghề.

“Ca Huế bây giờ như trào lưu, món ăn tinh thần của khách du lịch đến Huế. Ca Huế có rất nhiều giá trị nhưng du khách hầu như không cần biết tới, họ chỉ muốn phục vụ theo cảm tính, đại trà thị hiếu của khách.

Có nhiều người hát rất hay nhưng họ có tuổi lớn trong nghề thì lại không được yêu cầu; trong khi đó các em trẻ mới đi làm thôi nhưng lại có dáng vẻ, hình ảnh bắt mắt thì họ thích…

Từ thực tế thị trường đó, chúng ta chỉ thực hiện thuận mua thuận bán thôi; nếu phân chia thì nghệ sĩ lớn tuổi có khi sẽ thất nghiệp” - Ông Cao Chí Hải, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Huế.

NSND Nguyễn Ngọc Bình cho rằng nên phân loại nghệ sĩ lâu năm, nghệ sĩ trẻ; nghệ sĩ được đào tạo chính quy, bài bản với nghệ sĩ “tay ngang”… để có mức thù lao thích hợp. Việc trả cát-xê theo dạng “cào bằng” như hiện nay là thiệt thòi cho những người đã hoạt động nghề từ mấy chục năm nay.

“Việc làm này tôi nghĩ không mấy khó khăn, ngoài việc thẩm định cấp phép như hiện nay thì cơ quan quản lý nhà nước nên yêu cầu nghệ sĩ khai thêm về thời gian hoạt động nghề của mình. Người có thâm niên cao hơn đương nhiên sẽ được mức thù lao xứng đáng hơn…”- NSND Nguyễn Ngọc Bình bày tỏ.

Trước đó, tại một cuộc họp của các cơ quan ban ngành về quản lý biểu diễn ca Huế trên sông Hương, ông Ngô Anh Tuấn- Phó Chủ tịch UBND TP Huế cũng từng bày tỏ ý kiến rằng: “Không thể “cào bằng” cát-xê của một giọng ca nổi tiếng lâu năm với một sinh viên vừa vào nghề được”.

Du khách thích nghệ sĩ... trẻ trung, xinh đẹp!

Nghệ sĩ biểu diễn ca Huế Hồng Thanh thuộc thế hệ U50, là một trong những tên tuổi biểu diễn lâu năm bày tỏ nếu có việc phân chia tuổi nghề để trả cát-xê thì rất vui mừng, bởi cô đã biểu diễn mấy chục năm nay nhưng cát-xê thì vẫn bằng nhiều thế hệ học trò của mình.

Tuy nhiên, nghệ sĩ Hồng Thanh e ngại đây là điều khó thực hiện vì hiện nay, sản phẩm ca Huế sông Hương được nhiều du khách biết đến theo kiểu “thưởng thức cho biết” chứ không cần người hát phải là lâu năm, chất giọng tốt, hát hay nữa.

“Chị và chị Kim Liên cùng trong một nhóm với nhau, nhưng nếu có khách gọi biểu diễn thì tụi chị phải tách ra. Chị và chị ấy đã lớn tuổi, người ta chẳng thích lắm, nên phải tách ra để kèm theo với các em trẻ khác biểu diễn. Phần lớn người xem, kể cả phụ nữ đều có xu hướng thích những nghệ sĩ hát được và trẻ trung, xinh đẹp; chứ không cần hát hay, đúng chuẩn của ca Huế mà đã đứng tuổi”, nghệ sĩ Hồng Thanh kể. Chị nói rằng đây hầu như là yêu cầu chung của các hãng lữ hành khi đặt show cho khách hiện nay.

Ông Cao Chí Hải, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh cho rằng phân loại tuổi nghề, chất lượng để trả thù lao biểu diễn cho các diễn viên ca Huế là rất khó khả thi. “Ca Huế trên sông Hương là sản phẩm thị trường rồi nên khó thay đổi được. Giả sử nếu phân loại nghệ sĩ theo hạng A, B, C thì tôi đảm bảo rằng các chủ thuyền sẽ gọi các em hạng C đi biểu diễn để chi phí cho tour giảm xuống. Việc phân định tuổi nghề, chất lượng nghệ sĩ, Nhà nước không “thò tay” vào được vì Nhà nước không phải là người trả tiền”, ông Hải nói.

Ông Hải thẳng thắn rằng: “Ca Huế bây giờ như trào lưu, món ăn tinh thần của khách du lịch đến Huế. Ca Huế có rất nhiều giá trị nhưng du khách hầu như không cần biết tới, họ chỉ muốn phục vụ theo cảm tính, đại trà thị hiếu của khách. Có nhiều người hát rất hay nhưng họ có tuổi lớn trong nghề thì lại không được yêu cầu; trong khi đó các em trẻ mới đi làm thôi nhưng lại có dáng vẻ, hình ảnh bắt mắt thì họ thích… Từ thực tế thị trường đó, chúng ta chỉ thực hiện thuận mua thuận bán thôi; nếu phân chia thì nghệ sĩ lớn tuổi có khi sẽ thất nghiệp”.

Theo Sơn Thùy
Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm