Tìm thấy móng điện Thiên An thời Lý?

28/12/2012 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc khai quật quy mô lớn đầu tiên tại nền điện Kính Thiên, kiến trúc quan trọng số 1 của Hoàng thành Thăng Long, đã được Viện Khảo cổ học tiến hành trong 6 tháng cuối năm 2012 và thu về nhiều thông tin quan trọng.

Diện tích khai quật rộng 500m2, cách cổng Đoan Môn 10m theo hướng Đông - Tây và thuộc khu vực vẫn được gọi là “thành cổ Hà Nội”. Đây được coi là phần không gian của chính điện Kính Thiên thời Lê sơ, nơi tổ chức các hoạt động chính trị quan trọng nhất của vương triều này. (Từ cuối thế kỉ XIX, điện Kính Thiên đã bị phá hủy gần như toàn bộ, và nhóm khai quật đã phải đào sâu xuống hơn 4m dưới nền đất để nghiên cứu).

Nhiều phát hiện về “trái tim” Hoàng thành

Một loạt lớp văn hóa các thời Nguyễn, Hậu Lê, Lý - Trần đã lộ diện tại các hố khai quật. Đặc biệt, các kiến trúc thời Lý xuất hiện rất đậm đặc tại khu vực này, với vết tích của một “đường nước” lớn chạy suốt chiều Đông - Tây, cao 2m, rộng 2m, xây bằng gạch vuông, gạch bìa thời Lý và cọc gỗ. Kèm theo đó, dấu tích một móng tường thời Lý rộng 1,5m cũng xuất lộ và chạy song song với “đường nước” trên.

Báo cáo khảo sát khẳng định: đây là một đường nước bằng gạch có kích thước khổng lồ và chưa từng được phát hiện tại bất cứ di tích nào, kể cả khu vực 18 Hoàng Diệu. Hàng loạt giả thiết đã được đặt ra, theo đó đây có thể là công trình  thoát nước hoặc một phần móng nền kiến trúc có liên quan tới khu vực trung tâm Hoàng Thành thời Lý - nơi được vương triều này xây điện Thiên An (có công năng tương tự như điện Kính Thiên thời Lê).

GS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học đứng cạnh vết móng tường thời Lý

Thực tế, việc lần đầu tìm thấy một dấu tích hoành tráng, mang đậm phong cách kiến trúc thời Lý tại khu vực Đoan Môn đã được giới khảo cổ đánh giá rất cao. Bởi, phát hiện này đã chính thức khẳng định việc tồn tại một hệ thống di tích khảo cổ có tính tiếp biến văn hóa liên tục qua các thời Lý - Trần - Lê - Nguyễn tại khu vực “thành cổ Hà Nội” này. Cụ thể, phác thảo của Viện khảo cổ về quá trình xây dựng tại khu vực khai quật cho rằng: “Thời Lý xây đường nước và tường, thời Trần thế kỉ XIII xây đường cống và dải gạch hoa chanh bên trên, thời Trần thế kỉ XIV san lấp toàn bộ để xây móng kiến trúc mới, thời Lê sơ san nền lại để lát gạch vuông, thời Lê trung hưng biến thành đường “ngự đạo” và lát gạch vồ màu xám”...

Tiếp tục khai quật Thành cổ

Trong nhiều năm, khái niệm “trục trung tâm” của Hoàng thành Thăng Long qua từng thời kì luôn là điều gây tranh cãi trong giới khảo cổ. Bởi, theo dòng lịch sử, cụm di tích này đã nhiều lần được các triều đại xây dựng lại và có những “dịch chuyển” nhất định về không gian.

Cụ thể, trong các thời Lê, Nguyễn, “trục trung tâm” của Hoàng thành được giới nghiên cứu nhất trí là nằm tại khu vực thành cổ Hà Nội (kéo từ cửa Đoan Môn - điện Kính Thiên - Hậu Lâu). Ngược lại, với thời Lý, Trần, có 2 luồng ý kiến chính: một số cho rằng “trục trung tâm” cũng nằm bên phía thành cổ, một số cho rằng “trục trung tâm” nằm phần đối diện (khu vực 18 Hoàng Diệu). Quan điểm thứ hai càng được củng cố thêm vào năm 2011: Trong một đợt khảo sát nhỏ trên diện tích 100m2 cũng tại điện Kính Thiên, Viện Khảo cổ học chỉ tìm thấy một số dầm, móng tường, nền gạch vồ... mang phong cách kiến trúc các thời Lê, Nguyễn.

Đường nước thời Lý vừa phát lộ

“Những lập luận ấy đến từ việc khu vực 18 Hoàng Diệu có một số kiến trúc thời Lý nằm đối xứng nhau, trong khi phía bên này thì... tịnh không có một kiến trúc thời Lý nào”-  GS Phan Huy Lê giải thích- “Tôi và một số chuyên gia không tán thành điều này, bởi theo thuyết phong thủy, trung tâm của Hoàng thành phải luôn hướng về phía núi Nùng. Hiện tại, việc phát hiện đường nước thời Trần là một minh chứng rất quan trọng của chúng tôi: trục trung tâm của Hoàng thành trong các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều đồng nhất với nhau và nằm ở phía thành cổ Hà Nội”

Một hiện tượng khác được nhiều chuyên gia khảo cổ nhắc tới: ngược với lượng mảnh gốm, sứ rất phong phú bên phía 18 Hoàng Diệu, cuộc khai quật tại khu thành cổ Hà Nội gần như không hề tìm thấy một mảnh gốm, sứ nào. Theo kinh nghiệm nghiên cứu của một số chuyên gia khảo cổ Nhật Bản từng khai quật các di tích Nara, Fujiwara, Kyoto, đây là thực tế chắc chắn sẽ có tại những khu vực quan trọng, liên quan tới nghi lễ Đại triều Quốc gia. Do vậy, giả thiết về việc trung tâm Hoàng thành Thăng Long trong mọi thời kì đều nằm ở phía thành cổ Hà Nội càng có cơ sở tồn tại. (Thực tế, từ rất lâu, khu vực này đã được giới khảo cổ cho rằng có trữ lượng di vật và tiềm năng nghiên cứu cao hơn nhiều so với phần Hoàng thành thuộc 18 Hoàng Diệu. Tuy nhiên, năm 2012, toàn bộ mặt bằng tại đây mới được Bộ Quốc phòng bàn giao lại cho Hà Nội để phục vụ nghiên cứu).

Theo GS Phan Huy Lê, gần như chắc chắn, giới khảo cổ sẽ kiến nghị xin được tiếp tục triển khai quật khu vực thành cổ Hà Nội trên một diện tích rộng hơn.

Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm