Tìm “phao cứu sinh” cho điện ảnh Việt

24/01/2013 07:35 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Với những gì đã diễn ra với Điện ảnh Việt Nam năm 2012, để xốc lại tinh thần không đơn giản chỉ nghĩ lạc quan là làm được. Vụ thất thoát số tiền lớn hàng chục tỷ đồng từ năm 2011 như đám mây đen đổ bóng xuống nền điện ảnh nước nhà suốt năm 2012. Đây cũng là năm “đóng băng” với điện ảnh Nhà nước, các hãng phim tồn tại chật vật, dồn sang làm phim truyền hình để lấy ngắn nuôi dài.

Cục Điện ảnh vừa tổ chức cuộc hội nghị để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2012 và triển khai công tác năm 2013 với nhiều vấn đề tồn đọng của điện ảnh Việt được đặt ra.

Khi điện ảnh nội tự ái

Cả năm 2012 Cục Điện ảnh cấp phép phổ biến 17 phim truyện nhựa, 8 phim tài liệu nhựa, 17 phim hoạt hình, 14 phim truyện video và 22 phim tài liệu video.

Những con số này quá khiêm tốn so với sản phẩm ta nhập từ nước ngoài về. Nói riêng phim truyện nhựa, Việt Nam chỉ sản xuất được có 17 phim, nhưng nhập về tới 127 phim. Mảng phim  truyện video, Việt Nam sản xuất được 14 phim, nhập về tới 86 phim. Số lượng phim sản xuất ra đã ít, chất lượng lại không đủ cạnh tranh, đó là một thực tế không thể chối cãi.

Cảnh phim Đam mê - 1 trong 17 phim Việt “ra lò” năm qua

Ông Thái Hòa, Giám đốc Hãng phim Giải phóng cho biết: “Ba, bốn năm trở lại đây hãng không tham gia thị trường phim nữa mà để cho tư nhân làm. Cũng tự ái lắm chứ. Nhưng hệ thống chiếu bóng hiện đại - đầu ra của điện ảnh hiện nay chủ yếu nằm trong tay các nhà đầu tư nước ngoài. Phim của mình sản xuất được đầu tư ít tiền, chất lượng thì hạn chế. Làm phim 5-6 tỷ mà lỗ thì coi như hãng đó làm… “lễ truy điệu” rồi”.

Ngay chính Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, đơn vị sở hữu cơ ngơi hiện đại nhất trong hệ thống rạp chiếu của Nhà nước cũng rất lo ngại về sức cạnh tranh của phim Việt, cũng như rạp Việt với các rạp nước ngoài. Vì phim Việt hiện nay chưa đủ chất lượng để được chọn chiếu giờ đẹp chứ chưa nói đến thời gian trụ rạp. Ông Nguyễn Danh Dương hy vọng: “Nếu phát triển các cụm rạp ở 60 tỉnh thành, tức là hình thành chợ phim, lập tức sẽ kích cầu người ta bỏ tiền ra làm phim”.

Không chỉ có ông Dương, ông Hòa mà rất nhiều lãnh đạo các đơn vị khác cũng đang mơ về một hệ thống rạp có đủ sức cạnh tranh với các đơn vị đầu tư của nước ngoài. Và hiện tại “Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa” đã được Chính phủ phê duyệt với tổng số vốn đầu tư dự kiến 10.800 tỷ đồng. Trong đó có kế hoạch xây dựng 106 rạp (xây mới 75 rạp và nâng cấp 49 rạp), riêng Hà Nội và TP.HCM sẽ được xây Trung tâm điện ảnh quy mô 1.500 ghế. Nhưng tại hội nghị nói trên, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Vương Duy Biên cho biết từ con số đến lập kế hoạch và triển khai là cả một chặng đường dài. Cho dù dự án này có thể triển khai, nhưng hơn ai hết những người làm trong ngành điện ảnh đều hiểu “phao cứu sinh” cho điện ảnh Việt không đơn giản chỉ là hệ thống rạp phim. Một khi đã có rạp rồi, nhưng không có phim hay thì mọi thứ lại số 0.

“Khổ cũng phải làm phim”

Năm 2012 do “Thông tư liên tịch hướng dẫn việc đấu thầu, đặt hàng dự án sản xuất phim có sử dụng ngân sách Nhà nước” chưa được ban hành nên sản xuất phim truyện từ nguồn ngân sách Nhà nước 2012 hoàn toàn bị ngưng trệ. Nhưng tin mới nhất là vào ngày 21/1 vừa qua, văn bản về thông tư do Cục Điện ảnh gửi lên Bộ Tài chính đã được ký. Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan cho biết: “Bế tắc gần như đã được giải tỏa”. Nếu thông tư này được thông qua, bà Ngô Phương Lan kỳ vọng: “Hoạt động điện ảnh sẽ cân bằng và công bằng hơn, mọi người đều có quyền làm phim, miễn là có năng lực”.

Đề án lập Quỹ hỗ trợ và phát triển điện ảnh hiện đã hoàn thành dự thảo và gửi tờ trình Chính phủ chờ được Thủ tướng thông qua. Tiêu chuẩn rạp chiếu đã hoàn tất và chờ nghiệm thu. Dự án đào tạo nhân lực cho ngành điện ảnh cũng đã trình lên Bộ VH,TT&DL để xin kinh phí. Năm 2013 Cục Điện ảnh cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện chiến lược Điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Không khí mới của ngành điện ảnh cũng khiến những cá nhân trong ngành muốn chung sức. Ông Vương Đức - Giám đốc Hãng phim Truyện Việt Nam bày tỏ: “Điện ảnh đang ở trong thời điểm khó khăn nhất trong 60 năm qua. Nếu cứ kêu khổ, kêu khó mãi cũng không được. Các cụ bảo “cái khó bó cái khôn”, nhưng cũng lại bảo “cái khó ló cái khôn”. Dù chúng tôi đang phải sống mòn nhưng khổ cũng phải làm phim”.

Hải Diệp
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm