Tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy: Để đi đến sự thật, cần biết tự hoài nghi

19/10/2009 08:11 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH Cuối tuần) - Rất đông người đã tìm đến buổi giới thiệu cuốn tiểu luận - vốn là luận án tiến sĩ văn chương Đại học Paris 7 (Pháp)-Alain Robbe Grillet: Sự thật và diễn giải (*) được tổ chức mới đây tại ba nơi: Trung tâm Văn hóa Đông Tây, L’espace (Hà Nội) và Cà phê Thứ Bảy (TP.HCM), trong số người tham dự, không ít vì tò mò với cái tên Nguyễn Thị Từ Huy và cuốn sách được Evelyne Grossman, Giáo sư văn học Pháp hiện đại và đương đại ĐH Paris Diderot, Chủ tịch Học viện Triết học quốc tế Pháp nhận xét là: “đến đúng lúc, nó rọi một thứ ánh sáng khác với những cuốn từ trước tới nay”.

Tôi biết Nguyễn Thị Từ Huy vì học cùng trường với chị, vì chị duyên dáng và khiêu vũ đẹp. Chị lại hay đi cùng một anh đẹp trai, có ria mép nên ai gặp cũng phải ngoái nhìn. Cứ nghĩ rằng “dân sư phạm” cũng chỉ loanh quanh ở việc giảng dạy hay viết một vài cuốn sách, nhưng rồi bất ngờ khi gặp lại chị sau gần hai chục năm...

Trở thành tiến sĩ ở tuổi 37 sau khi bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ tại Paris, tác giả của nhiều bài phê bình văn học với những kiến giải sâu sắc, những phát hiện thú vị bằng góc nhìn hiện đại, cởi mở - Nguyễn Thị Từ Huy được đánh giá là một trong những nhà phê bình thế hệ mới của Việt Nam. Cuộc trò chuyện cuối tuần với nữ tiến sĩ không “thư giãn” nhưng thật thú vị với những vấn đề xung quanh văn chương “cũ” và “mới”...

Bắt đầu từ sự ngờ vực bản thân…

* Được biết quyển sách đang rất được dư luận chú ý - Alain Robbe Grillet: Sự thật và diễn giải - là bản dịch luận án tiến sĩ văn chương Pháp với hạng “tối danh dự” của chị tại Đại học Paris 7. Xin chị cho biết qua về cơ hội và quá trình thực hiện thành công luận án này?

- Tôi thực hiện luận án này trong khuôn khổ chương trình đào tạo cán bộ có trình độ chuyên môn bậc cao của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được gọi là Đề án 322. Thời hạn thông thường dành cho một luận án tiến sĩ là bốn năm. Có những người có thể hoàn thành công việc của họ trong vòng ba năm, nhưng thường đó là trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên hay tin học. Trong lĩnh vực khoa học xã hội, điều đó là rất khó, thậm chí bốn năm cũng là ít ỏi, vì khoa học xã hội có những đặc thù khác: cần phải đọc và xử lí rất nhiều tài liệu, cần làm chủ ngôn ngữ, và số trang của luận án cũng không nhỏ. Đấy là chưa nói đến một thực tế không thể phủ nhận: khoảng cách quá xa giữa chúng ta và thế giới trong lĩnh vực này. Không thể phủ nhận rằng kiểu tư duy của chúng ta hiện nay không bắt kịp trình độ tư duy chung của các nước có sự phát triển về khoa học xã hội.

Trong bốn năm tôi đã cố gắng làm chủ ngôn ngữ ở một mức độ nhất định, tiếp cận một số thao tác tư duy, tiếp cận các tài liệu liên quan đến đề tài và xử lí đề tài nghiên cứu. Dĩ nhiên, cũng như bất kì một nghiên cứu sinh nước ngoài nào, quá trình này bắt đầu cùng với sự ngờ vực bản thân. Rồi dần dần những khóa học mà tôi liên tục tham dự trong hai năm đầu không chỉ giúp tôi tiếp xúc với các khuynh hướng nghiên cứu đương đại, mà còn giúp tôi hiểu rằng, chúng ta hoàn toàn có thể đạt tới kiểu tư duy tương tự, nếu chúng ta có nền tảng kiến thức tương tự, nếu chúng ta được giới thiệu những phương pháp tương tự và có đầy đủ các tư liệu cần thiết. Để có được các nhà lập thuyết thì khó, nhưng để áp dụng các lí thuyết hiện có vào nghiên cứu thì hoàn toàn có thể.

* Luận án đúc kết một thời gian dài nghiên cứu của chị về trào lưu “tiểu thuyết mới”, một hiện tượng văn học độc đáo ở Pháp vào các thập kỷ 1960-1970, trong đó Alain Robbe-Grillet được gọi là vị “giáo hoàng” của trào lưu này. Lý do nào khiến chị đặc biệt quan tâm đến trào lưu này? Phải chăng vì nó phản ánh một cách nhìn khác về thực tại, báo hiệu và mở đường cho tư duy “hậu - hiện đại” ngày nay?

- Tiểu thuyết mới và Robbe-Grillet đã cuốn hút tôi, bởi sự khó hiểu, tính chất phức tạp và sự khác biệt của nó so với những hình thức văn học mà tôi từng biết trước đó. Nếu tiểu thuyết mới còn tiếp tục cuốn hút tôi, thì đó không chỉ vì những đặc trưng hình thức: tính chất mảnh, tính chất phân rã, sự phá sản của cái gọi là đại tự sự... Sức hấp dẫn của nó đối với tôi chính là ở cái chiều sâu mà Robbe- Grillet đã vờ như từ chối, ở tính chất đa phức, khó khái quát lại thành các công thức hay khuôn mẫu. Thực ra trong cách nhìn của Tiểu thuyết mới, cũng như trong cách nhìn của hiện tượng học, chiều sâu của sự vật nằm trong chính cái bề ngoài của nó, tương tự như bản chất của sự vật chính là ở trong hiện tượng mà nó biểu hiện. Đấy là lý do vì sao Robbe-Grillet và tiểu thuyết mới đề cao cái bề ngoài. Đây chính là một cái nhìn khác về thực tại.

Các nhà tiểu thuyết mới tự nhận là họ có một cái nhìn chính xác hơn về thực tại. Vì thực tại đôi khi không phải là cái mà người ta có thể xác quyết chắc chắn; đôi khi nó là cái lẩn đi dưới cái nhìn của chúng ta, dưới sự phán xét của chúng ta; đôi khi nó không phải cái mà ta tưởng là nhìn thấy, nắm bắt được hay hiểu rõ. Đó là cái nhìn của một “kỷ nguyên hoài nghi” (từ dùng của Nathalie Sarraute).

* Trào lưu “tiểu thuyết mới” nổi tiếng với việc phản đối quan niệm “xây dựng nhân vật và cốt truyện” của tiểu thuyết truyền thống. Một cách thật ngắn gọn, dễ hiểu, xin chị giải thích rõ thêm về điều này.

- Nhân vật, cốt truyện, dấn thân, chiều sâu, ẩn dụ... là những khái niệm bị Robbe-Grillet cho là lỗi thời, vào thời kỳ ông viết Vì một tiểu thuyết mới. Sau này, ông giải thích rõ hơn: tiểu thuyết mới không xóa bỏ nhân vật và cốt truyện, mà nó phản đối kiểu nhân vật và cốt truyện truyền thống. Nó xóa bỏ tính cách, chân dung, lịch sử, thậm chí tên họ... tất cả những gì khiến cho nhân vật trở nên vững chắc, ổn định, có thể định nghĩa được. Nó xóa bỏ sự phát triển logic của cốt truyện tuyến tính có thể sơ đồ hóa thành: bắt đầu, phát triển, kết thúc. Nhân vật vẫn tồn tại trong tiểu thuyết mới, nó tồn tại dưới những dạng thức mới, chẳng hạn, ở Robbe-Grillet, nó trở thành hiệu ứng của nhân vật. Cốt truyện vẫn tồn tại, nhưng là một cốt truyện bị phân rã, không còn sự cố kết chặt chẽ và logic.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng: một số điều được viết trong thời kỳ Vì một tiểu thuyết mới đã bị chính tác giả của nó phủ nhận. Ông thừa nhận rằng Vì một tiểu thuyết mới không phải là một tập tiểu luận phê bình thực sự có giá trị lập thuyết, mà đó chỉ là những suy nghĩ được viết ra một cách vội vàng, để đáp ứng những yêu cầu nhất định của thời điểm đó. Sau này ông không viết phê bình nữa. Điều này không có gì khó hiểu vì phủ nhận là tinh thần của Robbe- Grillet, và sự phủ nhận triệt để nhất là phủ nhận chính mình.

MỘT SỐ TÁC PHẨM CỦA
NGUYỄN THỊ TỪ HUY ĐÃ XUẤT BẢN:

     Tác phẩm dịch: Giờ im lặng - tập truyện ngắn của Albert Pouvourvil (NXB Văn học-2001), Những tiểu thuyết của Alain Robbe- Grillet của Bruce Morrissette (NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, 2005).

     Truyện ngắn: Con chữ (Bách Việt - NXB Hội Nhà văn, 2007).

     Thơ: Chữ cái (Eva- NXB Phụ nữ, 2007).

* Từ sau “cao trào” của “tiểu thuyết mới”, dưới ảnh hưởng của thông diễn học (Heidegger, Gadamer, Paul Ricoeur, Hannah Arendt) dường như đang có nhu cầu khôi phục lại phong cách tự sự của tiểu thuyết nhằm “tái diễn giải” về chính cuộc đời mình để mang lại ý nghĩa cho nó với tư cách là một chủ thể có trách nhiệm. Điều này mâu thuẫn lại hay là sự tiếp nối quan niệm phản - tự sự của “tiểu thuyết mới”?


- Các nhà tiểu thuyết mới chưa bao giờ là những chủ thể vô trách nhiệm. Sartre, người chủ trương dấn thân về mặt xã hội, tưởng rằng có mâu thuẫn giữa ông và các nhà tiểu thuyết mới - những người chủ trương dấn thân bằng nghệ thuật, nhưng ông đã phải ngạc nhiên trước việc đa số các nhà tiểu thuyết mới, trong đó có Robbe-Grillet, đã ký tên vào bản “Tuyên bố” của 121 trí thức Pháp chống lại cuộc chiến tranh Algérie. Phản - tự sự của tiểu thuyết mới không hình thành một cách tùy tiện ngẫu nhiên, nó là sản phẩm của các tiểu thuyết gia hết sức có trách nhiệm đối với việc đổi mới nghệ thuật tự sự, đối với công việc viết lách, mà viết là một cách để chịu trách nhiệm về cuộc đời họ, viết là để tự giải phóng khỏi những con quỷ trong bản thân mình, viết là một phương tiện chống lại cái chết, như Robbe- Grillet từng nói. Hơn nữa, phản - tự sự không đơn giản chỉ là một nỗ lực chống lại truyền thống, nó biểu hiện một quan niệm về một thế giới tồn tại trong sự biến đổi, trong sự vận động, tiến triển, trong sự mâu thuẫn, một thế giới đang hình thành, chưa thể nói lời cuối cùng về nó, chưa thể nắm bắt nó như một cái gì trọn vẹn, hoàn tất. Tóm lại phản - tự sự giải phóng chuyện kể khỏi các khuôn mẫu và niềm tin rằng có thể cố định đời sống trong một vài chuẩn mực, công thức mà nhà văn có khả năng khái quát, giải phóng nhà văn khỏi cái niềm tin rằng ông ta là đại diện cho chân lý, rằng ông ta nói tiếng nói của chân lý.


Việc các nhà văn ngày nay, dưới ảnh hưởng của các lý thuyết về thông diễn học, có nhu cầu “khôi phục lại” (từ này cũng mang tính chất tương đối vì phương thức tự sự truyền thống chưa bao giờ biến mất hoàn toàn, nó luôn tồn tại song song với phản - tự sự) phong cách tự sự của tiểu thuyết, nhằm “tái diễn giải” các hiện tượng đời sống và diễn giải chính mình, đương nhiên cũng biểu hiện tinh thần trách nhiệm của chủ thể viết. Về điểm này nó không mâu thuẫn với tiểu thuyết mới. Tuy nhiên, tính chất cực đoan của tiểu thuyết mới có lẽ là nguyên nhân khiến cho dòng văn học này khó nhận được sự chú ý của đại chúng, vì thế tiểu thuyết ngày nay ít cực đoan hơn. Dù sao, dường như tiểu thuyết vẫn phải là kể một câu chuyện về một ai đó.

* Các cuộc tranh luận về lý thuyết văn học hiện nay có ý nghĩa gì đối với nền văn chương, nhất là đối với tư duy về tiểu thuyết ở nước ta?

- Các cuộc tranh luận này chỉ có thể có ảnh hưởng tới sự phát triển của tư duy tiểu thuyết ở Việt Nam, nếu các nhà văn thực sự quan tâm đến chúng, thực sự có hiểu biết sâu sắc về những gì đang được tranh luận, nội hóa những gì thu nhận được, quy chiếu về chính mình, về các vấn đề của mình để có được một sự chuyển hóa từ bên trong, dẫn tới sự thức nhận bản thân (“bản thân” theo nghĩa rộng: chính mình và môi trường trong đó mình đang tồn tại), và đưa các nhà văn tới chỗ có khả năng đối thoại bình đẳng với các đồng nghiệp của họ, đối thoại bằng các vấn đề riêng của mình, chứ không chỉ dừng lại ở mức độ cóp nhặt, hay chịu ảnh hưởng.

Nếu các cuộc tranh luận này diễn ra ở đâu đó, bên ngoài chúng ta, thì chúng sẽ hoàn toàn vô nghĩa đối với chúng ta. Bởi lẽ ý nghĩa chỉ tồn tại như một lời mời gọi, đối với những ai nghe thấy tiếng gọi đó.

Cặn bã hôm nay có thể là tinh dầu hoa hồng ngày mai

* Chúng ta chuyển sang một đề tài nhẹ nhàng, thư giãn hơn một chút nhé- Nguyễn Thị Từ Huy còn là một nhà thơ. Tập thơ Chữ cái của chị dường như đã phá bỏ mọi niêm luật và trình thức thơ để tìm đến một hình thức biểu đạt với những câu thơ ghép thành chữ cái, người đọc có thể đọc thơ theo cách của họ. Nhưng ám ảnh hơn cả là những hình ảnh ẩn dụ đến mức “tàn nhẫn”, như “cứt” trong bài thơ Cứt và hoa hồng... Và triết lý “Văn chương là dinh dưỡng, là thứ mà ta không thể sống nếu thiếu nó, nó là cứt”, nên “ai thực sự sống với văn chương sẽ ngồi trên đống cứt” thật sự là điều ngạc nhiên khi đọc bài thơ này...

- Nếu bạn thấy những hình ảnh ẩn dụ trong đó “tàn nhẫn”, có lẽ tôi sẽ làm bạn ngạc nhiên khi hỏi rằng, lẽ nào bạn không cảm thấy một tình cảm dịu dàng trong đó, trong hình ảnh: “cứt rồi sẽ đi qua mùa Xuân để gặp hoa hồng” hay “Gió gói mùi cứt mang về cất trong góc khuất của căn nhà mùa Đông/ Hương cứt và mùa Đông lẩn quất trong một hợp âm trầm, nặng”? Những gì bị cho là cặn bã của ngày hôm nay rất có thể là tinh dầu hoa hồng trong tương lai. Sâu xa, đó cũng là một vấn đề của sự thật hay của không - sự - thật. Có những người lúc sống có thân phận của cứt như Jean Valjean, chết đi rồi có thể trở thành một người khổng lồ của lòng cao thượng. Văn chương và con người văn cũng vậy.

* Thật ra, văn chương Việt Nam có vẻ ngại “đụng chạm” đến những từ gợi sự bẩn thỉu, tục tĩu, nhưng chúng không xa lạ trong văn học nước ngoài. Có phải vì nghiên cứu văn học Pháp mà chị sự ảnh hưởng nhất định của lối tư duy và hình tượng của một số tác giả Pháp?

- Không một người viết nào tránh khỏi các ảnh hưởng. Kể cả khi họ đã xác lập được một lối viết riêng. Bản thân Robbe-Grillet, người được mệnh danh là nhà cách tân rốt ráo nghệ thuật tiểu thuyết, người đã tự xác lập như là kẻ lật đổ truyền thống tiểu thuyết khi mới vào nghề, cũng nhận thấy rằng không có gì mới một cách triệt để, nói theo cách diễn đạt cực đoan của ông, mọi tiểu thuyết đều “kể mãi một câu chuyện cũ từ thế kỷ này sang thế kỷ khác”. Tuy nhiên, chính trong sự tái diễn đó cái mới hình thành, bởi vì bản thân sự tái diễn mang trong nó sự khác biệt, mang trong nó yếu tố phá hủy, những gì cần thiết để tạo thành cái mới. Về điểm này thì bạn nói rất đúng: ảnh hưởng của văn học Pháp...

* Những hình ảnh ẩn dụ trong thơ chị, cũng như góc nhìn của chị trong cuốn tiểu luận về Alain Robbe Grillet cho thấy sự quan tâm đặc biệt của chị tới triết học. Chị từng kiến nghị lên Bộ Giáo dục để đưa bộ môn Lịch sử triết học vào dạy tại các trường đại học bởi “việc học bộ môn này có thể mang lại không chỉ kiến thức tổng hợp, mà còn giới thiệu và gợi mở về các hình thái tư duy phức tạp. Nó sẽ góp phần, về lâu dài, xóa bỏ tình trạng thiếu vắng các nhà lý luận, các nhà nghiên cứu và các nhà tư tưởng. Nó cũng sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng băng hoại các giá trị tinh thần...”. Nhưng thực tế việc này xem ra có thể chẳng bao giờ làm được...

- Ở phương Tây, triết là một môn học ở bậc phổ thông trung học. Và ở Pháp, nó là một trong các môn thi tốt nghiệp trung học. Tôi từng hỏi một giáo viên Pháp dạy triết cấp III rằng, người ta yêu cầu ông điều gì khi dạy môn học này cho học sinh, ông ấy trả lời: chúng tôi cần phải làm cho học sinh yêu triết học. Nhưng theo tôi, có lẽ đấy là tinh thần của giáo dục nói chung: làm cho học sinh yêu thích các môn học. Đương nhiên có triển khai được những đề xuất đó hay không phụ thuộc vào đường lối chiến lược của giáo dục quốc gia. Những đề xuất được viết trong một bản kiến nghị gửi lên Bộ Giáo dục và Đào tạo, những người làm khoa học nói lên các suy nghĩ của họ và những suy nghĩ ấy có được sử dụng hay không, tùy thuộc vào những người quản lý, những người có khả năng áp dụng và triển khai trên một diện rộng, còn những nỗ lực của cá nhân thì chỉ có thể tác động trong một phạm vi rất hẹp.

* Cũng như chị nói, trước những ảnh hưởng nhanh chóng và ồ ạt của các yếu tố đến từ nước ngoài trong điều kiện hội nhập hiện nay, nếu khoa học xã hội của ta không đủ mạnh, và không áp dụng được các kết quả nghiên cứu vào đời sống, thì việc không bảo vệ được bản sắc dân tộc là điều có thể nhìn thấy. Thực sự thì chị đã nhìn thấy những gì, vì bản sắc dân tộc, với nhiều người vẫn là cái gì đó hoặc quá cụ thể hoặc quá chung chung?

- Bạn hãy vào những hàng game ở Hà Nội, những hàng game lúc nào cũng đông nghịt từ sáng sớm đến tối mịt, mang theo một cái máy ghi âm, quan sát và ghi lại những gì bạn nghe thấy ở đó, từ miệng những đứa trẻ từ 10 đến 20 tuổi, để thấy vốn từ vựng nghèo nàn, nhưng rất tục tĩu, để thấy mầm mống của bạo lực và suy đồi, để thấy rằng đó sẽ là những người nắm tương lai của dân tộc...

* Từ Huy là một nhà nghiên cứu khoa học đích thực trong rất ít người nghiên cứu khoa học xã hội đích thực hiện nay ở ta. Chị nghĩ gì về nhận xét này?

- Tôi cố gắng thực hiện một cách nghiêm túc công việc của mình. Có lẽ chỉ nên nói như vậy. Với tất cả những giới hạn mà môi trường áp đặt lên người nghiên cứu ở Việt Nam hiện nay, thật khó để cho cái định nghĩa về một “nhà khoa học đích thực”, trong lĩnh vực khoa học xã hội, có được một nội dung đích thực.

* Để có thể đi tới sự thật, cần nhất là phải từ bỏ các xác tín đã có, có nghĩa là cần biết tự hoài nghi. Đó là một phần luận giải của chị về Robbe-Grillet. Có lúc nào chị hoài nghi về con đường mình đã chọn?

- Bạn muốn nói tới con đường nào? Dù sao cũng không thoát khỏi sự hoài nghi: không biết tôi đã chọn nó hay nó chọn tôi.

* Xin cảm ơn chị và mong chị... luôn hoài nghi!

(*) Alain Robbe-Grillet (1922-2008), nhà văn Pháp, người được mệnh danh là giáo hoàng của tiểu thuyết mới - trào lưu văn học chủ trương vứt bỏ các hình thức mơ mộng truyền thống để tiến hành “một cuộc cách mạng về cách nhìn”. Ông là tác giả của khoảng 20 quyển sách và có ảnh hưởng rộng lớn trên thế giới. Tác phẩm của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng và được nghiên cứu tại nhiều nước.

Tùng Sơn (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm