24/12/2013 13:35 GMT+7 | Âm nhạc
(Thethaovanhoa.vn) - Một mùa ASEAN Para Games - Đại hội thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á - đang đến gần (diễn ra vào tháng 1/2014 tại Myanmar). Trong không khí ấy, người ta lại có dịp nhớ lại kỳ đại hội lần thứ hai được tổ chức tại Hà Nội cách đây tròn 10 năm (12/2003). Lúc đó, ca khúc Chào Para Games Hà Nội do nhạc sĩ nghiệp dư Nguyễn Đỗ sáng tác đã được hát lên trong buổi lễ khai mạc đầy xúc động.
1.Ca khúc Chào Para Games - Hà Nội đơn giản, ngắn gọn trong 8 câu nhạc, nội dung dễ nhớ dễ thuộc nhưng để viết được ca khúc này, ông Nguyễn Đỗ “bật mí”: “Tôi đã phải tìm hiểu, nghiên cứu và cả “học hỏi” những sáng tác về thể thao khá nổi tiếng của Italia. Và cái khó nhất khi viết ca khúc này là vừa phải thể hiện được tầm vóc hội nhập quốc tế vừa phải phù hợp với tâm lý của đối tượng” - ông Nguyễn Đỗ cho biết.
Năm 1996, sau khi viết hai ca khúc Bài ca yêu đời và Với em, đêm Hồ Tây, chỉ trong một năm, ông cho ra đời tuyển tập 15 ca khúc Nguyễn Đỗ. Năm 1997, Bài ca yêu đời đã được chọn làm bài hát chính thức của Đại hội thể thao văn nghệ người khuyết tật toàn quốc lần thứ nhất tại Quảng Trị, đoạt Huy chương vàng trong Liên hoan Giai điệu hòa bình hữu nghị Hà Nội. Thời gian sau đó, ông tiếp tục làm giàu thêm kho tàng của mình với 22 ca khúc.
Chia sẻ về con đường đến với sáng tác âm nhạc, đặc biệt là chuyên viết về những ca khúc dành cho người khuyết tật, nhạc sĩ tâm sự: “Tôi rất yêu âm nhạc nhưng cũng không nghĩ mình sẽ sáng tác những ca khúc chỉ dành cho những người khuyết tật. Khi tham gia Hội Những người khuyết tật, vào những ngày lễ, đại hội, chúng tôi muốn có một bài hát chính thức nhưng không có. Vì thực tế là hầu như không có nhạc sĩ nào sáng tác về người khuyết tật. Tôi lại rất yêu âm nhạc, mong muốn viết nhạc từ lâu nên tôi thử viết. Từ một bài được mọi người đón nhận, tôi đã viết nhiều hơn”.
2. Không chỉ trong Para Gamesngười ta theo đuổi sự bình đẳng trong thể thao mà ngay trong cuộc sống, những con người như ông Nguyễn Đỗ vẫn luôn thể hiện một đời sống khỏe mạnh về thể chất, lạc quan về tinh thần. Sinh năm 1930 tại Hà Nội. 15 tuổi ông Nguyễn Đỗ đi bộ đội, 17 tuổi ông bị thương trong một trận chiến đấu tại Nam Định.
Khi đó, mất đến 3 tháng, các bác sĩ mới tìm được viên đạn “lẩn trốn” trong chân của ông. Mặc dù bị thương nặng nhưng đang ở tuổi “bẻ gãy sừng trâu” nên lúc đó, ông không hề bi quan mà chỉ mong chân mau khỏi để tiếp tục chiến đấu. Kể cả khi bác sĩ nói, sau bình phục ông chỉ có thể đi nhiều không quá 100 mét, nhưng với nghị lực của tuổi trẻ, ông luyện tập hàng ngày để dần dần đi được xa hơn. Vì thế, ông vẫn tiếp tục tham gia kháng chiến chống Pháp cho đến khi hòa bình, ông chuyển về làm công tác tuyên huấn, giảng dạy môn Chủ nghĩa Mác - Lê Nin, nghiên cứu khoa học kinh tế.
Cho đến khi viết nhạc ở tuổi 66, dù không qua trường lớp âm nhạc nào nhưng chính nhờ sự đồng cảm và chia sẻ sâu sắc của một người thương binh mà những ca khúc của ông đã đến được với trái tim của người khuyết tật thành công.
Chưa nói đến âm nhạc của ông Nguyễn Đỗ, mới chỉ nói về khả năng sáng tác của ông, NSND Quý Dương nhận định: “Trong thời gian vài ba năm, viết được gần 40 ca khúc với đề tài đa dạng, mới mẻ, có sức rung cảm sâu lắng là một công trình sáng tạo chưa từng thấy đối với một tác giả nghiệp dư là thương binh cao tuổi”.
Và thực tế, với những ca khúc luôn có sự đồng điệu giữa thơ và nhạc, thể hiện tình yêu cuộc sống lạc quan đã không chỉ thấm sâu nỗi lòng những người khuyết tật, những người chịu thiệt thòi trong cuộc sống mà với những người bình thường, họ cũng rất yêu thích các sáng tác của ông.
“Đời về chiều đâu có hoàng hôn” không chỉ là lời trong một sáng tác của ông Nguyễn Đỗ (ca khúc Mái tóc pha sương), đó còn là tinh thần và thái độ sống của một thương binh như ông, dù đã ở tuổi 84.
Lam Anh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất