21/11/2012 09:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - "Phải nhìn thẳng vào sự thật, việc giáo dục nghệ sĩ cũng phải nghiêm túc xem xét lại, nhiều nghệ sĩ sao lãng trách nhiệm xã hội của mình, một bộ phận nghệ sĩ chạy theo giá trị kinh tế" - Thạc sĩ Nguyễn Thành Nhân, Trưởng phòng Quản lý Biểu diễn, Cục Nghệ thuật Biểu diễn, đồng thời cũng là người thầy đứng trên bục giảng nhiều năm đã chia sẻ với TT&VH.
Ông Nguyễn Thành Nhân trở thành “nhân vật” quen thuộc với cánh phóng viên theo dõi văn hóa kể từ khi chuyển công tác tới Cục Nghệ thuật Biểu diễn. Đơn giản bởi lĩnh vực ông đang tham gia quản lý “đụng chạm” khá nhiều tới giới showbiz với những scandal: hở hang, hát nhép…
Thi đỗ khóa đạo diễn sân khấu đầu tiên của Việt Nam năm 1982, ông Nhân được cử đi học đạo diễn, biên kịch sân khấu, chuyên ngành sân khấu múa rối vào năm 1983 ở Czech. Về nước, ông làm chương trình khung và trực tiếp giảng dạy lớp Cao đẳng múa rối đầu tiên ở Việt Nam, sau đó tiếp tục viết chương trình khung cho chuyên ngành múa rối hệ ĐH của trường ĐH SK&ĐA. Hiện nay, ngoài công tác quản lý, ông vẫn tham gia công tác giảng dạy.
Ông Nguyễn Thành Nhân
* Thưa ông, hiện nay dường như chúng ta coi trọng đào tạo kiến thức chuyên môn, mà coi nhẹ văn hóa đạo đức của học sinh, sinh viên?
- Ở các giai đoạn trước, chưa chắc các em được dạy văn hóa nhiều bằng hiện nay. Hơn nữa, học sinh có nhiều phương tiện tìm hiểu kiến thức, có internet, được giao lưu quốc tế..., tầm văn hóa được mở rộng ra nhiều. Nhưng xã hội hiện nay quá đa dạng phong phú, quy hoạch xã hội, triết lý sống của xã hội ngày nay khác ngày xưa.
Trong xã hội hiện đại, tính cá nhân được kích thích đến độ cao nhất thì người ta có khát vọng bày tỏ bản thân cao nhất. Sự bày tỏ đó có hai mặt, nếu không nhận thức đúng, không có nền văn hóa tốt người ta bày tỏ cả cái hạn chế, cái tiêu cực. Trong khi các phương tiện thông tin đại chúng rất nhanh nhạy, nhất là trong việc phản ánh những mặt tiêu cực, nên người ta thấy mặt hạn chế hầu như lấn át xã hội.
Thực tế xã hội nói nhiều về "văn hóa" phong bì trong ngày nhà giáo, chúng ta phải nhìn ở hai góc độ, thứ nhất là lương các thầy rất thấp, nhưng cũng phải nói thẳng rằng rất nhiều thầy tạo ra hoàn cảnh để nhận phong bì, ví dụ như đánh học sinh trượt.
* Ông cũng đứng trên bục giảng, đào tạo những nghệ sĩ. Ông suy nghĩ gì khi hiện nay, không ít nghệ sĩ tỏ ra không được đào tạo đầy đủ về văn hóa ứng xử?
- Những năm chiến tranh, bao cấp, các nghệ sĩ của chúng ta ý thức rất cao. Sau khi đất nước mở cửa xây dựng nền kinh tế thị trường thì các thang giá trị đã thay đổi.
Bản chất thị trường kích thích mọi người, ai cũng có quyền biểu diễn, sáng tạo nên xuất hiện một số nghệ sĩ có một nhóm đối tượng khán giả riêng và họ không nhận thức được. Một số nghệ sĩ ăn mặc phản cảm, hát nhép, gây scandal để nổi tiếng, nhưng cần phải nói rõ, trong hàng chục năm qua, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có khoảng 10 – 15 người vi phạm. Còn hàng nghìn nghệ sĩ khác vẫn cống hiến miệt mài với ý thức xã hội cao.
Hằng năm, Bộ VH,TT&DL vẫn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, như bản thân Cục Nghệ thuật Biểu diễn năm ngoái đã đề xuất phong trào nghệ sĩ hát về biển đảo quê hương, nhiều nghệ sĩ tham gia những chương trình như vậy để họ thấy trách nhiệm với đất nước mình nhiều hơn.
Nhưng cũng phải nhìn thẳng vào sự thật, việc giáo dục nghệ sĩ cũng phải nghiêm túc xem xét lại, bởi nhiều khi nghệ sĩ cái tôi mạnh quá mà họ sao lãng đi trách nhiệm xã hội của mình, đó là chưa nói đến một bộ phận chạy theo giá trị kinh tế.
* Bên cạnh đó, còn có các nghệ sĩ cống hiến miệt mài nhưng cuộc sống vẫn khó khăn, các trường nghệ thuật không thu hút được người học...
- Người ta nhìn thấy một số nghệ sĩ chạy show rất đắt, tiền bồi dưỡng cao nên người ta nghĩ rằng nghệ sĩ là có thu nhập cao. Nhưng rất nhiều nghệ sĩ tài năng không kiếm được nhiều tiền như: nghệ sĩ sân khấu truyền thống, âm nhạc dân tộc, xiếc...
Có trường nghệ thuật có chỉ tiêu tuyển sinh mà không ai vào học, người thầy không lấy đâu trò mà dạy. Vào học rồi thì điều kiện rất khó khăn, ví dụ lớp đào tạo nghệ sĩ múa rối tôi tham gia giảng dạy, các em không có con rối để tập. Tôi phải xuống các nhà hát đề nghị hỗ trợ để các em có một phương tiện thực hành.
Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ cho các loại hình nghệ thuật cần được bảo tồn, bởi nó là loại hình nghệ thuật không có khả năng kiếm tiền nhanh, đến một ngày nào đó nó có nguy cơ biến mất.
* Xin cảm ơn ông!
Thảo Vy - Phạm Mỹ (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất