Thời của nhạc “tự chế”

15/04/2013 13:34 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2013, có những thay đổi lớn về quy trình làm ra âm nhạc, cách trở nên nổi tiếng và cả thước đo thành công của nghệ sĩ khi nhạc “tự chế” và mô hình nghệ sĩ độc lập trở thành mốt.

Gangnam StyleHarlem Shake, 2 cơn sốt âm nhạc toàn cầu gần đây nhất, đều ít nhiều mang đặc điểm của âm nhạc tự chế (DIY - do-it-yourself). Psy đã tham gia sáng tác, biên đạo, đạo diễn video Gangnam Style và được ký hợp đồng với một hãng đĩa lớn của Mỹ sau khi nổi tiếng. Và Harlem Shake còn là một ví dụ chính xác hơn, khi tác giả là DJ Baauer dùng nguồn nhạc trái phép trên mạng để pha trộn thành một giai điệu vui tai.

Đặc biệt, cả cách thức trở nên nổi tiếng của Gangnam StyleHarlem Shake đều được “xã hội hóa” triệt để: người xem khắp nơi tự truyền cho nhau trên các mạng xã hội.

Có cần đến các hãng đĩa lớn?

“Chúng ta liên tiếp có những ví dụ tiêu biểu về các nghệ sĩ độc lập thành công” - kỹ sư âm thanh, nhà sản xuất âm nhạc kiêm DJ Young Guru đưa ra nhận định trên trang MTV Hive về thời đại của âm nhạc tự chế và tự phát hành, đặc biệt là qua trang lưu trữ video kiêm mạng xã hội phổ biến nhất thế giới YouTube. Young Guru là một trong những kỹ sư âm thanh nổi tiếng nhất thế giới, có thâm niên gần 20 năm trong nghề.

Trên Time, Michael Starita, cũng là một kỹ sư, nhà sản xuất, nghệ sĩ biểu diễn kiêm chủ hãng đĩa, đã có ý kiến tương tự: “Các hãng đĩa lớn đã lùi lại phía sau, xu hướng phổ biến trong môi trường âm nhạc hiện tại là nhạc tự chế. Hiện có rất nhiều nghệ sĩ, đúng hơn là nhiều người có vai trò lớn nhất là nghệ sĩ, nhưng còn đảm nhận thêm nhiều vai trò khác như quản lý, nhân viên truyền thông, nghệ sĩ đồ họa hay nhà sản xuất”.


Đám đông khán giả cuồng nhiệt nhảy theo điệu nhạc Harlem Shake của DJ Baauer tại Liên hoan âm nhạc nghệ thuật Coachella hôm 13/4 ở Los Angeles (Mỹ)

Theo Starita, trước đây mô hình hoạt động âm nhạc diễn ra theo kiểu: nghệ sĩ biểu diễn tại các câu lạc bộ, hãng đĩa phát hiện ra, đề nghị ký hợp đồng và kiểm soát mọi sản phẩm âm nhạc: sản xuất, phân phối và làm truyền thông. Còn ngày nay, quy trình đó đã thay đổi.

Điều gì là quan trọng nhất đối với một nghệ sĩ theo dòng nhạc tự chế? Theo Young Guru, phải kiểm soát được chiến lược âm nhạc của mình. “Bởi mục tiêu của nghệ sĩ đã thay đổi” - anh giải thích - “Hiện nay bộ phận tìm kiếm nhân tố mới của các hãng đĩa thường tìm trên mạng xem nghệ sĩ mới nào được hâm mộ nhất trên Twitter hay các mạng xã hội”.

Nhưng câu hỏi tiếp theo là khi đã được chú ý như vậy, nghệ sĩ có cần các hãng đĩa lớn nữa không? Những nghệ sĩ độc lập như Mac Miller có thể tự đưa bản thân mình vào danh sách của Forbes. Miller mới 21 tuổi song đã đứng vị trí thứ 19 trong số các nghệ sĩ hip-hop kiếm nhiều tiền nhất của tạp chí Forbes năm qua, anh hoạt động “dưới trướng” hãng đĩa độc lập Rostrum Records.

Bày tỏ quan điểm tương tự, Jon Seale, nhà đồng sáng lập công ty nghe nhìn nhỏ Mason Jar Music, nói với Time: “Ngày càng nhiều nghệ sĩ cho rằng việc liên kết với một hãng đĩa truyền thống là không quá quan trọng”. Nhà đồng sáng lập còn lại là Dan Knobler cũng nhận định, vai trò của các hãng đĩa hiện nay là đưa các nghệ sĩ đã thành công lên một tầm danh tiếng mới chứ không phải phát hiện ra các nghệ sĩ mới.

Thành công là lấp đầy các tụ điểm âm nhạc

Young Guru nói: “Tự thu âm bài hát của mình, tự pha trộn nhạc, tự quay video nhạc, đăng sản phẩm lên mạng và chờ đợi nổi tiếng. Tôi đã giảng cho các sinh viên về cách làm nhạc độc lập cách đây rất lâu. Ngành công nghiệp âm nhạc cần thêm chút thời gian để bắt kịp. Một điều nữa, là thời nay người ta không cần bán được hàng triệu đĩa nhạc. Nếu bạn hoạt động độc lập, bạn chỉ cần bán được khoảng 100.000 đĩa hợp pháp là coi như đã kiếm đủ sống”.

Minh chứng của việc này là tạp chí Billboard của Mỹ đã thay đổi tiêu chí thống kê bảng xếp hạng âm nhạc, không quá phụ thuộc vào doanh số đĩa nhạc hay lượt phát trên đài phát thanh mà tính cả lượng xem trên YouTube - điều khiến Harlem Shake có tên trong BXH.

Vậy nghệ sĩ kiếm những khoản tiền lớn từ đâu nếu hoạt động độc lập? Hoặc hỏi cách khác, đâu là thước đo thành công của nghệ sĩ độc lập? “Là khi họ có thể tự nuôi mình và có lượng người hâm mộ đủ đông đảo để lấp đầy các địa điểm biểu diễn ca nhạc, khi đó có thể coi là thành công” - Guru nói.

Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa

Top 10 BXH Billboard Hot 100 tuần 20/4:

1. When I Was Your Man - Bruno Mars

2. Thrift Shop - Macklemore & Ryan Lewis Featuring Wanz

3. Just Give Me A Reason - P!nk Featuring Nate Ruess

4. Stay - Rihanna Featuring Mikky Ekko

5. Suit & Tie - Justin Timberlake Featuring Jay Z

6. Harlem Shake - Baauer

7. Can't Hold Us - Macklemore & Ryan Lewis Featuring Ray Dalton

8. Cruise - Florida Georgia Line Featuring Nelly

9. Started From The Bottom - Drake

10. Feel This Moment - Pitbull Featuring Christina Aguilera


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm