“Thế hệ chán chường” có gì đặc biệt?

26/02/2013 13:52 GMT+7 | Đọc - Xem


(Thethaovanhoa.vn) - Dù biết hay không biết Phan An (chủ nhân trang web giễu nhại báo lá cải Lacai.org), người đọc vẫn có những lý do khác để chú ý đến cuốn sách mới của anh, Trời hôm ấy không có gì đặc biệt.

Có thể là nhờ vào một câu trong lời giới thiệu của GS Trần Hữu Dũng: “Nhiều lúc, Phan An làm tôi nhớ đến nhân vật Holden Caulfield trong quyển The Catcher in the Rye (đã có người dịch là Bắt trẻ đồng xanh), tác phẩm kinh điển của nhà văn Mỹ J.D.Salinger”. Trước khi những người sính ngoại kịp lên tiếng phản đối, người viết bài này xin làm rõ: so sánh với Holden Caulfield khác với so sánh với J.D.Salinger. Trần Hữu Dũng không nói cuốn Trời hôm ấy không có gì đặc biệt là một Bắt trẻ đồng xanh của Việt Nam. Ông chỉ nhận thấy sự tương đồng giữa Phan An và những người Việt Nam cùng thế hệ với nhân vật nổi loạn chán chường của Salinger mà thôi.

Sẽ đi đúng hướng nếu đọc thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay, trong đó Phan An là nhân vật “nổi loạn” tiêu biểu (hãy nhìn những gì anh làm để “chống” báo lá cải), theo cách của GS Trần Hữu Dũng.

Holden Caulfield là ai? Là một chàng trai (cậu bé) 16 tuổi người Mỹ, bị đuổi học. Trong sách Trời hôm ấy không có gì đặc biệt của Phan An, nhân vật “tôi” cũng bị đuổi học.

Holden lành tính, yếu đuối và trong sáng đến nỗi không biết thể hiện sự căm ghét xã hội của mình bằng cách nào ngoài việc… tối ngày chửi thề. Với người viết bài này, Holden có thể là nhân vật trong sáng nhất trong văn chương Mỹ. Xã hội Mỹ, đến với người đọc qua đôi mắt của cậu, vẫn giữ nguyên hình dạng của nó. Bản dịch tiếng Việt của cuốn tiểu thuyết với tiêu đề Bắt trẻ đồng xanh như đã nói ở trên đã khiến ngôn từ của Holden “hiền lành” đi nhiều. Nhưng cái nhìn đời chua chát tê tái vẫn còn.

Phan An có phải là một Holden như thế?

Trời hôm ấy không có gì đặc biệt, nếu đọc một cách sơ giản nhất thì có thể cho rằng cuốn sách này, một tiểu thuyết, nếu bắt buộc phải gọi tên thể loại, nói về… giáo dục Việt Nam.

Xuyên suốt cuốn sách là câu chuyện học hành thi cử của nhân vật “tôi” và bè bạn tại một trường đại học kiến trúc, kết thúc bằng việc “tôi” bị đuổi học do gian lận thi cử. Chi tiết này đậm chất tự sự bởi ngoài đời, tác giả Phan An từng học dở đại học kiến trúc.

Phan An sinh năm 1984, quê gốc Quảng Nam - Đà Nẵng, hiện sống và làm việc ở TP.HCM. Trời hôm ấy không có gì đặc biệt là cuốn sách thứ hai của anh. Tác phẩm đầu tay của cùng tác giả là cuốn Quẩn quanh trong tổ (2011), cũng tập trung vào tâm lý giới trẻ đương đại, vẫn là nỗi chán chường cay đắng, giễu đời của những người “quẩn quanh trong tổ” mong ước làm những điều lớn lao.

Cuốn sách còn có những đoạn hồi ức được kể lồng vào thực tại rất tự nhiên (nhiều khi hơi dây cà ra dây muống) về tuổi thơ của nhân vật ở quê. Thực tại và quá khứ trong cuốn sách không “trật nhịp” với nhau, cùng tạo nên một bức tranh mạch lạc mô tả môi trường trưởng thành phổ biến của một con người ở Việt Nam: bị vây quanh bởi một hệ thống giáo dục tồn tại quá nhiều gian dối. Quá trình một con người biến chuyển từ nạn nhân đến chủ thể của gian dối diễn ra một cách tự nhiên.

Ông thầy Trạch của nhân vật “tôi” trong sách nói với sinh viên trước khi tạo điều kiện cho sinh viên gian lận thi cử: “Các anh mà giỏi thật như thế thì cái đất này nó đâu có đến cơ sự nghèo khó hèn mạt như bây giờ” (trang 169). Ấn tượng với cách tác giả đọc vị xã hội. Người như ông thầy Trạch trong xã hội hiện giờ đâu thiếu. Người dám nói như ông cũng quá nhiều. Người Việt Nam bây giờ nhận ra sự thật nhưng chấp nhận thỏa hiệp với nó ngon lành. Như ông Trạch cả. Có thế thôi.

Vấn đề đó của riêng giáo dục? Không. Chắc là không của riêng ngành giáo dục.

Chua chát đến thế, cuốn sách này liệu có nặng nề? “Liệu pháp” cân bằng là sự hài hước, nhiều chi tiết gây cười rất thông minh. Khiến người đọc không ít lần cười thành tiếng là một điểm mạnh của ngòi bút Phan An. Kể những chuyện đau khổ và tăm tối bằng một giọng văn cười cợt bất cần, Phan An khiến người đọc thấy bứt rứt hơn. Không ngại cả những từ rất tục, những chuyện rất tục, đây là một tác giả có khả năng đưa đời thường rất chân thực vào trong trang viết, khác với những trang viết “đèm đẹp” có chút giả tạo của nhiều cây bút trẻ.

Người viết bài này không đồng ý với GS Trần Hữu Dũng ở một điểm. GS cho rằng, thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay khác Holden Caulfield ở chỗ “Nhưng họ vẫn lạc quan… Ngay trong cái vẻ bất cần chua chát của thế hệ Phan An là sự tin tưởng ở một tương lai rạng rỡ hơn”. Không đồng ý, bởi đơn giản người viết không tìm thấy thứ ánh sáng mà ông nói trong cuốn sách này. Mở đầu đầy giễu nhại chán chường, kết thúc vẫn vậy.

Những “Holden lạc quan”, theo người viết, là một cách nói đẹp nhưng không thật. Trời hôm ấy không có gì đặc biệt là cuốn sách đáng chú ý với những ai muốn đọc vị giới trẻ Việt Nam đương đại.

Nếu bạn là sinh viên, hoặc đã từng qua quãng đời sinh viên chính cống - tức là ở Việt Nam, trong một trường đại học Việt Nam - hoặc bạn là một thằng cha đi từ Quảng Ngãi vào Sài Gòn để ban ngày đi đánh giày, ban đêm bán dạo trứng cút với chả bò hai bên bờ kè, thì bạn hẳn biết vấn nạn về tàu xe ngày Tết.

Năm hết Tết đến, người ta ùn ùn về quê để mặc đồ mới đi lên đi xuống trong xóm và sà vào mấy bàn bầu cua đặt hươu đặt nai. Khốn nỗi, ở nước ta hiện nay người mê bầu cua thì nhiều mà lượng tàu xe thì có hạn, nhất là khi dân vẫn ngửa cổ lên trời chờ đường sắt cao tốc đến phọt cả trái khế ra ngoài mà chẳng thấy tăm hơi đâu cả. Cho nên hàng năm cứ vào dịp tháng Chạp, các bến xe và ga tàu lại đông nghìn nghịt, người ta xếp hàng mua vé, người ta nằm ngồi la liệt, người ta chửi nhau như chưa bao giờ được chửi, trong khi đại diện hãng tàu xe cùng với đại diện Bộ Giao thông vận tải thì bá vai bá cổ nhau lên ti vi nói rằng về cơ bản đã giải quyết xong vấn nạn vé chợ đen, chúng tôi đã dùng sơn trắng quét tuốt luốt các loại chợ, giờ thì đừng hòng có chợ đen nữa nhé, Goodbye chợ đen, You Would Never Ask Me Why; và rằng, mua vé ư thật là dễ dàng, bạn có thể mua vé qua mạng hoặc đến các đại lý trên cả địa bàn thành phố mà không hề để lại sẹo, tha hồ mặc xịp đi bơi cùng bạn bè khắp nơi ới, thế và xin cảm ơn kem nghệ Nazarel cùng với sơn Nippon đã tài trợ chương trình này.

Năm đó tôi đã canh ngày còn hơn cả con gái canh tháng, đúng nửa đêm cái hôm bắt đầu bán vé tôi đã xông lên trên trang web, gõ địa chỉ staging.muavetaunazarel- nippon.com.vn rồi gõ Enter cái “cộp” rất ngầu. Nhưng tôi không thấy bán vé gì sất, tôi chỉ thấy cái hàng chữ “Connections Too Much, Nazarel, Please Come Back When latter, nippon” màu đỏ cứ vừa chạy ngang vừa nhấp nháy trên nền trắng, cùng với giọng một con mụ rỗi hơi cứ hát inh ỏi rằng “Ngày hôm nay thênh thang trên đường lớn, tàu anh đi yêu thương trong chào đón”…

(Trích trang 156-157 cuốn Trời hôm ấy không có gì đặc biệt - Phan An)

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm