Thấy gì từ cú vươn mình ra thế giới của điện ảnh Campuchia?

28/10/2013 18:09 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ trong vòng 5 tháng, điện ảnh Campuchia hai lần được xướng tên tại hai Liên Hoan phim (LHP) quốc tế: giải thưởng Một góc nhìn tại LHP Cannes tháng 5 và giải Nhà làm phim châu Á của năm tại LHP Busan tháng 10 vừa qua. Sự hồi sinh và phát triển của nền điện ảnh và thị trường chiếu bóng ở đất nước láng giềng này có nhiều điều khiến chúng ta phải giật mình! Đây là câu chuyện Tiêu điểm của tuần này.

Trong khoảng 20 năm qua, bằng những công việc cụ thể, Campuchia đã bắt đầu “lột xác” và đưa mình vào vị thế của nền điện ảnh có sản phẩm tranh giải tại các LHP quốc tế, mà Cannes hay Busan là những ví dụ.

Tiếp cận kỹ thuật phim ảnh từ thập niên 1920, nhưng điện ảnh Campuchia thực sự hình thành trong thập niên 1950. Từ 1960 đến 1975, với sự tham gia sản xuất và xiển dương của hoàng thân Norodom Sihanouk, Campuchia đã làm khoảng 400 bộ phim, rất tiếc, đa số đã bị phá hủy dưới thời Khmer Đỏ. Nhìn lại lịch sử điện ảnh, Campuchia gọi 15 năm này là thời hoàng kim, bởi có năm như 1971, họ sản xuất và trình chiếu đến 157 bộ phim tại 10 rạp ở Phnom Penh.

Bộ phim Lost Loves của Chhay Bora được gửi tranh giải Oscar năm 2013 cho hạng mục Phim tiếng nước ngoài hay nhất

Cuộc hồi sinh chậm

Từ năm 1990 đến 1994, mỗi năm Campuchia có hàng trăm bộ phim địa phương được phát hành; số tiền đầu tư chính đến từ UNTAC. Sang năm 1994, Chính phủ Campuchia thấy rằng phim trong nước quá dở so với phim nước ngoài nên không đầu tư ồ ạt và rộng rãi nữa.

Rithy Panh, đạo diễn Pháp - Campuchia, người được xướng tên hai lần trong năm nay tại LHP Cannes và Busan nói trên, xuất hiện chính trong thời điểm này. Là một nạn nhân của Khmer Đỏ, bộ phim Neak Sre (Dân lúa, 1994) của ông tranh giải tại LHP Cannes năm 1994, và tại Oscar lần thứ 67 cho Phim tiếng nước ngoài hay nhất. Tính chất tài liệu và quá trình tìm kiếm lại số phim bị Khmer Đỏ thủ tiêu đã làm cho Rithy Panh thành biểu tượng của sự bảo tồn và hồi sinh phim ảnh của Campuchia. Việc ông được nhiều LHP săn đón, trao giải (2012 là giải Un Certain Regard tại LHP Cannes) và được LHP Busan 2013 vinh danh là Nhà làm phim châu Á của năm là điều được tiên đoán từ cách đây cả 10 năm.

Mà Campuchia không chỉ có Rithy Panh. Năm nay, nhà sản xuất độc lập Chhay Bora với phim Lost Loves (tạm dịch: Lạc mất tình nhân) đã được gửi tranh giải Oscar năm 2013 cho hạng mục Phim tiếng nước ngoài hay nhất. Kết quả tranh giải thế nào không quan trọng bằng việc Chhay Bora là đại diện độc lập của giới làm phim mới, đang sống và làm việc ở Campuchia (khác với Rithy Panh hiện sinh sống và làm việc chính ở Pháp. Ông cũng tốt nghiệp trường điện ảnh tại đây sau khi rời khỏi trại tị nạn).

Nếu lấy năm 1993 - năm cuối cùng mà Chính phủ Campuchia còn đổ tiền để làm phim ồ ạt (giống như thập niên 1960 của thời Norodom Sihanouk) - thì đến nay, sau 20 năm, cuộc hồi sinh chậm và chắc chắn của nước này đến từ 3 nguồn. Thứ nhất là các nhà làm phim gốc Campuchia trở về với các dự án mà phim tài liệu là bản sắc và thế mạnh. Thứ hai, từ việc thuê phong cảnh và “phim trường” tại Campuchia của các nhà sản xuất phim quốc tế. Thứ ba, từ các nhà làm phim tư nhân và độc lập của Campuchia, vốn nổi lên trong khoảng 10 năm gần đây. Đây là bộ ba khá bền vững của một nền điện ảnh, nếu giữ được điều này, Campuchia sẽ còn đi xa hơn ra quốc tế.

Năm 2001, Fai Sam Ang làm phim Kon Pous Keng Kang (Con của mãng xà vương), hợp tác với Thái Lan, bộ phim đánh dấu sự trở lại và vượt thoát khỏi biên giới Campuchia kể từ thời kỳ Khmer Đỏ. Sau phim này, mối quan hệ của Campuchia và Thái Lan khắng khít được hai năm, đến 2003 thì mâu thuẫn về Angkor nổ ra, khiến họ phải chấm dứt. Chính khoảng trống này khiến các nhà làm phim Campuchia phải tìm hướng khác để tự lực cánh sinh. Năm 2005 họ tổ chức LHP tại Phnom Penh, cho thấy phim Campuchia dù lao đao nhưng không hề bế tắc. Những trở ngại như không được đào tạo về kỹ thuật, thiếu nhà phát hành hữu hiệu, lỏng lẻo về tác quyền… dù phổ biến nhưng đang được khắc phục.

Cuộc hồi sinh còn được thúc đẩy bởi rất nhiều cá nhân, nhóm, CLB làm phim nhỏ lẻ từ quốc tế đến đây cư trú. Họ đã mang theo nhiều thử nghiệm táo bạo, mới mẻ cho phim tài liệu, phim ngắn, video art và nghệ thuật thị giác nói chung. Bên cạnh đó là cơ chế thông thoáng của Chính phủ, nên dù họ rút đầu tư chính thì phim và nghệ thuật vẫn có cách phát triển riêng.

Từ 1994, phim Neak Sre (Dân lúa, 1994) của Rithy Panh đã tranh giải tại LHP Cannes, và tại Oscar lần thứ 67 cho Phim tiếng nước ngoài hay nhất. Nghĩa là Rithy Panh đã được chuẩn bị cho vinh quang về sau này. Các phim tiêu biểu gần đây của ông là Gibier D’élevage (2011), Duch, Master Of The Forges Of Hell (2012), và The Missing Picture (2013)


“Phim trường” Campuchia

Nếu trước đây các nhà làm phim phương Tây khoái “phim trường” tại Singapore, Thái Lan hay Việt Nam, thì bây giờ họ khoái Campuchia hơn, vì giá rẻ và tự do hơn.

“Phim trường” Campuchia từng được nhiều nhà làm phim quốc tế chọn quay, như Lord Jim của Peter O’Toole từ năm 1965. Từ năm 2000, khi Angelina Jolie tham gia phim Lara Croft: Tomb Raider, In the Mood For Love của Vương Gia Vệ đã làm Campuchia thành địa chỉ hấp dẫn hơn của nhiều đoàn phim quốc tế. Trước đó, là các đoàn phim như Apocalypse Now (1979), The Killing Fields (1984), The Adventurers (1995), One Evening After The War (France, 1998), Jirai Wo Fundara Sayonara (Step On A Mine And It’s All Over, 1999)…

Việc trở thành phim trường rẻ nhất khu vực đã giúp giới làm phim trong nước có dịp cộng tác, học hỏi và tích cóp được nhiều kinh nghiệm. Nhìn lại các phim nổi tiếng của Campuchia từ thập niên 1960 đến gần đây, như Tep Sodachan (1968), An Euil Srey An (1972), See Angkor And Die (1993), Dân lúa (1994), The Weird Villa (2004), Cây chuối ma (2005), Điện thoại sát nhân (2006), Human Or Ghost (2006), Vuth Learns To Rock (2008)… có thể thấy việc trở thành “phim trường” đã giúp họ trưởng thành như thế nào, đặc biệt về tư duy. Học theo Thái Lan, từ năm 2005, Campuchia chú trọng nhiều vào phim ma có kinh phí thấp để nuôi sống và duy trì nền điện ảnh đã tư nhân hóa cao độ, tự cân bằng thu chi.

Chom Vichet, chủ Hãng phim Abpi Monkul, cho biết phim địa phương hiện nay không thành công như trong quá khứ. “Có rất nhiều thứ là thách thức với chúng tôi trong sản xuất phim, nhưng quan trọng nhất là ngân sách thấp. Nếu các công ty sản xuất phim nước ngoài có thể chi hơn một triệu USD cho một phim kinh phí thấp, thì các giám đốc Khmer chi khoảng 30.000 USD cho một phim bình thường, nên chất lượng chắc chắn cách biệt. Vấn đề thứ hai là thiếu trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, thiếu đội ngũ chuyên viên lành nghề, nên Campuchia phải cố gắng gấp mấy chục lần nếu muốn làm một phim ngang đẳng cấp, kinh phí thấp của bên ngoài”.

Năm 2007, một tổ chức tư nhân là Camerado thành lập CamboFest - LHP độc lập đầu tiên tại Campuchia. Camerado khẳng định việc đào tạo và tuyển dụng nhân viên Khmer cho các vị trí quan trọng trong hãng phim, đoàn phim là việc phải được chú trọng lâu dài. Năm 2011, Phnom Penh xuất hiện hai trung tâm chuyên cung cấp phim tiếng Anh và tiếng Khmer với phụ đề tiếng Anh. Sự phát triển này bắt nguồn từ nỗ lực tiên phong của CamboFest. LHP Quốc tế Campuchia lần thứ 3 diễn ra từ 7 đến 12/12/2012 được quốc tế đánh giá là dấu ấn đáng chú ý

10 phim tiếng Khmer đáng nhớ nhất

Pous Keng Korng (Snake King’s Wife, 1960, đạo diễn Tea Lim Koun), Rous Dory Sabbay (Joy Of Life, 1968, King Norodom Sihanouk), Tep Sodachan (Tep Sodachan, 1968, Lay Ngounheng), Puthisen Neang Korngrey (12 Sisters, 1968, Ly BunYim), Thida Sork Pous (The Snake Girl, 1972, Dy Saveth), Sror Morl Anthakal (Shadow Of Darkness, 1987, Yvon Hem), Yob Mouy Kroy Sangkream (One Evening After The War, 1997, Rithy Panh), Tum Teav (2003, Fay Samang), Ne Sat Kror Per (The Crocodile, 2005, Mao Ayuth), Tek Chet Mday (Mother’s Heart, 2005, Poan Phoung Bopha).

Trên chuyên trang điện ảnh http://www.imdb.com/ tạm thống kê cho thấy có ít nhất 189 tựa phim của Campuchia có thể tìm kiếm. Cũng như văn học và một số môn nghệ thuật khác, thông tin về điện ảnh Campuchia với Việt Nam còn khá sơ sài. Mãi đến cuối tháng 6/2007 thì 4 bộ phim Campuchia là Hiếu thảo, Người mẹ quá cố, Tum Teav, Lòng mẹ mới lần đầu được chiếu chính thức tại rạp Diamond (TP.HCM). Đây là hoạt động thuộc khuôn khổ Tuần văn hóa Campuchia tại Việt Nam, nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập ngoại giao giữa hai nước.


VĂN BẢY (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm