“Thành phố và lũ chó” – cuốn sách từng bị đốt

23/12/2012 13:26 GMT+7 | Đọc - Xem

Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang

(Thethaovanhoa.vn) - Đọc tiểu thuyết Thành phố và lũ chó của nhà văn Mario Vargas Llosa - Người đạt giải Nobel văn chương 2010 (Nhã Nam & NXB Văn Học, 2012), nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang giới thiệu…

1. Năm 1962, khi còn dạng bản thảo, Thành phố và lũ chó đã nhận giải thưởng Thư viện Ngắn gọn của NXB Seix Barral. Năm 1963, ngay sau khi được ra mắt, 1.000 bản đã bị đốt trong một buổi lễ tại Trường Quân sự Leoncio Prado, gây nên vụ scandal lớn, nhưng cũng ngay lập tức, Thành phố và lũ chó được nhận giải thưởng dành cho tác phẩm hư cấu hay nhất bằng tiếng Tây Ban Nha, sau đó được dịch ra hơn 30 thứ tiếng.

Bìa cuốn sách Thành phố và lũ chó

“Lũ chó” được nói tới trong tiểu thuyết, nhằm chỉ những học viên mới trong Trường Quân sự Leoncio Prado, trước khi thành “chó già”, phải trải qua những áp chế, bạo lực, thủ đoạn tinh vi để tồn tại… để từ đó có mánh lới “trừng trị” bọn “chó con”, lớp học viên tiếp sau.

Nhập vai vào một cậu học viên non trẻ chân ướt chân ráo bước vào trường quân sự, mà chẳng khác gì một trại tập trung ngược đãi con người, tác giả đã chọn cách kể chuyện tuồng như sắm vai non nớt: “Nó thầm ghen tị với những học viên khác đang ngủ, với những hạ sĩ quan, với những người lính đang nằm rét run trong những nhà mái vòm ở phía bên kia sân vận động. Nó biết nỗi sợ hãi sẽ làm toàn thân nó tê liệt nếu không hành động kịp thời.” (T19).

Cách kể chuyện đó đã cuốn hút người đọc vào mọi góc đáy cũng như mọi hồi ức của các nhân vật chính như: Trăn, Alberto, Báo Đen. Câu chuyện hiển hiện như thể diễn ra trong một bộ phim đen trắng sắc nét với nhiều góc máy quay. Mỗi hành động nhân vật lại có thể được nhìn ngắm từ nhiều góc độ…

Trong một tiểu thuyết, nhập vai nhiều người, không phải là chuyện đơn giản với người viết văn. Đơn thuần, nhà văn sẽ chọn cho mình là một người kể chuyện. Các suy nghĩ sẽ từ người kể chuyện đẩy ra, còn các nhân vật khác, cũng được suy diễn từ cái nhìn đó. Thế nhưng, với Mario Vargas Llosa, ông đi vào trong lòng từng nhân vật để “moi não, moi tim” cùng các ký ức, suy nghĩ, cảm xúc để viết ra thành văn.

2. Theo tự sự từ chính tác giả, ông viết Thành phố và lũ chó vào năm 1958 tại Madrid. Để có cốt truyện này, Mario Vargas Llosa đã lấy từ chính tuổi thơ của mình với một chút “của anh chàng người rừng Cava và của Nô Lệ, là học viên Trường Quân sự Leoncio Prado”.

Thời niên thiếu, ông đã đọc nhiều sách phiêu lưu mạo hiểm cũng như tin tưởng vào học thuyết của Sartre, yêu thích tác phẩm của Malraux cùng “niềm kính phục vô biên đối với các nhà văn Mỹ thuộc thế hệ lạc loài”.

Bản thảo Thành phố và lũ chó trước khi chính thức xuất bản đã phải chịu sự từ chối của hết nhà xuất bản này đến nhà xuất bản khác bởi khó thể qua mặt được “chế độ độc tài Franco ở Tây Ban Nha thời đó”.

Bạn nên đọc tiểu thuyết này, để biết thêm về nhà văn đã đạt giải Nobel Văn chương 2010; biết thêm vì sao chính ông lại cảm thấy bất ngờ vì chính sáng tác của mình. Ông từng nói “đây là tặng vật trời cho, nhờ nó mà tôi mới bắt đầu cảm thấy giấc mơ từ thuở mặc quần đùi của mình đã biến thành sự thật: một ngày nào đó mình sẽ thành nhà văn”. (Fuschl, tháng 8 năm 1997).

Nguyễn Quỳnh Trang
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm