Thạc sĩ Nguyễn Thành Nhân (Cục NTBD): Đừng nghĩ luật là “chiếc gậy thần”

03/01/2013 08:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Từ ngày 1/1/2013, Nghị định số 79/2012/NĐ-CP về “Biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu” chính thức có hiệu lực. Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định này cũng đang chờ Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL ký.

Nhân thời điểm Nghị định 79 có hiệu lực, TT&VH có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Thành Nhân - Trưởng Phòng Quản lý - Cục Nghệ thuật Biểu diễn.

Hàng lang pháp lý để hoạt động lành mạnh

* Thưa ông, từ 1/1/2013, Nghị định 79 có hiệu lực, công luận đang hy vọng, hoạt động biểu diễn sẽ được “lành mạnh hóa”, đi vào nề nếp.

- Phải nói rằng, không phải khi Nghị định ra đời hoạt động biểu diễn nói chung mới đi vào nề nếp. Thời gian qua, một số hành động, phát ngôn của một bộ phận “người của công chúng” gây phản cảm và bức xúc trong công luận. Tôi thì cho rằng, một số ít đó là có thể chấp nhận được. Nhưng một khi Nghị định ra đời, có hành lang pháp lý để người quản lý cũng như các nhà tổ chức, cá nhân có “cẩm nang” biết được hoạt động gì và sẽ bị điều chỉnh như thế nào. Đúng như bạn nói, hành lang pháp lý đó sẽ góp phần làm cho đời sống văn hóa - giải trí lành mạnh hơn.

* Nghị định được đánh giá là “cởi mở” hơn, điều đó liệu có mâu thuẫn với sự bung nở của những hành vi phản cảm trên sân khấu biểu diễn nói riêng và trong đời sống văn hóa nói chung thời gian này?

- Nghị định 79 có ba điểm lớn. Nghị định thâu tóm toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật trước đây (Nghị định 103, Quy chế 47, Quy chế 55 và Quy chế 87) vào một nghị định. Trước đây phải tìm tới bốn văn bản về biểu diễn nghệ thuật, thi hoa hậu, người đẹp…

Thứ hai, về mặt cải cách các thủ tục hành chính, bỏ được thủ tục giấy tiếp nhận biểu diễn. Việc bỏ giấy tiếp nhận biểu diễn nhằm nâng cao trách nhiệm của đơn vị cấp phép. Nếu thêm một địa phương khác cấp giấy tiếp nhận thì rõ ràng chồng chéo, lỏng lẻo. Theo Nghị định, một cơ quan cấp phép phải chịu trách nhiệm đến cùng. Nó chỉ thoáng hơn với đơn vị nghiêm chỉnh. Với đơn vị sai sót, có khi còn bị “soi” rất kỹ.

Thứ ba, Nghị định phân cấp cho địa phương cấp, phát hành và dán tem nhãn. Một năm cục cấp 20 triệu tem nhãn, chủ yếu cho phía TP.HCM. Thực tế, sau khi có giấy phép, Sở VH,TT&DL TP.HCM lại phải có công văn gửi Cục xin cấp tem nhãn. Cục lại phải gửi các cơ quan chức năng xin in và cuối cùng, hàng chục triệu tem nhãn nói trên lại phải vượt 2.000 km đến TP. HCM.

Theo Nghị định 79, 30 loại thủ tục hành chính trong lĩnh vực biểu diễn, trình diễn thời trang, lưu hành băng đĩa… sẽ được đơn giản hóa tới 50%, giảm thời gian xuống còn từ 2-5 ngày.

Tất nhiên, Nghị định này có thể sẽ dừng lại ở thời gian 4-5 năm nữa, bắt buộc phải có Luật Nghệ thuật Biểu diễn. Trong khi chưa có Luật thì Nghị định để quản lý và cải cách là cần thiết.

Tăng mức phạt nhưng không mang tính sát phạt

* Việc thông thoáng về thủ tục hành chính có thể được các đơn vị tổ chức biểu diễn ủng hộ. Nhưng đơn cử như việc bỏ giấy tiếp nhận, Sở VH,TT&DL Hà Nội có ý kiến là không hợp lý. Thực tế, nhiều đơn vị tổ chức gây lùm xùm thời gian qua đều xin giấy phép ở một Sở địa phương rất xa, sau đó đến HN và TP.HCM biểu diễn. Vụ công ty Thanh Phong quảng cáo mạo danh, lừa khán giả ở Bến Tre là một ví dụ. Liệu việc thông thoáng nói trên có “tiếp tay” cho các đơn vị vi phạm, thưa ông?

- Tôi lại nghĩ ngược lại. Việc thông thoáng này lại góp phần tăng cường quản lý. Nếu vụ việc ở Bến tre bỏ qua thủ tục tiếp nhận chỉ có Sở TP.HCM - đơn vị cấp giấy phép lưu diễn cho công ty Thanh Phong - giải quyết thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn. Việc ở Bến Tre xảy ra đập phá thì xử lý hình sự theo đúng pháp luật. Sai ở địa bàn nào thì xử lý ở đó.

* Dư luận cho rằng, việc xử phạt hành vi vi phạm dừng ở mức vài triệu đồng đối với các ca sĩ có cát-sê hàng chục triệu là quá nhẹ nên không có tính răn đe. Ông nghĩ sao về điều này?

Đừng nghĩ luật là “chiếc gậy thần”. Theo tôi, cơ quan quản lý cần tổ chức các khóa tập huấn để các nghệ sĩ, người mẫu... nhận thức hành vi nào lệch chuẩn văn hóa, nên làm gì và không được phép làm gì (Thạc sĩ Nguyễn Thành Nhân)

- Số ca sĩ có cát-sê hàng chục triệu đồng chỉ đếm trên đầu ngón tay trong khi thù lao của đa số nghệ sĩ ở ta bây giờ chỉ từ 50 đến 100 ngàn đồng. Xử phạt nếu mang tính sát phạt còn dễ gây phản cảm hơn. Ví dụ, sau khi bị phạt và bị dư luận lên tiếng, Minh Hằng đã xin lỗi công chúng, Thu Minh bây giờ chú ý mặc đẹp hơn. Thực tế, chưa có trường hợp bị xử phạt mà sinh ra thế này thế kia. Nghị định 75 có thể sẽ nâng mức phạt, nhưng không nặng như một số người đang nghĩ.

* Nghị định 79 đã thâu tóm được nhiều lĩnh vực hoạt động như ông vừa nói, nhưng thựctế, có những hành vi vẫn chưa xử lý được, đơn cử như vụ Hồng Quế mặc phản cảm ở LHP Quốc tế Hà Nội?

- Đó không thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nên không thể xử lý theo Nghị định này.

* Hồng Quế là người mẫu nên ngay sau sự cố nói trên, cô ấy lại trở lại sàn diễn, lại xuất hiện trên truyền thông. Trong khi ở Hàn Quốc, vì hành vi đó, chủ thể có thể bị cấm xuất hiện dưới bất kỳ hình thức nào?

- Trong xã hội hội nhập, mọi sự phát triển về văn bản pháp luật có thể còn chênh. Hy vọng thời gian sẽ đồng bộ hơn nữa.

>> Bài tiếp: Phản hồi của người trong ngành với Nghị định 79

Hà Chi (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm