Tập tục trinh tiết (Bài 2): Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường

16/10/2013 17:09 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Quan niệm về thân phận người phụ nữ trong chế độ mẫu hệ và phụ hệ khác hẳn nhau, do đó quan niệm về trinh tiết cũng khác nhau.

Chế độ mẫu hệ trong các sắc tộc Tây Nguyên dẫn đến sự sở hữu thuộc về phái nữ, phụ nữ sẽ chủ động cưới chồng, và có những sắc tộc, người chồng sẽ ở nhà vợ. Tuy nhiên, vai trò đàn ông không phải không lớn, vì họ là lực lượng lao động chính, chiến binh và già làng, nghĩa là đàn ông vẫn quyết định những động lực của cộng đồng làng bản. Điều này có thể dẫn đến tập tục nối dây (chuê nuê), nghĩa là nếu người đàn ông chủ nhà chết, anh em, cháu chắt sẽ lấy bà vợ của ông ta, để bà ấy không đi khỏi nhà và mang theo những phần sở hữu của mình, thậm chí nếu không vậy, những đàn ông khác có thể phải đi khỏi nhà. Trong trường ca Đam San, theo tục nối dây, Đam San đã phải lấy cả hai chị em H’Nhi và H’Bhi, vốn là vợ của ông mình. Dù hai cô gái đó cũng chạc tuổi Đam San, nhưng chàng hết sức bất mãn, vì cái đó không phải là tình yêu. Chúng ta vẫn không hiểu hết ý nghĩa của tập tục nối dây, vì chúng đã chấm dứt từ rất lâu, trước khi người ta có thể xâm nhập vào xã hội các sắc tộc Tây Nguyên.

Người Ê đê từng có phong tục " nối dây". Theo tục nối dây, chàng trai Đam San trong sử thi cùng tê đã phải lấy vợ của ông mình làm vợ, hai chị em H'Nhi và H'Bhi


Đối với người Kinh (Việt) vai trò của cô dâu trưởng là hết sức quan trọng, để có thể duy trì nòi giống và hòa hợp anh em gia đình với cả họ hàng. Cô ta không có sở hữu gì, nhưng sau khi trở thành bà mẹ thì có nghĩa làm chủ gia đình, quyết định các hoạt động kinh tế và quan hệ xã hội trong phạm vi gia đình. Như vậy câu chuyện tiết hạnh đương nhiên phải đề cao, phúc đức tại mẫu, hay con hư tại mẹ, cháu hư tại bà, chính là chỗ này. Người nông dân Việt do đó rất thận trọng khi cưới vợ cho con, điều này dẫn đến sự lựa chọn Thọ Mai gia lễ, hay những quy tắc ngặt nghèo của Nho giáo với thân phận đàn bà. Người phụ nữ mang thai ngoài giá thú sẽ phải phạt vạ khao làng, câu chuyện được nhắc đến trong vở chèo Quan âm Thị Kính. Đàn ông đàn bà bị bắt về tội ngoại tình hình phạt nặng nhất là buộc cả hai vào bè chuối thả trôi sông. Ở Trung Quốc có một hình phạt tàn bạo với tội đó, là buộc cô gái vào một cái yên ngựa gỗ, giữa yên ngựa có cắm một cái dương vật bằng gỗ. Nó sẽ xỏ vào… người cô ta và người ta sẽ quất con ngựa chạy lồng lên. Tập tục ném đá cho đến chết người ngoại tình trong một số xã hội Hồi giáo cũng có nét tàn bạo tương tự. Có lẽ riêng việc và đồ nghề hình phạt tội thất tiết có thể viết được cả một cuốn sách, thế mới biết loài người từng quan trọng vấn đề này thế nào.


Chử Đồng Tử và Tiên Dung điển hình cho câu chuyện tự do yêu đương thời phong kiến

Nhìn xa hơn trong lịch sử với các truyền thuyết thì thấy người Việt không hề có quan niệm trinh tiết từ cổ xưa. Trong truyền thuyết đầy rẫy chuyện con hoang trở thành thánh. Ví dụ chuyện Thánh Gióng vốn do bà mẹ ướm thử lốt chân khổng lồ mà thụ thại, chuyện Man Nương, sư Khâu Đà La vô tình bước qua cô gái mà cô ta mang thai với nhà tu hành, chuyện Vua Lý Thần Tông và sư Khổng Minh Không cũng vậy, hơn nữa những chuyện tự do yêu đương luyến ái cũng không thiếu, điển hình là chuyện Tiên Dung và Chử Đồng Tử, ngẫu nhiên nàng gặp chàng khỏa thân trong bãi cát… Ấy thế mà, nếu chúng ta đến đền thờ Tiên Dung và Chử Đồng Tử (đền Đa Hòa) thì ngài còn có cả vợ hai. Với người Mường, người anh em xa xưa của người Việt, vấn đề trinh tiết không được đặt ra, ít nhất về mặt lý thuyết. Các lang Mường có thể lấy nhiều vợ, khi quan lang khác đến chơi có thể được chủ nhà tiếp đãi bằng cách cho chọn một trong những thê thiếp làm bạn hầu rượu, ngược lại họ cũng phải tiếp đón như vậy khi lang chủ nhà viếng thăm đáp lễ. Câu chuyện nghe có vẻ rất xa lạ với tập tục của người Kinh (Việt), nhưng trên thực tế, căn nhà sàn của người Mường tự thân nó nói lên vấn đề sinh hoạt tình dục ở đây được quan niệm rất khác, chủ yếu là duy trì nòi giống trong hôn nhân, không hề mang tính thưởng ngoạn, khi đại gia đình sống trên một mặt sàn duy nhất không có buồng và vách ngăn. Tất cả phụ nữ Mường đều phải học cách thay đồ trong cái váy dài, cái váy chính là căn nhà của họ, và họ cứ việc đứng bất kỳ đâu thay nội y trong tấm váy đó.

Tập tục trinh tiết xem ra có vẻ khó khảo sát đối với các sắc tộc, và trước khi Nho giáo thống trị, nó có được người Việt coi trọng hay không? Lễ hội Trường Yên cổ xưa còn có màn giao hoan trên bè giữa vai diễn đóng Lê Hoàn và Dương Vân Nga, Lễ hội Gà phủ ở Phú Thọ, nam nữ đóng lốt gà trống mái đạp nhau, sau đó trong ngày hội được tự do luyến ái… và nhiều lễ hội dân gian mang tính phồn thực khác khiến chúng ta phải nghi ngờ về những quy chế Nho giáo có thật sự ngấm đến tận các làng xã thời phong kiến. Chúng tôi cho rằng tập tục này mới hình thành từ thế kỷ 15 và kéo dài cho đến những năm 1970, với 500 năm tồn tại nó đã khắc sâu vào xã hội Việt Nam nét đẹp của chế độ gia đình nề nếp, nhưng cũng là nét hà khắc của chế độ phong kiến cũ, với định kiến nặng nề về người phụ nữ. Cái mâu thuẫn về việc giải phóng phụ nữ và giữ gìn đạo đức gia đình chưa hề được lý giải cho thấu đáo dẫn đến nhiều ách tắc xã hội hiện nay.

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm