Tập truyện 'Người bắt chim lợn': Hiện thực tào lao và siêu thực kiểu Murakami

10/11/2013 13:42 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - “Ảnh hưởng của Murakami? Hồi trước nhiều, giờ đỡ rồi” – Hoàng Nhật chia sẻ. Sau cuốn sách đầu tay, tác giả sinh năm 1988 khẳng định sẽ tiếp tục viết theo lối siêu thực, như trong truyện ngắn chủ đề Người bắt chim lợn.

Mà siêu thực thì chẳng phải cũng là lối viết của Haruki Murakami – (một trong những) nhà văn yêu thích nhất của Hoàng Nhật, cũng là của nhiều người viết trẻ, hoặc không còn trẻ.

Chủ đề của Hoàng Nhật, không xa lạ gì, chính là giới trẻ đô thị, cả đời sống tâm hồn lẫn thể xác. Có thể nói là “những chuyện tào lao bên ly trà đá” như một nhà báo đã nhận xét. Luôn có một nhân vật nam chính và một hoặc nhiều nhân vật nữ (chính hoặc phụ). Tất nhiên nhân vật nam dễ gợi liên tưởng đến chính tác giả.


Bìa cuốn sách Người bắt chim lợn.

Yếu tố siêu thực của tác giả 8X này thể hiện rõ nhất qua truyện ngắn Người bắt chim lợn, kể về một công việc kỳ quặc: rình bắt chim lợn. Chi tiết đứa bé đã chết bị đàn chim lợn mổ xác tan tành thực sự ấn tượng và cả câu này: “Bố thằng nhỏ gần như phát điên sau vụ đó. Ông ta thề sẽ moi họng từng con chim để đòi lại các bộ phận của đứa con tội nghiệp”.

Lối  kể của Hoàng Nhật mang dáng dấp của Murakami. Nhưng trong văn chương, chịu ảnh hưởng không phải là chuyện xấu. Chính Murakami cũng chịu ảnh hưởng của rất nhiều nhà văn quốc tế.

Đọc văn Murakami, nếu hợp gu, dễ bị ông “ám”. Các nhân vật, chất siêu thực, những tình tiết của ông, dễ đi vào đầu người đọc từ lúc nào không hay. Và nếu người đọc còn là người viết thì văn của họ cũng bị “ám” ở một chừng mực nào đó. Hoàng Nhật thừa nhận, anh cố tách khỏi sức ảnh hưởng của Murakami và hy vọng là thành công.

Ngoài ra, yếu tố này cũng xuất hiện rải rác trong các truyện ngắn còn lại, chẳng hạn Chiếc ghế xấu hổ, kể về chiếc ghế biết đỏ mặt và tự động úp lại khi chứng kiến chuyện mây mưa của chủ nhân. Hay truyện Tình công sở thật ngang trái, khi một chàng lập trình viên xấu trai viết ra một phần mềm khiến tất cả các cô gái yêu mình.

Văn của Hoàng Nhật được nhận xét là trào phúng. “Hồi mới viết thì lãng mạn nồng nàn hơn, càng viết càng có có cảm hứng châm biếm trào phúng” – tác giả tự nhận.

Quả thực là có châm biếm, nhưng chưa đến nỗi sâu cay đắt đỏ. Chẳng hạn, tác giả nhiều lần nhắc đến trang báo mạng Đàn bà ngày nay như là “báo mạng lá cải bậc nhất Việt Nam”, có lẽ bất cứ độc giả nào cũng hiểu là ám chỉ trang báo nào ngoài đời. Chất trào phúng đó đủ để pha trò trên facebook, nhưng chưa “đủ đô” với văn chương. Độc giả khó tính sẽ không thỏa mãn chỉ với chừng đó.

Tác giả Hoàng Nhật hiện làm việc trong ngành truyền thông, là quản trị viên của trang web Truyenngan.vn.

Tập truyện Người bắt chim lợn dày 213 trang, gồm 15 truyện ngắn, do Phương Nam Book và NXB Phụ nữ ấn hành năm 2013.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm