'Tận thu' tác quyền nhạc phim

08/07/2013 14:04 GMT+7 | Âm nhạc


(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin về việc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc VN tiến hành thu bản quyền nhạc phim tại các rạp chiếu bóng đang khiến dư luận... ngỡ ngàng. Bởi theo cách hiểu mặc định hiện nay, mức phí này vẫn được nhà sản xuất thanh toán “trọn gói” cho tác giả, sau đó toàn quyền sử dụng.

Một số rạp chiếu phim tại TP. HCM đã lên tiếng về điều này, sau khi nhận được công văn đề nghị thu phí từ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc VN (VCPMC). Theo công văn, việc thu tác quyền âm nhạc tại rạp chiếu phim được áp dụng cho ba trường hợp: nhạc phát tại sảnh, nhạc phát trong thời gian chờ (khi sắp chiếu hoặc nghỉ giai lao) và... nhạc sử dụng trong phim.

Bỗng dưng muốn… thu?

Vắn tắt, với quan điểm chung của phía các chủ rạp, đề nghị trên là hoàn toàn vô lý. Theo một số điều khoản của Luật Sở hữu trí tuệ được họ đưa ra, sau khi bỏ tiền mua bản quyền âm nhạc được sử dụng cho phim, nhà sản xuất có quyền khai thác phần âm nhạc này theo mục đích kinh doanh của mình. Và nếu đã nhận mức phí này, việc các tác giả âm nhạc tiếp tục... đòi tiền lần nữa (thông qua VCPMC) là hoàn toàn vô lý.

“Chúng tôi có quyền chính đáng trong việc này. Không phải bỗng dưng,  VCPMC... ngồi nghĩ ra việc thu tác quyền tại các rạp chiếu phim” - nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC, trả lời TT&VH. Cụ thể hơn, luật sư Phạm Thanh Thủy (đại diện pháp lý của VCPMC) cho biết: Các hình thức thu phí âm nhạc như vậy đã được áp dụng tại một số quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore. Và trung tâm cũng đã tham khảo ý kiến, đồng thời được sự đồng ý của khá nhiều nhạc sĩ VN khi tiến hành công việc này.

Đề nghị thu phí nhạc phim có thể gặp sự phản đối rất mạnh từ các chủ rạp. Ảnh: TTXVN
Thực tế, việc thu tiền tác quyền âm nhạc trong thời gian... không chiếu phim (ngoài sảnh hoặc trong lúc chờ) phần nào được dư luận tạm hiểu nó giống như phí tác quyền sử dụng tác phẩm âm nhạc ở nơi công cộng. Còn lại, theo luật sư Thủy, việc thu phí âm nhạc khi sử dụng trong bộ phim, phụ thuộc khá nhiều vào hợp đồng thỏa thuận giữa nhà sản xuất và tác giả viết nhạc.

“Nếu tác giả kí hợp đồng cho phép nhà sản xuất toàn quyền sử dụng phần âm nhạc của mình trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh, thì tất nhiên không ai được phép đòi tác quyền nữa” - bà Thủy cho biết - “Ngược lại, nếu hợp đồng không quy định rõ ràng, bên cạnh tiền tác quyền cho việc sáng tác nhạc phim (hoặc cho phép nhà sản xuất sử dụng tác phẩm âm nhạc sẵn có của mình), tác giả có quyền đề nghị thanh toán theo phạm vi sử dụng. Chẳng hạn, mức tác quyền khi phim được công chiếu thêm tại nước ngoài sẽ phải khác với việc phim chỉ được chiếu tại VN”.

Khó thu phí bản quyền nhạc phim

Với việc các ý kiến phản đối dẫn ra các khoản 2,3 của điều 21 Luật Sở hữu trí tuệ về vấn đề này (phía sản xuất phim có quyền công bố tác phẩm và phải trả thù lao cho tác giả), bà Thủy cũng nhắc tới khoản 1 của điều 21. Theo đó, bên cạnh việc được hưởng các quyền theo khoản 1, 2, 4 của điều 19 (bảo vệ tính toàn vẹn, không cắt xén của tác phẩm), tác giả nhạc phim còn được hưởng “ các quyền khác theo thỏa thuận”.

Như lời bà Thủy, nhiều tác giả viết nhạc phim đã ủy quyền cho VCPMC thu phí, khi hợp đồng kí kết với nhà sản xuất không có những quy định rõ ràng về phạm vi khai thác. Lần gần nhất, nhạc sĩ Ngọc Đại cũng đã nhờ VCPMC giải quyết vụ việc rắc rối về tác quyền với một nhà sản xuất phim, khi mà bộ phim (có năm đoạn nhạc do ông viết) tiếp tục công chiếu tại nước ngoài, sau lần công chiếu tại VN.

Một đại diện khác của VCPMC cũng cho biết thêm: Cách đây vài năm, VCPMC đã gửi công văn đề nghị thu phí nhạc phim tới một số rạp chiếu khác nhau. Tuy nhiên, do chưa có điều kiện triển khai đồng bộ, nên công việc này chưa được thực hiện trên phạm vi toàn quốc, dẫn tới việc dư luận cho rằng VCPMC bắt đầu “nghĩ ra” việc này để áp dụng với các rạp chiếu phim... làm ăn được.

Khi những tranh luận đúng - sai quanh việc thu phí tác quyền này chưa có hồi kết, người ta chỉ thấy trước một “tác dụng phụ” của câu chuyện: Những hợp đồng kí kết giữa nhà sản xuất và tác giả nhạc phim trong thời gian tới sẽ được soạn thảo một cách cụ thể, chi tiết và chặt chẽ hơn rất nhiều, để tránh những rắc rối có thể phát sinh. Và đương nhiên, VCPMC sẽ rất khó trong việc “tận thu” tác quyền nhạc phim...

Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa


Trao đổi với TT&VH, đại diện Trung tâm Chiếu phim Quốc gia cho biết: Đơn vị này từ nhiều năm nay đã nhận được công văn của VCPMC về mức phí trên. Và theo yêu cầu của VCPMC, mỗi năm, trung tâm này đã trả cho VCPMC hơn 10 triệu đồng tiền tác quyền cho phần âm nhạc được phát ngoài sảnh hoặc trong thời gian chờ chiếu. Tuy nhiên, về phần âm nhạc trong phim, đại diện trung tâm cho rằng VCPMC phải “nói chuyện” với nhà sản xuất - vì đây mới là đối tượng chịu mọi trách nhiệm về vấn đề bản quyền trong phim.
 
Ngược lại, đại diện của MegaStar và BHD mới chỉ nhận công văn của VCPMC gần đây và tạm thời chưa thể trả lời TT&VH về việc này.

Ngọc Diệp


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm