Tầm nhìn xa của Đảng về vai trò của văn hóa

18/09/2013 14:31 GMT+7 | Văn hoá


Ngày 18/9, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội thảo khoa học “70 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam”.

Ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đến dự và phát biểu.tại hội thảo. (Nguồn: TTXVN)

Đến dự và phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Bản Đề cương Văn hóa Việt Nam do đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng soạn thảo, là văn kiện có giá trị vô cùng to lớn và ‎‎ ý nghĩa lịch sử sâu sắc của Đảng ta, được coi là Tuyên ngôn của Đảng về một nền văn hóa dân tộc, khoa học, đại chúng mà chúng ta xây dựng.

70 năm đã đi qua, dân tộc ta, Đảng ta đã trải qua những chặng đường gian khổ, hào hùng, làm nên những thắng lợi vẻ vang. Bối cảnh tình hình và điều kiện cụ thể đã có nhiều đổi thay nhưng những nội dung cốt lõi của Đề cương Văn hóa Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị.

Đồng chí Đinh Thế Huynh nêu rõ: Trong bối cảnh xã hội Việt Nam lúc đó, “văn hóa nửa phong kiến, nửa tư sản và hoàn toàn có tính cách thuộc địa” đang thống trị, sự ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam là ngọn đuốc soi đường và định hướng tư tưởng, nhận thức, phương châm hoạt động văn hóa cho toàn Đảng, toàn dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc, tiến lên xây dựng chế độ mới, nền văn hóa mới.

Đề cương Văn hóa năm 1943 đã cổ vũ, lôi cuốn đông đảo những người yêu nước, những người hoạt động văn hóa yêu nước vào Hội Văn hóa cứu quốc, thành viên của Mặt trận Việt Minh. Đảng ta khẳng định: “Những phương pháp cải cách văn hóa đề ra bấy giờ chỉ là dọn đường cho cuộc cách mạng triệt để mai sau”, tức là chuẩn bị cho “cách mạng chính trị thành công”.

Đề cương khẳng định: “cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo”. Ba nguyên tắc, ba tính chất cơ bản của nền văn hóa Việt Nam lúc đó và các giai đoạn tiếp theo là: “Dân tộc hóa”, chống mọi ảnh hưởng của nô dịch và thuộc địa, làm cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập, tự do và nhân văn. “Đại chúng hóa” là chống mọi chủ trương, hành động làm cho văn hóa phản lại lợi ích của đông đảo quần chúng hoặc xa rời đông đảo quần chúng. Văn hóa là của quần chúng, quần chúng nhân dân là người sáng tạo văn hóa. “Khoa học hóa” là chống lại tất cả những cái lạc hậu, phản khoa học, phản tiến bộ, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tiến về phía trước.

Đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị Hội thảo tập trung thảo luận làm sâu sắc hơn sự cần thiết, như một tất yếu, việc ra đời Đề cương Văn hóa Việt Nam ở thời điểm 70 năm trước; tầm nhìn xa, trông rộng của Đảng ta về vị trí, vai trò, tầm quan quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Hội thảo phân tích những quan điểm, nguyên tắc, giá trị to lớn, trường tồn của Đề cương Văn hóa năm 1943. Đó là nguyên tắc Đảng lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo văn hóa; các nguyên tắc, tính chất “dân tộc”, “khoa học”, “đại chúng” của văn hóa Việt Nam; việc vận dụng, tiếp thu và bổ sung, hoàn thiện những quan điểm, chủ trương của Đảng ta về văn hóa trong Đề cương Văn hóa 1943 trong quá trình 70 năm qua, thể hiện trong các văn kiện của Đảng, nhất là trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Từ việc nhìn lại, hội thảo đánh giá sâu sắc hơn tầm vóc, vai trò vô cùng to lớn của bản Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943, tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa. Qua đó rút ra những bài học, đề xuất, bổ sung, hoàn thiện các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để phát triển nền văn hóa của đất nước trong thời gian tới, để văn hóa thật sự vừa làm mục tiêu, vừa là động lực phát triển đất nước, là nền tảng tinh thần xã hội, góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Tại Hội thảo, hơn 20 tham luận của các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản l‎ý văn hóa đã tập trung làm rõ các nội dung: Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 - Cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng ta; Ý nghĩa trường tồn, giá trị lịch sử, lý luận và thực tiễn, tầm nhìn chiến lược và tính thời sự của Đề cương Văn hóa Việt Nam; Từ Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 đến Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa…

Nhiều tham luận đã có nhiều phát hiện mới và kiến nghị bổ ích; phân tích, khẳng định tầm tư duy chiến lược của Đảng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hội thảo là dịp để khẳng định những giá trị soi đường, tác dụng định hướng của bản Đề cương lịch sử này, nhận thức đầy đủ hơn trách nhiệm, vận dụng những chủ trương đúng đắn, kinh nghiệm quý báu của Đảng ta vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn hiện nay.


Hương Thủy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm