02/07/2013 09:01 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang vừa tinh gọn và tái diễn vở cải lương tiền tỷ Chiếc áo thiên nga (KB: Lê Duy Hạnh, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt, ĐD: NSƯT Hoa Hạ) tại Nhà hát thành phố tối 30/6 vừa qua; và sẽ diễn định kỳ (ít nhất mỗi tháng một lần) tại sân khấu Sen Hồng (TP.HCM). Mục đích của việc làm này là để chứng minh cải lương không chết.
1. Nhà biên kịch Lê Duy Hạnh (Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam) nói rằng đã có những hội thảo để đi đến khẳng định rằng cải lương không chết và không thể chết, nên cần có những hoạt động thiết thực để cho nó hiện diện. Bằng cách chọn ra những tác phẩm mẫu mực, được dàn dựng bài bản, do nghệ sĩ nổi tiếng thể hiện, có như thế thì cải lương mới chứng tỏ được vị thế của mình trong thời đại mới.Ông Phan Quốc Hùng (GĐ Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) thì hy vọng rằng, dưới sự chỉ đạo của Sở VH,TT&DL TP.HCM, sự tài trợ và đồng hành của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, vở này sẽ đạt được 100 suất thông qua hình thức lưu diễn ở nhiều nơi.
Cảnh trong vở Chiếc áo thiên nga phiên bản rút gọn |
Cắt nghĩa sự sa sút của cải lương là một việc rất khó, vì nó liên quan đến nhiều lĩnh vực, không chỉ của sân khấu, mà còn có cả ngành tâm lý học tiếp nhận và xã hội học nghệ thuật. Mà hai ngành này, tại Việt Nam mới manh nha trong khái niệm, chưa thể đem ra ứng dụng và rút ra các kết luận mang tính khoa học.
Có một thực tế cũng cần đề cập, đó là tiết tấu của cải lương thường chậm rãi, có khi bị coi là “rề rà”. Yếu tố này ngày nay có khi không phù hợp với tâm lý tiếp nhận cần nhanh gọn của đa phần khán giả trẻ, nên dễ lạc lõng. Rõ ràng, công nghệ, phim ảnh, sân khấu và tiết tấu chung của nhiều ngành nghệ thuật đã nhanh lên rất nhiều, nhưng cải lương thì vẫn chậm chạp, khó tìm khán giả cũng là một lý do.
Theo GS Trần Văn Khê: “Cải lương là sửa đổi cho trở nên tốt hơn”; còn theo Vương Hồng Sển thì: “Người ta nghe hát bội hoài, hát bội mãi, cũng chán tai nên các ban tài tử đờn ca xuất hiện”. Rõ ràng cải lương từng làm nên cuộc cách mạng với hát bội (hát bộ, tuồng), với cả dân ca đồng bằng sông Cửu Long và nhạc tế lễ. Vì mới nên nhiều người hiếu kỳ, rồi mộ điệu và lập chuẩn từ đầu thế kỷ 20. Sau một thế kỷ, cải lương đã thành mẫu mực, hết tính cách mạng, mà tự thân cũng ít biến đổi cho hợp thời, nên mất khán giả, cũng là một lý do.
2. Đêm diễn 30/6 vừa qua, NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Quế Trân, NSƯT Hùng Minh, rồi Tú Sương, Vũ Luân, Lê Tứ... đều có “fan cuồng” đến xem. Khi họ xuất hiện thì nhóm này hò hét, cổ vũ. Phần còn lại là khách mời (khá đông) và những khán giả lớn tuổi.
Cũng xin nhắc lại, năm 2008, Chiếc áo thiên nga được Hoa Hạ dàn dựng với kinh phí khoảng 2,7 tỷ đồng, diễn tại Nhà thi đấu Quân khu 7 (TP.HCM) có sức chứa hơn 4.000 khán giả. Bản dựng lần này (với 200 triệu của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, 200 triệu của Sở VH,TT&DL TP.HCM, cùng vài tài trợ khác) phải tiết chế tối đa “chiêu trò” hoành tráng để đi vào chiều sâu tâm lý nhân vật. Phiên bản cũ nhiều thể nghiệm và nhiều tính đương đại hơn, phiên bản tinh gọn đi vào tính mẫu mực của cải lương. Nhưng khán giả bây giờ thường thích chiêu trò và các hiệu ứng thị giác trên sân khấu.
Phiên bản cũ dùng đến 300 bộ trang phục cho 15 diễn viên chính và binh lính, phiên bản này chỉ dùng khoảng 50 diễn viên, đồng thời cắt luôn vai của 10 ca sĩ. Thiếu các ca sĩ Phương Thanh, Thanh Thúy, Ngọc Tuyền, Hồ Ngọc Hà, Phạm Anh Khoa, Đức Tuấn, Ngọc Ánh Idol, Lương Chí Cường, Minh Thuận, Kỳ Phương… thì cũng thiếu đi một lượng khán giả đáng kể.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất