Tái diễn nhạc kịch "Cô Sao": Phục dựng gần 1.000 trang tổng phổ

10/11/2012 14:05 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Sau 36 năm, kể từ lần công diễn thứ hai vào năm 1976 (lần đầu tiên là năm 1965) cho đến nay, công chúng yêu nhạc kịch cổ điển Việt Nam một lần nữa mới có thêm cơ hội để thưởng thức vở nhạc kịch Cô Sao vào lúc 20h ngày 24-25/11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Nhạc kịch Cô Sao của nhạc sĩ Đỗ Nhuận được xem là tác phẩm đầu tiên đặt nền móng cho nhạc kịch Việt Nam. Nhạc kịch được biểu diễn nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của nhạc sĩ Đỗ Nhuận - nguyên Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa I, II và 55 năm ngày thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Từ sự trân trọng dành cho di sản âm nhạc

Lần thứ ba trở lại sau cả một quãng thời gian dài bị "bỏ quên và thất lạc", dưới bàn tay của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - con trai của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, vở nhạc kịch Cô Sao sẽ không chỉ trở lại như một tác phẩm âm nhạc mang ý nghĩa nghệ thuật cao được phục dựng và làm mới, mà còn là tư liệu quý giá sẽ được lưu giữ vào kho tàng di sản của nền âm nhạc Việt Nam.

Hằng năm, có rất nhiều buổi diễn các chương trình hòa nhạc cổ điển tại Nhà hát Lớn. Tuy nhiên, thật hiếm thấy tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ Việt Nam được trình diễn. Và đấy cũng là "số phận" chung của không ít tác phẩm độc tấu, hòa tấu dàn nhạc, các ca khúc một thời nổi tiếng của Việt Nam.

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận

Nhưng trước thực trạng âm nhạc giải trí đang "thống lĩnh" trên nhiều sân khấu, làm mất đi sự định hướng thẩm mỹ và khiến cho những tác phẩm âm nhạc có giá trị từng ghi dấu trong lòng công chúng, bị chèn lấn và bị đẩy ra “ngoại vi” của sinh hoạt âm nhạc đã trở thành tiếng còi báo động về sự mất cân bằng trong sinh hoạt âm nhạc của xã hội. Những người tâm huyết với nghề đã phải băn khoăn là làm thế nào để có thể giữ gìn kho tàng di sản luôn sống động cho đến ngày hôm nay và việc quyết định tái diễn nhạc kịch Cô Sao không chỉ là mong muốn của những người nghệ sĩ mà còn là thái độ tôn trọng những di sản âm nhạc.

Trên sân khấu cổ điển Việt Nam cũng đã từng có những vở nhạc kịch được dàn dựng như Epghênhi Ônhêgin (Tchaikovsky), Đứng gác dưới ánh đèn neon (Triều Tiên). Nhưng nhắc đến vở nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam, đặc biệt là của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, thì đó là nhạc kịch Cô Sao của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Tác phẩm được viết theo chuẩn mực của nhạc kịch quốc tế với giọng hát theo lối bel canto, hợp xướng, dàn nhạc giao hưởng và múa ballet. 

Ngoài ý nghĩa về lịch sử, nghệ thuật, điểm đặc biệt của nhạc kịch Cô Sao là từ cốt truyện, kịch bản, ca từ, âm nhạc, tổng phổ đều do nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác.

Đến Cô Sao đương thời

Tác phẩm đòi hỏi một ê-kíp làm việc rất lớn (gần 200 người) và phải đảm bảo chất lượng nghệ thuật cao ở thời điểm kinh tế đang suy giảm, không nhận được một sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí nào quả là khó khăn. Song, trước sức hấp dẫn của vở diễn, sự nhiệt tình của nghệ sĩ và mong muốn của những người yêu nhạc cổ điển được xem - nghe những tác phẩm kinh điển Việt, các nghệ sĩ của ba đơn vị: Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch đã nỗ lực trong điều kiện hoàn toàn tự thân vận động từ A đến Z từ tháng 8/2012 đến nay.

Tuy nhiên, điều khó khăn nhất để ra mắt vở nhạc kịch này lại nằm ở việc phục dựng tổng phổ, sau đó là biên soạn và nâng cao. Bởi kể từ sau lần diễn năm 1976, tổng phổ dàn nhạc đã bị mất. Mãi cho đến gần đây, gia đình nhạc sĩ Đỗ Nhuận mới tìm thấy bản viết tay của ông bằng bút chì và nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - con trai ông - là người phục dựng lại gần 1.000 trang tổng phổ. Thêm một lần may mắn khi nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cùng một vài cộng sự đã hoàn thành tổng phổ được như vốn có sau khi so sánh, đối chiếu, sưu tầm với những tư liệu cũ.

Cô Sao - một người con gái dân tộc Thái có sắc đẹp, tuổi trẻ nhưng nhà nghèo, mồ côi và rơi vào cạm bẫy của quan lang muốn biến cô thành gái xòe để mua vui. Cuộc đời của cô trải qua nhiều gian truân trước khi giác ngộ cách mạng. Một câu chuyện sử thi cách mạng vốn rất hấp dẫn ở cốt truyện đã được dựng thành nhạc kịch. Năm 1985, cố NSND Lê Dung đã trình diễn những trích đoạn của tác phẩm này trong Những ngày văn hóa Việt Nam tại Liên Xô cũ.

Với trách nhiệm của người biên soạn, sau khi đọc lại tư liệu, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã biên tập, chỉnh lý, bổ sung nâng cao để trình diễn bằng một bản diễn mới chứ không lặp lại lối diễn của hai lần trước. Do đó, riêng phần âm nhạc lần này sẽ có phối khí lại, phối mới hoặc ở những phần quan trọng của tác phẩm được phát triển mở rộng. Tuy nhiên, tác phẩm luôn được tôn trọng tính nguyên bản nên những đường nét chính ở kịch bản gốc thì không thay đổi.

Trình diễn trong thời lượng hai tiếng, ba phân cảnh, tác phẩm được thực hiện bởi ê-kíp: nhạc trưởng Tetsuji Honna, đạo diễn sân khấu Huyền Nga, đạo diễn âm nhạc Đỗ Hồng Quân, chỉ huy hợp xướng Mạnh Chung, biên đạo múa NSND Phạm Anh Phương... Có thể nói đây là phiên bản thứ ba của vở nhạc kịch này.

Là một khán giả của vở Cô Sao ở cả hai lần diễn trước, dù lúc đó tuổi còn rất trẻ, nhưng nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhớ khá rõ những dấu ấn của hai đêm diễn đó. Theo đó, quy mô 2 đêm diễn năm 1965 là sử dụng phương pháp tả thực, sân khấu hoành tráng sống động, tuy không thể được như điều kiện hiện nay khi hệ thống âm thanh lúc đó mới chỉ là phóng thanh. Nhưng lúc đó có những giọng ca xuất sắc như Ngọc Dậu, Kim Định, Thúy Hà (những người đầu tiên đóng vai Cô Sao). Năm 1976, vở Cô Sao dựng lại theo bản diễn của đạo diễn Văn Hà, sân khấu cách điệu nhiều, trông hiện đại, bản diễn bị cắt tương đối ngắn, màn 2, 3 được thu gọn, ê-kíp biểu diễn cũng khác nhưng đều gây tiếng vang lớn.

Còn tại Hà Nội ngày 24-25/11 tới đây, hy vọng rằng, những ai trân trọng âm nhạc hàn lâm của Việt Nam, sẽ đến Nhà hát Lớn để thưởng thức phiên bản 3 của nhạc kịch Cô Sao - phiên bản của những nghệ sĩ đương thời không chỉ phục dựng lại một tác phẩm âm nhạc kinh điển của Việt Nam mà còn gửi gắm trong đó những tình yêu dành cho nền âm nhạc nước nhà đang cần giữ gìn, bảo tồn.

Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm