Tác giả "Nhớ về Hà Nội" đã ra đi - Người nhạc sĩ luôn “thương” và “nhớ”

10/01/2013 07:58 GMT+7 | Âm nhạc


(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã từ trần vào 12h45 ngày 9/1/2013 trong niềm thương tiếc của gia đình và bạn bè đồng nghiệp. Ông là một nhạc sĩ tài hoa, với nhiều ca khúc không những làm thổn thức trái tim người yêu nhạc mà còn làm cho bạn bè đồng nghiệp yêu mến và kính nể.

TT&VH giới thiệu bài viết của nhạc sĩ Nguyễn Lưu, người  đã có những kỷ niệm với nhạc sĩ Hoàng Hiệp trong các trại sáng tác.

Anh Hoàng Hiệp đã mất rồi, tin đến mà lòng đau quặn dù ai cũng biết điều tất yếu ấy sẽ phải đến với nhạc sĩ. Hoàng Hiệp mất đi, ai cũng thương nhớ anh và nhất là những người bạn hay các đàn em như chúng tôi. Vừa tuần trước, tôi đã viết vội mấy dòng mong anh nhanh chóng bình phục, vậy mà hôm nay phải nói lời ly biệt với anh.

Những cái “nhớ” của Hoàng Hiệp

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp
Tôi chắc ai cũng nhớ thương anh, người nhạc sĩ luôn thương và nhớ. Phải chăng trong suốt mấy chục năm ra Bắc tập kết, anh đau đáu với nỗi nhớ quê hương và vì thế, trong sáng tác của Hoàng Hiệp, người ta luôn thấy từ “nhớ” và “thương” và sự xuất hiện của cặp từ này là một thành tố trong vẻ đẹp nơi tác phẩm của anh?

Trong Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, Hoàng Hiệp viết:

“Cùng mắc võng bên rừng Trường Sơn, hai đứa mình hai đầu xa thẳm, đường ra trận mùa này đẹp lắm, Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây”.

Và nhạc sĩ day dứt: “Trường Sơn Tây anh đi, thương em bên ấy mưa nhiều con đường gánh gạo, muỗi bay rừng già cho dài tay áo hết rau rồi em có lấy măng không…”.

Ngày lên Đắk Lắk, Hoàng Hiệp để lại bài hát Nhớ Tây Nguyên với đoạn mở đầu du dương ngâm ngợi:

“Anh nhớ Tây Nguyên quê em, như dòng sông nhớ núi

Anh nhớ Tây Nguyên quê em, như chim Kơ Tia nhớ rừng”  

Bài hát ấy được ca sĩ Quỳnh Như thể hiện và sau đó được nhiều ca sĩ phong trào hát tại các hội diễn văn nghệ quần chúng.

Cho đến khi Hoàng Hiệp viết Nhớ về Hà Nội, dường như cái nhớ cái thương của người nghệ sĩ được dồn lên đến đỉnh điểm và trong một lần tâm sự, Hoàng Hiệp tỏ ra rất tâm đắc với những cái nhớ ở bài hát này, trong đó anh rất xúc động với câu “Em vẫn đạp xe ra phố, anh vẫn tìm âm thanh mới” vì theo nhạc sĩ, đó là một kỷ niệm đẹp của anh.

Lạc quan yêu đời và lời hẹn với… bóng đá!

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp (trái) và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh CAND
Xin gửi lại đó những giai điệu đẹp mà nhạc sĩ đã để lại cho đời, tôi chỉ muốn tự nhủ với lòng mình trước mất mát này bằng cách ôn lại nét lạc quan yêu đời của nhạc sĩ Hoàng Hiệp qua những lần gặp gỡ anh. 

Ngày lên Đắk Lắk tham gia trại sáng tác, ai cũng khoái nét lãng mạn và hóm hỉnh của anh. Ít ai ngờ ông nhạc sĩ nom bệ vệ là thế mà sẵn sàng tán dóc với anh bảo vệ nhà nghỉ Công đoàn tỉnh rồi leo lên chiếc Honda 67 phóng vèo vèo trên đường Tây Nguyên đi gặp bè bạn.

Hôm cả trại đến Hồ Lắk tham quan, trước cửa ngôi nhà gỗ lim của vua Bảo Đại, Hoàng Hiệp phanh áo đứng đó cười vui và nhờ nhiếp ảnh gia Chính Hữu “chụp cho tớ cái hình”... Cầm tấm ảnh trong tay, Hoàng Hiệp còn hóm hỉnh nói “Chí ư đạo, cứ ư đức, y ư nhân, du ư nghệ” (tạm dịch: “Nên để tâm trí vào đạo, nắm vững đức hạnh, noi theo điều nhân, vui thích với lục nghệ” - theo sách Luận ngữ), và còn nháy mắt bảo tôi “Mình chỉ ưa cái vế sau cùng”.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp (sinh năm 1931) đã từ trần lúc 12h45 ngày 9/1/2013 (nhằm ngày 28 tháng 11 năm Nhâm Thìn), hưởng thọ 83 tuổi. Lễ nhập quan lúc 16h30 cùng ngày tại nhà riêng và 17h45 linh cữu được đưa đến quàn tại Nhà tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, Q.3).

Lễ động quan lúc 7h ngày 11/1/2013 và sau đó đưa đi an táng tại Nghĩa trang TP.HCM (Thủ Đức).

Hoàng Hiệp lạc quan lắm. Năm 1995, tức là 10 năm sau lần dự trại, từ Hà Nội tôi vào TP.HCM và lại tới 81 Trần Quốc Thảo (trụ sở Hội Âm nhạc TP.HCM) thăm bè bạn. Khi đó, đội tuyển Việt Nam sắp giành tấm HCB đầu tiên ở SEA Games 18 còn báo Tuổi trẻ đang vận động cuộc sáng tác bài hát cổ vũ bóng đá Việt Nam. Nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu ngoắc tôi ra bên, ông ôm cây guitar gỗ có mặt đàn màu rêu lạ lẫm và âm thanh trầm ấm, đoạn xòe tờ giấy nhạc ra và bảo tôi: “Anh em mình cùng hát bài về bóng đá tớ mới viết nhé, cậu đi bè dưới”.

Lát sau, từ buồng bên, Hoàng Hiệp và Diệp Minh Tuyền bước ra vỗ tay, anh nói lớn: “Tớ không tin là đội tuyển sẽ thành công, khi nào giành HCV SEA Games tớ sẽ viết ngay bài chào mừng cho coi”. Thế rồi dù không thật mặn mà với bóng đá nội, hai nhạc sĩ Hoàng Hiệp và Diệp Minh Tuyền cũng nán lại bình luận rất sôi nổi quanh đề tài bóng đá Việt Nam.

Thoắt cái, giờ đã ngót 30 năm và hôm qua, Hoàng Hiệp đã ra đi, nhạc sĩ tài hoa ấy không thể chờ để được thấy ngôi vô địch SEA Games của bóng đá Việt Nam.

Vẫn nghe rằng, người đã khuất không bao giờ già đi, người đã khuất bao giờ cũng tồn tại trong mắt mọi người y như khi họ đang sống. Vâng, sinh thời Hoàng Hiệp đau đáu với nỗi nhớ niềm thương và bây giờ, mỗi khi nghĩ đến hình ảnh và tâm hồn anh, người ta càng thương và nhớ anh hơn.

Nguyễn Lưu
Thể thao & Văn hóa


Nổi tiếng là người phổ thơ hay

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp có tên thật là Lưu Trần Nghiệp, sinh ngày 1 tháng 10 năm 1931 tại Chợ Mới, An Giang. Ông còn có những bút danh khác là Việt Nguyễn, Lưu Nguyễn. Ông tham gia cách mạng từ năm 1945, làm tuyên truyền lưu động ở Long Xuyên, sau chuyển qua văn công Long Châu Hà. Năm 1945 ông tập kết ra Bắc. Từ năm 1960 ông làm công tác biên tập ở NXB Âm nhạc, sau đó là NXB Giải phóng.

Trong kháng chiến chống Mỹ ông có những bài hát nổi tiếng như: Cô gái vót chông, Ngọn đèn đứng gác, Đất quê ta mênh mông, Qua cầu Tùng Cốc, Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây…

Sau ngày giải phóng trở về miền Nam ông sống ở TP.HCM, công tác ở NXB Âm nhạc sau đó chuyển sang Hội Âm nhạc. Thời gian này, những ca khúc của ông vẫn tràn ngập yếu tố trữ tình như: Con đường có lá me bay, Em vẫn đợi anh về, Chút thơ tình của người lính biển, Mùa chim én bay, Hoa hồng… Đặc biệt bài Viếng lăng Bác làm xúc động nhiều người nghe.

Đặc điểm trong sáng tác của Hoàng Hiệp là tác phẩm ông giản dị, gần gũi, giai điệu trữ tình gần với chất thơ và mang những tinh tế đặc trưng. Đa số ca khúc của ông là phổ thơ và ông nổi tiếng là người phổ thơ hay, hầu như bài thơ nào qua tay ông nó cũng trở thành ca từ của những ca khúc nổi tiếng.

Ngoài ca khúc ông còn là tác giả âm nhạc của những vở kịch nói như: Người ven đô, Màu giấy mới, Xa thành phố yêu dấu… hoặc âm nhạc cho các vở cải lương: Thái hậu Dương Vân Nga, Tiền và nghĩa… âm nhạc cho các phim truyện: Mùa gió chướng, Nơi gặp gỡ của tình yêu, Biệt động Sài Gòn…

Năm 2000, nhạc sĩ Hoàng Hiệp được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: Câu hò bên bờ Hiền Lương, Cô gái vót chông, Ngọn đèn đứng gác, Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, Viếng Lăng Bác, Nhớ về Hà Nội.

BM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm