'Những năm 1990, người ta yêu nhau cũng rất đẹp!'

03/07/2013 10:00 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - 29 tuổi, chuyển từ sáng tác thơ và tản văn sang tiểu thuyết đầu tay, tác giả Ngọc Thanh chọn cho mình một đề tài khá cũ: tình yêu của tuổi học sinh, sinh viên. Và, cũ hơn nữa, câu chuyện ấy lấy bối cảnh thập niên 1990, nơi người ta yêu nhau mà không có internet, không facebook, không phim Hàn Quốc, không trà chanh vỉa hè. Và tất nhiên, không có sex.

Vậy mà, kể từ khi ra mắt vào tháng 6, Ba bước tới mặt trời lại đang được độc giả đón nhận khá nhiệt tình, đây là một cuốn sách trong sáng, dung dị, nhẹ nhàng...nhưng vẫn đủ sức gợi nên nhiều xúc cảm từ phía người xem.



Tác giả Ngọc Thanh

Quê Yên Bái, đang là giảng viên tin học tại một trường Cao đẳng, tác giả Phạm Thị Ngọc Thanh từng xuất bản một số tập thơ và tản văn. Thanh tâm sự: "Trong cuộc sống xô bồ hiện tại, có những khoảnh khắc tôi nhớ nhiều đến ngày đi học, nhớ đến những năm tháng đã sống bằng sự nhiệt thành của mình. Và yêu nữa, vì có lẽ những năm 1990 ấy, người ta yêu nhau cũng rất đẹp. Bởi vậy, tôi muốn độc giả cũng như mình: theo tác phẩm, trở lại ngược dòng thời gian trong tác phẩm, để thấy những điều từng bị lãng quên đôi khi lại rất đẹp.

Tôi bắt đầu manh nha có ý tưởng về cuốn sách, khi một lần thấy hoàng hôn màu đỏ ở phía Hồ Tây, dưới đó là những tà áo trắng bay bay, thấp thoáng cuối đường. Ba bước tới mặt trời có thể hiểu là ba bước ngoặt lớn trong cuộc đời của một cô sinh viên trên con đường đi tìm hạnh phúc tương lai.

* Chị có đắn đo nhiều về việc chọn cho cuốn sách một bối cảnh thời gian đã khá xa và có phần... không mấy gần gũi với các độc giả trẻ bây giờ không?

-  Có nhiều thứ để tạo nên thành công của một tác phẩm nghệ thuật. Tôi cũng không nghĩ và bị chi phối gì nhiều. Thay đổi về công nghệ, thời gian, cách sống... không phải là điều quan trọng nhất. Bởi, dù có ở thời điểm nào, tình yêu,  tình bạn, tình cảm gia đình... vẫn là những giá trị cơ bản và cần thiết cho mỗi người.

Đang làm việc trong môi trường sư phạm, đó là một chút thuận lợi để tôi có dịp trải nghiệm và hiểu tâm sự, cảm xúc của các bạn trẻ sinh viên. Với những độc giả trẻ như vậy, sự chân thành mới là cơ may lớn nhất. Tôi cũng từng trải qua tuổi học trò, bởi thế tôi tin rằng những cảm xúc mình truyền tải là chân thật và nồng nàn. Tất nhiên, việc lần đầu tiên viết tiểu thuyết cũng là một áp lực tương đối khi tìm cách thể hiện sự chân thành ấy ...


* Là 1 tác giả, chị hi vọng gì ở độc giả khi họ đọc cuốn sách của mình? Và ngược lại, khi là một người đọc, chị thường mong đợi gì khi cầm một cuốn sách của tác giả khác?

- Tôi muốn người đọc có sự đồng cảm với mình, và nếu có thể, sẽ tìm thấy chút ý nghĩa từ những thông điệp mình viết trong sách. Ngược lại, khi cầm tác phẩm của người khác, tôi luôn mong tìm thấy những trải nghiệm sâu sắc về cuộc sống từ họ. Thậm chí, gọi là tìm thấy những giá trị của cuộc sống thì đúng hơn.

* Cuối cùng, với chị, nghề văn có ý nghĩa như thế nào: một cuộc chơi, duyên nghiệp, công việc để cân bằng lại tinh thần...?

- Tôi nghĩ văn chương đến với mình như một cơ duyên và tự nhiên gắn bó như thể một phần cuộc sống vậy. Đến với văn chương đồng nghĩa với việc tôi có  nhiều người bạn, những người đã và đang ủng hộ, động viên tôi trong suốt một quãng thời gian dài từ khi tôi cầm bút. Và hơn hết, như đã nói, được chia sẻ tình cảm và cảm xúc với người đọc qua trang viết là món quà vô giá với tôi...

* Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện này.

Thực hiện Sơn Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm