24/11/2013 13:01 GMT+7 | Đọc - Xem
(Thethaovanhoa.vn) - Nhật Linh còn khá trẻ và xinh, dễ bị nhầm là hotgirl hơn là một tác giả trẻ. Sáu đầu sách có truyện ngắn của Nhật Linh đã được xuất bản: Truyện đôi Valentine (2/2012), Như là yêu (4/2012), Say nắng (6/2012)… (viết chung) và cuốn sách riêng: tập truyện ngắn Vị hôn (NXB Văn học, 9/2012). Sắp tới, tác giả 9X này còn dám “cả gan” cho ra mắt cuốn tản văn mượn cớ dạy con để chia sẻ về quan niệm sống: Nín đi con.
Tên đầy đủ của 9X này là Lê Nguyễn Nhật Linh, sinh năm 1992, là sinh viên Học viện Báo chí& Tuyên truyền. 21 tuổi, Nhật Linh hiện là giám đốc sáng tạo của một thương hiệu sách của giới trẻ.
Tác giả Nhật Linh.
* Tôi tò mò không biết một người trẻ chưa lập gia đình, định viết dạy con như thế nào?
- Trong quyển sách này, tôi đưa ra những tư tưởng khác với giáo dục truyền thống, liên quan đến những chủ đề như xăm, thuốc lá, sex... Ví dụ, nhân vật của tôi muốn con mình ít nhất một lần bị đói, để có những suy ngẫm mà khi no nó không thể hiểu, đó là biết trân trọng từng hạt cơm. Thậm chí, khuyên con nên đi bar một lần, để biết trên đời có những thứ ánh sáng khác hẳn nhau. Đó có thể là lúc bước ra khỏi bar vào nửa đêm, thứ ánh sáng dưới gầm cầu Long Biên, khi chợ đầu mối bắt đầu hoạt động, có những con người không ngủ, dưới ngọn đèn đường những người bán rong về muộn phải thức trắng…
Nhìn chung, trong tập tản văn này, giọng điệu khá nhẹ nhàng, triết lý nhưng không lên gân, giáo huấn hay nặng nề chỉ trích.
Tôi viết cuốn sách với tham vọng phá vỡ khoảng cách thế hệ trong nhiều ngôi nhà vì sự bất đồng về quan điểm. Muốn hiểu người trẻ, hãy lắng nghe họ.
* Công việc viết lách với bạn có phải một hành trình thú vị?
- Đôi khi, tôi hình dung văn chương là mạng nhện, đã vô tình mắc lưới là dính bẫy, không thể vẫy vùng để dễ dàng thoát thân. Đã có vô số lần tôi bị cảm xúc ráo riết truy đuổi, ngược lại, tôi phải hụt hơi chạy theo tâm trạng. Tôi biết rằng, không một ai dấn thân vào nghệ thuật mà trọn vẹn bình yên. Nếu cần bình yên, có lẽ đã bước trên con đường khác, bằng phẳng hơn một chút.
Tập truyện Vị hôn của Lê Nguyễn Nhật Linh.
* Là một người trẻ, bạn đánh giá thế nào về văn học mạng được hiểu là dành cho giới trẻ hiện nay?
- Tôi không dám đánh đồng, nhưng sự thực có một số bạn trẻ theo đuổi thứ văn chương mà tôi gọi là “muối xổi”. Phải nói là rất khó nuốt nổi, không tôn trọng tiếng Việt, nếu không muốn nói là phá hoại. Việc viết vài dòng tiếng Việt lại chèn mấy từ đậm đặc phong cách teen chỉ nên dành để nhắn tin, chưa kể còn nhét tiếng Anh, tiếng Pháp vô tội vạ, thoại ngô nghê, ngôn ngữ nhạt toẹt, không chọn lọc, nhặt nhạnh hay mài gọt. Nhân vật chỉ biết hành động và không có diễn biến tâm lý, nội dung cố gắng bắt chước phim Hàn, truyện Tàu, quanh quẩn chuyện yêu đương nam nữ với những bi lụy sướt mướt đến ngán nản.
* Nói như vậy, phải chăng bạn cho rằng mình “đẳng cấp” hơn những người viết trẻ khác?
- (Cười) Tôi không tuỳ tiện hạ thấp hay đề cao ai khác hay chính mình. Tôi tự hiểu mình cần cố gắng rất nhiều để có thể đi xa hơn trên con đường chinh phục công chúng. Nhưng rõ ràng tôi không viết văn như các bạn bất chấp tất cả và sẵn sàng “muối xổi”, họ đếm từng lượt view và cho rằng mỗi view là một độc giả, sau đó ra sức rao bán bản thảo và mặc cả như bán quả cà, củ kiệu.
Tôi khác họ ít nhất ở điểm, tôi không bao giờ có thể nằm trên giường, ngồi trước gương hay đứng bên cửa sổ mà viết về cuộc đời – con người một cách chân thực và sắc nét. Năng lực tưởng tượng là vô cùng cần thiết trong lao động sáng tạo, nhưng viết văn mà chữ chưa thấm đời, thì e rằng thứ tưởng tượng đó vừa mỏng vừa rỗng như bong bóng xà phòng. Rất nhanh vỡ, mà một khi đã vỡ là hoàn toàn tan biến.
Tôi chưa đủ tuổi khuyên ai nên phải tự răn mình trước hết. Dù còn vụng dại hay ít ỏi, thì ngôn ngữ vẫn cứ là gia tài của tôi.
* Qua những chia sẻ, bạn có sợ bị người đọc chê là có tư tưởng già quá so với tuổi?
- Lắm lúc tôi thở dài vì cảm thấy mình bị già quá, nhưng ngẫm nghĩ sâu, đó không phải sự già nua của tuổi tác hay già nhăn của sự tính toán. Đó là sự chín dần của một tâm hồn còn non dại. Và sự sâu sắc, là một món quà, tôi tự giành lấy, rồi đem tặng chính mình.
Thứ ngôn ngữ khá trừu tượng, có thể khó hiểu và kén người đọc của tôi, tôi tin, dù ít độc giả thực sự dành thời gian quan tâm đến tận cùng nhưng chắc chắn ở đâu đấy đã, đang và sẽ có ai đó sẵn lòng trân trọng. Và vì tôi còn quá trẻ, đường còn dài, nên cứ bước tiếp thôi.
Thanh Ba (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất