Sự thật về nhà văn “tướng cướp” Sơn Vương (kỳ 4 & hết)

29/06/2008 16:51 GMT+7 | Đọc - Xem

    Tìm lại bài thơ bị thất lạc của Sơn Vương

Nhà văn Sơn Vương

Nhân chuyến đi công tác tại Pháp tháng 5 năm 2007, tôi tìm được tư liệu về bài thơ “Tám mươi năm” của Sơn Vương, mà lúc sinh thời, ông cũng không nhớ hết. Nay tôi xin bổ sung vào đây vì trong sách “Sơn Vương- Nhà văn, người tù thế kỷ” (NXB Văn học tháng 3, 2007) không có toàn văn bài thơ này.

Có thể nói tác phẩm Sơn Vương là bản cáo trạng nhằm lên án chế đô thực dân, hay là tờ hịch kêu gọi nhân dân đứng lên lật đổ chế độ hà khắc của ngoại bang và tay sai như nội dung của bài ca Tám mươi năm mà có người xuyên tạc là một bài “Quốc ca” của “triều đình Trương Văn Thoại”. Theo Sơn Vương thì bài thơ trên ông soạn cho các cháu thiếu niên, nhi đồng hát trong trường học chứ không phải là Quốc ca.
 
Chúng ta nên nhớ, Quốc ca Việt Nam hồi ấy chưa có, mãi đến sau cuộc họp Quốc hội năm 1946 ở Hà Nội mới biểu quyết lấy bài Tiến quân ca của Văn Cao làm bản Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Hồi đó (1945) ở Côn Đảo, Sơn Vương là người đầu tiên tạm dùng bài Sinh viên hành khúc của Lưu Hữu Phước (1921 - 1989) làm bài hát chào cờ trong các cuộc họp của Ủy ban Nhân dân An Ninh quần đảo.
 
Bài thơ Tám mươi năm dài 32 câu, đến năm 1969 ông còn nhớ 12 câu. Gần đây tác giả Maurice Demariaux trong sách Poulo - Condore Archipel du Viêtnam (tạm dịch là Côn Đảo, quần đảo của Việt Nam, NXB L’Harmattan, 1999) đã trích lại bài thơ trên từ trong sách Poulo - Condore của tướng Jacques Brulé (Giám đốc đề lao Côn Lôn năm 1947-1948 với cấp bậc Đại úy, đến năm 1994 là Trung tướng). Cuốn sách trên của đã in đủ 23 câu tiếng Pháp (dịch từ bản Việt ngữ của Sơn Vương), nay chúng tôi dịch tiếp các câu mà Sơn Vương quên.

Tám mươi năm

Tám mươi năm nằm gai nếm mật
Nhục nào hơn nước mất nhà tan?
Đoái nhìn trăm họ lầm than,
Máu sôi vì lũ tham tàn thực dân!
 
Đạo đức giả, ai cần bảo hộ?
Tự nghĩ mình chẳng hổ mình sao?
Cũng thì nhân loại cùng nhau
Đoạt quyền cướp nước dạ nào cho ưng?
 
Đây là 6 câu Sơn Vương quên mà trong sách của Demariaux có (trích lại của J.Brulé)
 
Một thế kỉ đè lưng cỡi cổ,
Vét tài nguyên tiền của về Tây.
Văn minh khai hóa thế này,
Muôn dân nô lệ đọa đày lắm phen.
 
Bày chi cảnh hai bên khác biệt!
Sống gông cùm thà chết còn hơn.
Đứng lên ta quyết tuốt gươm
Theo gương người trước rửa hờn nước xưa)

Và bốn câu cuối Sơn Vương nhớ:

Khuấy máu giặc nhuộm cờ Độc Lập
Tán xương thù xây đắp Tự Do
Nhà nhà Hạnh Phúc ấm no,
Khải hoàn chỉnh bị cơ đồ Việt Nam.
 
Từ ý hướng trên ta có thể xem Sơn Vương là nhà văn cách mạng khoác áo “tướng cướp” như ông đã tự nhận chứ không phải ông có một “vương quốc riêng của mình” và “triều đình của ông” như có người đã “chụp mũ” ông.
 
Nguyễn Q.Thắng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm