Sự thật về nhà văn “tướng cướp” Sơn Vương (kỳ 3)

28/06/2008 14:52 GMT+7 | Đọc - Xem

Kỳ 3: Nhận diện văn chương “tướng cướp”

Nhà văn Sơn Vương

Qua những gì tác giả dàn trải trong các tác phẩm (đoản thiên tiểu thuyết) của mình, chúng ta thấy nhà văn Sơn Vương đã giãi bày được tư tưởng, tình cảm và cả hành vi đạo đức, cách sống của chính mình - một nhà văn “tướng cướp”.

* Hoài vọng cải tạo xã hội

Theo tự truyện của ông, thì Sơn Vương bắt đầu cầm bút từ năm 1928-1933, nghĩa là năm ông vừa tròn đôi mươi. Với tuổi hai mươi ấy ông đã biết nhìn đời với một nhãn quan sắc sảo về đời người cũng như người đời.

Theo tác giả tự bạch khi viết văn, làm sách, ông luôn nhắm vào năm mục tiêu sau:
1- Cốt truyện lấy đề tài thường xảy ra trong tầng lớp bình dân.
2- Giải trí và giáo dục, răn đời, làm ác gặp ác, làm lành gặp lành.
3- Đả phá chính sách thực dân, gợi lòng yêu nước.
4- Tả chân bình dị, bênh vực kẻ cô thế, bài xích quan liêu, phong kiến.
5- Đất nước Việt Nam là của người Việt Nam.
 
Đó là năm chủ đề và cũng là năm mục tiêu mà tác phẩm của ông mong đạt được.
 
Hầu hết tác phẩm (trước năm 1931) Sơn Vương, từ nhan đề đến nội dung chủ đề đều toát lên ý hướng hiện thực xã hội mà đời sống con người tạo dựng nên. Cái hoài vọng cải tạo xã hội của Sơn Vương đã thấm vào từng nhân vật của các chuyện mà tác giả kinh qua và mô tả qua từng trang viết, như những nhan đề từng cuốn: Chén cơm lạt của người thất nghiệp, Bạc trắng lòng đen, Ai bạc tình, Luật rừng xanh, Nào ai bẻ thước, Phản bạn vì tình, Bát cơm chan máu...
Sơn Vương cùng với
tác phẩm của mình là
 một cặp song sinh
 đúng ngày tháng cả
 diện mạo cùng máu tủy
và gen di truyền.
 
Bộ hồi kí Quần đảo Côn Sơn - Máu hoà nước mắt hay còn gọi là Máu hòa nước mắt 1933-1968 (NXB Văn học, 2007) có hai tập, tập I dài 190 trang viết tay, tập II đến hơn 600 trang đánh máy.
 
Tập hồi kí này theo Bằng Giang thì “như một tiếng kêu than về số phận cay đắng của một cá nhân nên thiếu cái tráng khí của một chiến sĩ”. Sơn Vương là một nhà văn nặng lòng với tổ quốc từ hồi còn niên thiếu, lại có một tinh thần hiệp sĩ, máu giang hồ kiểu Thủy Hử nên ông chính là mẫu người hoạt động, nhưng từ khi bị vào tù hồi còn rất trẻ (mới khoảng ngoài 20 tuổi) thì chẳng khác gì chúa sơn lâm bị nhốt trong chuồng Sở Thú nên chỉ biết “gặm một khối căm hờn trong cũi sắt”. Nỗi căm hờn và sầu tủi của Sơn Vương với nỗi căm hờn của tổ quốc trước sự thống trị của Pháp hòa quyện thành một, được nhà văn thể hiện qua tác phẩm như một thứ “máu hòa nước mắt” để viết ra thành chữ trải dài hơn 1000 trang in khổ 16 x 24cm.

Tác phẩm là bản cáo trạng lên án chế độ lao tù thực dân mà những người yêu nước phải nếm trải, trong đó có “người tù khổ sai nửa thế kỉ” (Sơn Vương) như các chí sĩ, nhà văn đàn anh: Huỳnh Thúc Kháng, Lê Văn Hiến, Trần Huy Liệu...

* Tác giả và tác phẩm chính là “một cặp song sinh”

Những việc làm của ông từ những năm 1926 - 1932 hoặc chỉ các tên của các tác phẩm được viết trước khi vào tù ở Khám Lớn, Chí Hòa ở Sài Gòn (1933) đã nói lên được phần nào nhân sinh quan của tác giả đối với xã hội thời đó. Các tên nhan đề ấy có thể là Bạc trắng lòng đen, Lỗi hẹn quên thề, Ngọc lầm với đá, May nhờ rủi chịu, Làm ơn mắc oán, Kẻ thù dân tộc, Thà được làm chó hơn được làm người, Phản bạn vì tình, Chén cơm lạt của người thất nghiệp, Sâu bọ nổi lên làm người, Lỗi về tôi, Ăn năn đã muộn, Anh bạc tình, Bát cơm chan máu...
Các anh em Sơn Vương vào buổi vãn niên
(Sơn Vương - thứ 2 từ trái sang)
 
Thậm chí khi xây dựng tên nhân vật ông cũng có một cách gọi tên độc đáo, độc giả khi mới đọc qua đã biết chân diện mục nhân vật ấy, nào Thị Lành, Lê Chung Tình, Đặng Hào Hoa, Hữu Đức, Đức Minh, Nhân Toàn...

Có thể một số ít người xem khinh tiểu thuyết Nam Bộ trong buổi sơ khai, cho rằng các nhan sách ấy chỉ là một kiểu “thùng rỗng kêu to”, hoặc “cải lương”, “phường chèo” hạng “người phiêu lưu” hay “máu liều lĩnh”... Nhưng thực chất nhiều tác phẩm nếu không muốn nói là hầu hết các tác phẩm của Sơn Vương, từ nhan sách, hình thức cùng nội hàm chủ đề tác phẩm có một sự hòa quyện chặt chẽ, hấp dẫn người đọc từ khi mới bắt đầu cầm sách cho đến lúc đọc xong dòng cuối, nhờ sự cộng hưởng từ chủ đề tư tưởng tác phẩm toát ra. Dù những người đọc ấy không cùng một nhân sinh quan và thế giới quan với tác giả, họ cũng có thể đồng tình với những gì Sơn Vương viết nên. Đó là cái đặc thù, độc đáo của các tiểu thuyết hay hồi kí, tự truyện... của nhà văn Sơn Vương.

Trong số các cuốn kể trên thì riêng các cuốn: Bát cơm chan máu, Chén cơm lạt của người thất nghiệp, Ai bạc tình, Anh bạc tình, Một lầm hai lỡ... được độc giả tiếp đón nồng nhiệt và tiêu thụ rất mạnh; trong vòng một tháng đã tái bản, dù sách in lần sau thì bị tịch thu thiêu hủy. Và cũng từ đó bút danh Sơn Vương phải tuyệt tích giang hồ, vì ông là kẻ chủ động vụ cướp tiền của chủ đồn điền cao su René Gaillard, Phó giám đốc Sở Cao su Mimot ở Campuchia - giáp với tỉnh Tây Ninh (VN) - đồng thời là Quản trị viên công ty Caffort đường Catinat (Sài Gòn). (René Gaillard vốn người đảo Corse - Pháp cũng là một tên cướp hoàn lương, sang Đông Dương làm lại cuộc đời).

Vụ cướp tiền của René Gaillard được trót lọt, nhưng sau đó do tài xế Năm Đường phản bội, nên Sơn Vương bị bắt. Từ ấy (1932) ông nghỉ viết cho đến sau năm 1968 mới cầm bút lại với tác phẩm Máu hòa nước mắt như đã dẫn ở trên.
 
Thế cho nên, chúng tôi không ngại mà cho rằng Sơn Vương cùng với tác phẩm của mình (con tinh thần) là một cặp song sinh đúng ngày tháng cả diện mạo cùng máu tủy và gen di truyền.
 
Nguyễn Q.Thắng
Kỳ 4 và hết: Tìm lại bài thơ thất lạc của Sơn Vương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm