Sự thật về nhà văn "tướng cướp" Sơn Vương (Kỳ 2)

27/06/2008 10:57 GMT+7 | Đọc - Xem

Nhà văn Sơn Vương

Kỳ 2: "Tại sao tôi đi ăn cướp?"
 
(TT&VH Online) - Ngay trong phần mở đầu tác phẩm Máu hòa nước mắt, (bản thảo), ông đã viết trong một tiết khai mào cho tác phẩm với nhan đề “Tại sao tôi đi ăn cướp và tại sao tôi phạm tội giết người”.
 
Ông viết:
“Ăn cướp để làm gì? Điều này tôi không cần nói rõ chi tiết vì đã có vong linh một số nhà cách mạng đàn anh quá cố, và một số gia đình lao động ở Bàn Cờ và Xóm Trể bị cháy nhà từ ba mươi mấy năm về trước (hiện nay còn sống) chứng kiến cho tôi” (...)

“Một điều tôi có thể hãnh diện và tự an ủi lấy tôi là hai lần bị bắt về tội cướp, người ta tra tấn tôi đủ thứ cực hình để sát hạch tôi: Ăn cướp lấy tiền để làm gì và trao cho những ai? Thì trước sau tôi vẫn một mực khai rằng: chơi đĩ và thua cờ bạc mà hết; chớ không hề khai một lời nào có thể can danh phạm nghĩa đến các bậc đàn anh, vì hành động mạo hiểm đó đều do tôi tự động, chớ không ai xúi bảo; nghĩa là các nhà cách mạng đàn anh không hề hay biết những món tiền tôi đưa ra là tiền ăn cướp”.

“Nhà chức trách Pháp hồi ấy không tin, họ khảo tôi là tôi cứ ráng chịu đòn. Vì tôi tự xét: các anh ấy mà được tự do hay còn sống là xã hội được nhờ. Trái lại tôi bất quá là một kẻ vô danh tiểu tốt, có chết đi cũng không liên quan gì đến việc đời hay việc nước.

“Vậy tôi đi ăn cướp lấy tiền là để chơi đĩ và thua cờ bạc; mặc dù tôi không bao giờ bước đến ngưỡng cửa lầu xanh, cũng như không cầm được bộ bài Cào hay bộ bài Tứ sắc mà chia cho các tay con để chung tiền hay hốt bạc”.

Trước khi về quê ông đã
kí tặng chính quyền cách
mạng một tập bản thảo
đánh máy dày khoảng
600 trang. Tập hồi kí
(bản rút gọn) này hiện đặt
tại Bảo tàng Côn Đảo.
 

Ngày nay độc giả chỉ cần đọc qua đoạn văn tự bạch trên của ông chắc cũng hiểu khá tường tận về lý do đi ăn cướp của nhà văn Sơn Vương cũng như những điều sâu thẳm nhất trong con người bằng xương bằng thịt Sơn Vương - Trương Văn Thoại.
 
Chính điều đó chứng tỏ ông là một thành phần của quần chúng Việt Nam yêu nước hồi đầu thế kỉ XX trước nạn nước tình nhà (vợ ông bị chúa ngục Gimbert (Đại úy Hải quân) cưỡng đoạt ở Côn Đảo - nhưng không thành - rồi nhạc gia ông bị mất tích trong những năm kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954) và vợ trước - bà Ngọc Dung và hai con mòn mỏi đợi chồng, đợi cha rồi chết ở đất liền (Sài Gòn - Trà Vinh).
 
                                     
Tác phẩm của Sơn Vương
Trong Hồi kí, ông có ghi lại số lần bị kết án đều là thường phạm, với số năm phải thực thụ nhận án là bảy mươi chín (79) năm ngồi tù như sau:

- Lần I: cướp tiền, do bạn phản bội mà bị bắt, bị kết án 5 năm

- Lần II: 10 năm do 3 vụ:

1- Vụ ông Kiệt ở Phú Nhuận: là một chủ nợ cho vay nặng lãi và tay sai Tây (thật sự ra bọn chỉ điểm báo cáo sai).
2- Vụ Lý Tư: một người trong đám giang hồ ở Chợ Lớn có liên quan đến Sáu Ngọ (vua cờ bạc ở Sài Gòn - Chợ Lớn).
3- Vụ Cọp lửa từ bi ở Chợ Lớn

Cộng chung bị kết án 10 năm tù giam ở Phú Quốc, Hà Tiên rồi vượt ngục sang đào tị ở Thái Lan. Sau bị Pháp bắt lại, đày ra Côn Đảo, đến năm 1945 đắc cử chủ tịch uỷ ban Nhân dân Quần đảo An Ninh (Côn Đảo).

- Lần III : chung thân 32 năm (bị vu cáo giết người: Già Quít ở Côn Đảo năm 1946)

- Lần IV : chung thân 32 năm (giết người thực thụ; giết Nguyễn Thành Út - tay sai của Pháp - năm 1953 ở Côn Đảo)

Hai lần đầu bị bắt lúc đang còn tự do. Hai lần sau là khi đang ở trong tù, án chồng lên án nên cộng chung là 5 + 10 + 32 + 32 = 79 năm. Đến năm 1968 các nhóm tranh đấu ở Sài Gòn (Ủy ban cải thiện chế độ lao tù) lên án chế độ lao tù, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu mới hủy bản án 79 năm của ông chỉ còn lại 35 năm tù giam, nên được trả tự do vào ngày 18 tháng 11 năm 1968.

Sau nhiều năm bị cầm tù, sau khi được chính quyền Mỹ- Ngụy trả tự do về sống tại nơi chôn rau cắt rốn Gò Công, ông ngụ tại số 137/52 đường Nguyễn Cư Trinh Sài Gòn (nay là số 137/52 đường Nguyễn Cư Trinh, phường Nguyễn Cư Trinh, QI, TP.HCM) tức xóm Trễ ngày xưa nơi ông viết văn... Tại đây ông viết hồi kí Máu hòa nước mắt (2 tập) và hoàn thành trước ngày trở lại cố hương trong những năm 1980. Trước khi về quê ông đã kí tặng chính quyền cách mạng một tập bản thảo đánh máy dày khoảng 600 trang. Tập hồi kí (bản rút gọn) này hiện đặt tại Bảo tàng Côn Đảo, một tập ông lưu giữ tại nhà.

Nguyễn Quyết Thắng
Kỳ 3: Nhận diện "văn chương tướng cướp"

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm