Có lẽ chưa năm nào tìm kiếm phim hay cho một giải thưởng lại khó khăn như thế. Nhìn vào danh sách phim dự giải, người trong và ngoài giới đều lắc đầu chán ngán, bởi không ít trong số ấy đã bị cho là… thảm hoạ của điện ảnh! Nền điện ảnh Việt Nam đang trong cơn thảm hoạ, hay người làm nghề đang chìm trong thảm hoạ?
Cánh diều Vàng 2012
Thiếu tài năng
Mỹ nhân kế là bộ phim đắt khách nhưng thờ ơ với giải Cánh diều. (Ảnh chụp lịch chiếu Mỹ nhân kế trong tháng 2 tại Galaxy Nguyễn Du)
|
Nói đến nội lực của một nền điện ảnh là nói đến con người, đến tài năng. Phải chăng trong tất cả mọi khâu của nền điện ảnh, chúng ta đang thiếu vắng tài năng. Một đạo diễn trẻ đang rất đắt sô đã từng cho rằng anh chỉ là một đạo diễn hợp thời, chứ không phải đạo diễn tài năng. Một đạo diễn trẻ tên tuổi khác thì thú nhận trong nước anh chẳng phục ai ngoài Đặng Nhật Minh! Người tài đi đâu hết cả rồi? Hay chúng ta đang thiếu một bầu khí quyển trong lành để nhân tài được sống, hít thở, và phát triển?
Nhìn lại các lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, điện ảnh cũng cùng chung một số phận. Điện ảnh không thể thoát khỏi số phận chung ấy, bởi nó là sáng tạo nghệ thuật. Sáng tạo nghệ thuật trước hết đòi hỏi sự tự do hoàn toàn, sự trong sáng và hết mình. Sáng tạo đòi hỏi sự dấn thân, sự sống còn, để có một tác phẩm hay, chạm đến được mạch nguồn của tự tình dân tộc, của tự tình mỗi cá nhân, làm nên bản sắc, diện mạo riêng cho từng dân tộc. Những điều đó không giữ được thì làm sao có được một tác phẩm hay? Đó là căn bệnh trầm kha, là cái gốc của mọi vấn nạn. Nếu không truy vấn đến cùng để bắt bệnh, thì làm sao trị bệnh?
Biết bao nhiêu hội thảo, biết bao nhiêu đề xuất, giải pháp, nhưng cuối cùng điện ảnh vẫn chỉ biết trông chờ vào các nhà sản xuất tư nhân, và đội ngũ làm nghề trẻ. Nhưng hãy nhìn lại những bộ phim sản xuất gần đây, để thấy họ cũng đang rất chênh vênh khi chọn cho mình con đường đến với thị trường. Sau một hai phim đầu tay tạo được tiếng vang, biểu đồ ngày càng đi xuống của chất lượng tỷ lệ thuận với biểu đồ đi lên của doanh thu, thực tế đó nói lên điều gì? Phải chăng trước áp lực tồn tại hay không tồn tại, họ cũng đang dần đánh mất mình? Phải chăng vì quá chạy theo đồng tiền mà họ đã tự hạ thấp mình, và hạ thấp khán giả, quên đi trách nhiệm của người làm nghệ thuật là hướng con người đến một thẩm mỹ đẹp hơn, nhân văn hơn.
Một điều mừng là chúng ta đã có hệ thống rạp hiện đại, có khán giả tới rạp thường xuyên, có giới trẻ trí thức đến rạp như một nhu cầu giải trí lành mạnh. Hơn bao giờ hết người làm điện ảnh phải tự nhìn lại mình, và phải coi phim hay là giải pháp đầu tiên trong mọi giải pháp, tiêu chí đầu tiên trong mọi tiêu chí. Đừng thoả hiệp, đừng nhân nhượng, đừng đổ lỗi. Hãy nhìn vào “sự thần kỳ” của điện ảnh Hàn Quốc, để định hướng cho toàn đội ngũ lòng tự trọng dân tộc. Hãy tạo nên một làn sóng tự trọng, từ nhà sản xuất, nhà quản lý, người làm nghệ thuật, để hướng đến một nền điện ảnh nhân văn.
Phim đắt khách không dự giảiNăm 2012 được xem là năm đánh dấu sự phát triển của các phim chiếu rạp Việt Nam với đầu phim ngày càng tăng, hệ thống rạp hiện đại dành nhiều suất chiếu cho phim Việt. Tuy nhiên, chỉ có vỏn vẹn mười phim đăng ký dự giải Cánh diều ở hạng mục phim truyện điện ảnh, vắng mặt nhiều bộ phim ăn khách như
Mỹ nhân kế, hay các phim gần đây khác như
Hiệp sĩ guốc vông, Bay vào cõi mộng… Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, phó chủ tịch thường trực hội Điện ảnh Việt Nam đã giải thích “Dù ban tổ chức từng thuyết phục rất nhiều đạo diễn nhưng họ vẫn không gửi phim tham dự”.
Nhà sản xuất, phát hành phim Galaxy và đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đều không đưa ra bình luận gì cho việc “bom tấn” trong năm là Mỹ nhân kế, bộ phim có doanh thu cao nhất của phim Việt không tham gia giải. Ở một góc độ khác, nhà sản xuất (NSX) một bộ phim chiếu tết cho biết, cho đến khi giải Cánh diều được trao, các phim tết vẫn đang còn trong lịch chiếu ở các tỉnh, “Nếu tham gia Cánh diều, phim của chúng tôi có thể sẽ được chiếu miễn phí, như vậy khả năng có thêm doanh thu của chúng tôi lại bị ít đi”, NSX này nói.
Trao giải phim chưa chiếu; giới hạn tuổi người làm phim ngắn
Trong khi các đạo diễn như Nguyễn Quang Dũng làm ngơ với Cánh diều thì các bộ phim chưa được công chiếu rộng rãi như
Lạc lối (Phạm Nhuệ Giang),
Cát nóng (Lê Hoàng) lại có trong danh sách dự giải. Thậm chí, trong đợt công chiếu trước thềm Cánh diều, hai phim này cũng chỉ chiếu hạn hẹp cho ban giám khảo xem.
Lý giải về nguyên nhân này, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát nói đó là do không đủ điều kiện phát hành và rạp chiếu. Tuy không thể so sánh với các giải thưởng lớn về điện ảnh trên thế giới, nhưng việc một bộ phim chưa từng được công chiếu vẫn được dự giải là một bất cập, vì sẽ không có được đánh giá khách quan từ truyền thông lẫn khán giả. Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Vinh Sơn, thành viên ban giám khảo của Cánh diều 2012 nhận định: “Việc quan trọng là phải để khán giả và truyền thông được xem những bộ phim mới để đối chiếu nhận định giữa ban giám khảo và hiệu ứng khán giả”. Nếu không công chiếu, giải thưởng sẽ đi ngược lại tiêu chí mà hội Điện ảnh Việt Nam đã đặt ra, đó là bên cạnh việc “đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn” thì tác phẩm đó phải “đạt hiệu quả xã hội tích cực”.
Không chỉ với hạng mục phim điện ảnh, các hạng mục khác như phim truyền hình cũng gặp phải vấn đề về số lượng phim dự thi. Trong tình hình phim truyền hình nhà nước, tư nhân phát triển từ trung ương đến địa phương, hàng trăm bộ phim được sản xuất thì chỉ có 18 phim dự giải. Ở hạng mục phim ngắn cũng vậy, trong khi các sân chơi phim ngắn như 48 giờ, Yxineff ngày càng tìm cách mở rộng sự tham gia trên toàn cầu thì hội Điện ảnh lại chọn cách giới hạn giải thưởng. Đạo diễn Ðào Bá Sơn cho rằng việc giới hạn tuổi của người làm phim ngắn được gửi phim dự thi ở giải Cánh diều là dưới 30 đã là một rào cản với rất nhiều đạo diễn trên 30 tuổi có phim ngắn muốn tham dự.
Quyền được thờ ơ
Gần đây, cứ mỗi mùa Cánh diều, dư luận lại băn khoăn: có được bao nhiêu phim tranh giải? Và đấy cũng chính là nỗi lo thắt ruột của ban tổ chức, thật trái ngược nếu so với những Cánh diều “no gió” ngày trước. Năm nay, không “đụng” liên hoan Phim Việt Nam như năm ngoái, mà buồn thay, vẫn “thất bát”. Sự thờ ơ ấy, do đâu?
Đạo diễn gạo cội Hà Sơn cười buồn: “Tôi thờ ơ với Cánh diều vàng lâu rồi”. Sự thờ ơ của ông bắt nguồn từ nhiều lý do liên quan khủng hoảng niềm tin, chứ không chỉ về giải thưởng. Chuyện là, Trung uý, có giấy phép làm phim hẳn hoi, gắn “mác” cấm trẻ em dưới 16 tuổi, cũng đã ra mắt thành công tại liên hoan phim Quốc tế – Hà Nội lần 1, gây cháy vé ba đêm liền, đùng một cái không được ra rạp chẳng có lý do, cũng không thể tham dự bất cứ một giải thưởng nào, dù đạo diễn tha thiết mong một câu trả lời, để biết vì sao phim bị “cấm”, và được mua lại phim, để tự phát hành. Cái lý của đạo diễn Hà Sơn là, một khi hội Điện ảnh đã thờ ơ với chính những đứa con tinh thần của hội viên, thì hội viên cũng thờ ơ lại, thế thôi!
Theo Sài Gòn tiếp thị