Sao lại là Hà Nội?

15/02/2013 07:44 GMT+7 | Văn hoá

Vì một tình yêu Hà Nội

Năm 2012, không phải một “năm chẵn” nào về Hà Nội, mà chủ đề Hà Nội, nói đúng hơn, chủ đề văn hóa Hà Nội thời nay “bỗng dưng dậy sóng” trong dư luận, trên nhiều diễn đàn.

“Văn hóa thấp đi nhưng người Hà Nội rất tự tin”, “Văn hóa xuống cấp, Hà Nội chả khác một cái chợ” , “Càng nhiều người giàu xổi, Hà Nội càng nhếch nhác”, “Vì sao Hà Nội lại trở nên xấu xí như vậy?”... Đằng sau những cái giật mình đau đớn ấy là cả một tình yêu lớn lao và vô cùng sâu sắc với Hà Nội, dành cho Hà Nội. Nói như nhạc sĩ Dương Thụ, hiện đang sinh sống tại TP.HCM, “Hà Nội không phải là một địa phương. Hà Nội là thủ đô, là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của đất nước. Chính vì vậy cư dân của nó là những con người tinh hoa của đất nước. Hà Nội là của khắp mọi miền, ai cũng nên yêu, nên có trách nhiệm với Hà Nội”.

Từ năm 2008, báo TT&VH cùng với gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái đã lập ra giải thưởng mang tên ông, cũng là giải thưởng vì những tình yêu Hà Nội, trao hàng năm cho những con người, tác phẩm, ý tưởng, việc làm có giá trị cho văn hóa thủ đô.

Và những câu chuyện, những con người trong chuyên đề này cũng có một tình yêu Hà Nội riêng của họ.

5 điểm nhấn văn hóa Hà Nội đến năm 2020

Đến năm 2015: Hoàn thiện công tác sưu tầm và trưng bày hiện vật Bảo tàng Hà Nội. Đến năm 2020, hình thành một số bảo tàng chuyên đề, giới thiệu làng nghề truyền thống, và bảo tàng nghệ thuật thành phố.

Xây dựng Trung tâm bảo tồn văn hóa truyền thống, Trung tâm biểu diễn nghệ thuật văn hóa dân gian Hà Nội.

Đến năm 2012, xây dựng Trung tâm triển lãm thành phố, đến năm 2020, xây dựngNhà triển lãm văn hóa - nghệ thuật Hà Nội, Nhà triển lãm giới thiệu các nghề thủ công, phố nghề

Tập trung xây dựng tượng đài và Khải hoàn Môn. Đó là tượng đài An Dương Vương tại Đông Anh, tượng Phật tổ tại chùa Hương, tượng Trần Quốc Tuấn, tượng Chiến thắng B-52, tượng đài Chiến thắng Cầu Giẽ (Phú Xuyên). Xây dựng Khải Hoàn Môn hoặc cổng chào đi vào vùng lõi của thành phố. Nghiên cứu xây dựng 5 quảng trưởng gắn với tượng đài hoành tráng tại 5 đô thị vệ tinh

Giai đoạn 2016-2020, phấn đấu làm 3-5 phim truyện nhựa/năm; dàn dựng và biểu diễn 12-20 vở diễn mới thuộc các loại hình nghệ thuật.

2014 Thí điểm Bộ quy tắc ứng xử Hà Nội thanh lịch

Đầu tháng 12/2012 đã diễn ra Hội thảo Góp ý xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Bộ quy tắc toàn diện, nhắm tới 7 nhóm đối tượng chính, gồm: Cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp thương mại và dịch vụ, khu dân cư, khu vực công cộng, sẽ được lấy ý kiến, thảo luận trong 6 tháng, Bộ quy tắc sẽ được xây dựng và áp dụng thí điểm từ quý 2/2014 đến quý 2/2015, trước khi ban hành chính thức.

 

(Thethaovanhoa.vn) - 1. - Ở Việt Nam 7 năm rồi, Michael thích thành phố nào nhất?

- Hà Nội?

- Thế còn Suzuki?

- Cũng Hà Nội thôi.


Hai người bạn tôi, một người Mỹ, một người Nhật, tiếng Việt rất sõi, và đều có thâm niên sống ở Việt Nam như nhau, đều chung một câu trả lời: Hà Nội. Còn tôi lớn lên ở Hà Nội, rồi sống Tuyên Quang và bây giờ là TP.Hồ Chí Minh, đi lại hầu như chẳng thiếu một tỉnh, thành nào, nếu có ai hỏi tôi một câu như vậy, tôi cũng trả lời: Hà Nội thôi.Sao lại là Hà Nội? Tôi cố lý giải điều này cho chính mình, vì Hà Nội bây giờ ai cũng thấy tệ quá, dù nhiều người chẳng biết ngày xưa nó như thế nào. Những người đa cảm đã từng sống ở Hà Nội hay đã từng ghé qua Hà Nội, hoặc chưa một lần đặt chân lên những con đường Hà Nội nhưng lại biết Hà Nội qua văn chương, âm nhạc và hội họa của một thời lãng mạn chắc sẽ rất đau lòng vì sự đổi thay. Ai cũng có cái của mình và muốn giữ nó, nhưng giữ không nổi. Vật đổi sao dời. Thế gian biến cải vũng nên đồi. Không chấp nhận quy luật này mà cứ than khóc mãi cho cái ngày xưa không còn nữa, tuy xúc động thật nhưng chẳng giải quyết được điều gì.
Hà Nội những năm 1980: Ngã năm Bờ Hồ

2. Ngồi uống chè chén trên vỉa hè Hàng Trống mỗi lần ra Hà Nội, ngắm nhìn cảnh phố xá buổi sớm mai, cái cảm giác của tôi về Hà Nội thật khó tả. Có cái gì văn minh đấy khi thấy một cô váy ngắn, đi ghệt, đeo kính mát Gucci mở cửa chiếc xế hộp BMW bước ra, phía vỉa hè bên kia một cu cậu độ 16, 17 tuổi gì đó tóc húi chào mào, mặc chiếc quần jeans sa đũng với mớ dây xích lằng nhằng theo phong cách hip-hop, đeo tai nghe không dây, tay vừa đi vừa vung vẩy theo nhịp điệu. Có cái gì đấy như ở nhà quê khi đột nhiên thấy con gà tre đậu ngay trên yên chiếc xe Honda để bên cạnh gốc đa nơi quán nước tôi ngồi, cất tiếng gáy te te nghe thật yên ả. Lại có cái gì đấy như thời bao cấp khi ông cụ ngồi cạnh tôi, chắc là cán bộ một ngành nào đó về hưu, khuôn mặt nhăn nheo căng thẳng, với tay lấy chiếc điếu cày, miệng lầm bầm: “Ăn với chả mặc, cho đi đập đá ở Trái Hút là hết cả váy ngắn váy dài“ khiến tôi hình dung ra một thời mũ cối, dép nhựa tiền phong, ca uống nước bát ăn cơm bằng sắt tráng men “made in Hải Phòng“. Và lại có một cái gì đó như Hà Nội thời Pháp thuộc, mơ hồ thôi, trên những khuôn cửa chớp màu xanh lá cây cũ bạc, cái ban-công sắt uốn han gỉ màu năm tháng... Hà Nội của những câu chuyện kể chồng lên nhau, nhưng không che lấp được, không phủ kín được, vẫn để lộ ra, vẫn xen kẽ, cái mới, cái đang là, cái cũ hoặc xưa cũ lắm khiến tôi (không biết những người ở tuổi tôi có thế không) đã tìm lại được mình, đã tìm thấy chính mình trong những câu chuyện kể lộn xộn ấy. Cái quan trọng nhất của đời người là ký ức. Hà Nội đã giữ cho mình rất nhiều ký ức. Những ký ức không cần đến bảo tàng mà nó sống động ngay trên đường phố. Điều này thật tuyệt vời. Đó là lý do vì sao tôi luôn thấy yêu Hà Nội, yêu đến mức dù có phá mấy đi nữa, làm xấu mấy đi nữa thì vẫn thấy Hà Nội đẹp.

3. Nhưng em không thấy thế. Em sinh ra giữa năm Hà Nội đổi tiền. Hàng đống tiền cho một chiếc xe đạp cũ, hay tệ hơn cho một chiếc mũ cối, những sự kiện phi lý mở đầu cho những năm tháng phi lý. Hai năm sau là thời kỳ “cởi trói” không phải chỉ cho văn nghệ sĩ, mà còn cho kinh tế nữa. Toàn dân đổ xô “đi buôn” để hơn hai mười năm sau cha mẹ em viết lên những câu chuyện cổ tích của thế kỷ 20, chuyển từ xe đạp Phượng Hoàng một gióng sang xe hơi đời mới thương hiệu khủng: Mercedes, Audi, BMW... Từ căn hộ tập thể 16m2 sang biệt thự 500m2. Từ chơi bóng bàn sang đánh gofl, từ căng-tin cơ quan đi thẳng đến nhà hàng Lá Lúa yên tĩnh, sang trọng, số 6 Ngô Thời Nhiệm, nơi mà chỉ một phần ăn kèm đồ uống đã bằng gần 1/3 tháng lương công chức. Em lớn lên khi Hà Nội mở rộng thành “siêu đô thị” có diện tích và cảnh quan phong phú nhất nhì thế giới, có khu Mỹ Đình mênh mông công trường, ngất ngưởng những giấc mơ hoang tưởng. Em sống toàn với những “cực siêu”, “cực sốc”, “hoành tráng” và “cực hoành tráng”, với “tốc độ phi mã”, “thay đổi chóng mặt”, khẩu hiệu của em “Sống là không chờ đợi” và câu slogan của em thật phi thường “Hãy nói lời của bạn”. Em có “lời riêng” của mình. Tết là cơ hội để sống với Hà Nội nhiều nhất thì em kéo vali ra ga Hàng Cỏ, hoặc nhảy taxi lên nhà ga quốc tế Nội Bài, em đi du lịch. Tết ở Hà Nội làm gì. Chán ngắt ấy mà. Hà Nội làm sao so được với Quảng Châu, Thượng Hải, với Bangkok, Kuala Lumpur, Singapore. Nói vậy thôi, bởi tôi hiểu em đâu có giống tôi. Không thấy đẹp nhưng chắc hẳn là có gắn bó, có yêu. Mà yêu cái kiểu của em chắc nó lạ lắm?
Hà Nội những năm 2000: Tập thể dục trên cầu Long Biên. Ảnh: Việt Thanh

4. Michael và Suzuki không cho Hà Nội chán ngắt như em, mà ngược lại.

Ở một đời sống được tổ chức khoa học, mạch lạc như ở bên Mỹ, Michael thèm cái lộn xộn chồng chéo ở Việt Nam, mà Hà Nội là “đỉnh”. Michael sắm một chiếc xe gắn máy và cũng lạng lách như điên, sáng đi bộ quanh bờ Hồ và kết thúc bằng việc ngồi uống chè chén vỉa hè, trọ trẹ dăm ba câu tiếng Việt với cô hàng nước, còn tối thứ Sáu tụ tập bia bọt với bạn bè ở “quảng trường quốc tế” phố Tạ Hiện hòa vào phong trào “vỉa hè” mới xuất hiện cách đây vài ba năm của các bạn trẻ Hà Nội (tôi mới biết thêm vỉa hè đầu Hàng Trống ăn phở bò 10.000 đồng, vỉa hè đêm phố Hàng Hòm ăn phở gà chặt, vỉa hè đêm phố Nhà Thờ, giải khát hoặc lai rai một thứ gì đó, và sự “vỉa hè hóa” luôn cả cây cầu Long Biên dài hàng cây số, chè chén thuốc lào, nước giải khát trải chiếu bên thành cầu, tạo dựng một biểu tượng Hà Nội mới độc đáo, độc nhất vô nhị!)Nghiêm chỉnh chuẩn mực như ở bên Nhật, nên Suzuki cảm thấy “dễ thở” với đời sống thoải mái “tự nhiên như người Hà Nội” của Hà Nội. Nó giúp anh giảm stress, bớt đi tính “trọng việc”, lười đi một chút, dễ dàng hơn một chút, có lẽ đời sẽ tươi lên một chút. Người Nhật trọng hai chữ: Tĩnh (yên tĩnh) và Tịnh (sạch) thì Hà Nội cung cấp cho anh những thứ ngược lại: Động và Bẩn. Di chuyển như điên, chen lấn, ồn ào và bụi ơi là bụi, có lẽ vì thế Suzuki tìm thấy sự cân bằng chăng (tôi đoán mò thế thôi, người Nhật bí hiểm lắm, họ luôn mỉm cười nhưng không biết trong đầu họ nghĩ gì, chỉ biết nhiều người Nhật không muốn về Nhật, họ muốn ở lại Hà Nội dù họ chẳng có ký ức gì về Hà Nội như tôi).Và cả Michael lẫn Suzuki cùng bị chinh phục bởi sự gần gụi giữa người với người của người Việt ta mà Hà Nội cũng là “đỉnh” luôn. Ở nước họ xã hội được tổ chức tốt, người nào việc ấy, tự do cá nhân được tôn trọng, sự giao tiếp có những quy ước, người đến tuổi trưởng thành đều buộc phải sống độc lập thế nên con người thành ra xa cách. Bố mẹ, anh em, gặp nhau cũng khó. Hà Nội ta thì khác. Bữa cơm gia đình là đủ mặt, mời nhau tưng bừng, Tây, Nhật được chứng kiến cảnh đó họ thích lắm. Ra đường, nhất là ở những khu phố cổ được chen chúc, được đụng chạm, nói qua nói lại, nếu là người ngoại quốc thì “OK” ngay, còn gặp ai nếu muốn cũng có thể trở thành bạn. Một sự dễ chịu hiếm có của tình người. Ở Nhật nếu ta gặp khó vẫn được người Nhật chỉ dẫn rất tận tình chu đáo, nhưng đó là thói quen xử sự của người có văn hóa còn trong lòng người ta nghĩ gì thì mình không biết. Ta thì chưa đạt tới thói quen đó, nhưng là thật lòng dù có xởi lởi, suồng sã, thô thiển một tý.

5. Có vẻ cái mà thủ đô các nước văn minh đã mất đi thì Hà Nội ta có thừa. Và cái họ muốn mất thì Hà Nội ta đang muốn có. Cái gì cũng có hai mặt, sự chậm tiến như là một dẫn chứng cho tính hai mặt đó. Lịch sử đô thị là một sự phát triển khách quan, nó là như thế nào, đẹp hay xấu là do cái cấu trúc xã hội đã tạo ra nó. Thời Pháp thuộc ta có Hà Nội, một Paris thu nhỏ của Phương Đông kết hợp với một đô thị châu Á cổ xưa. Sau 1954 ta có Hà Nội được cải tạo thành thủ đô xã hội chủ nghĩa, một Hà Nội nông thôn hóa, thành phố của những người lao động bình dị và nghèo nhưng trong sạch, lành mạnh. Thời hậu chiến và thời hội nhập hình thành một Hà Nội khác pha tạp giữa các yếu tố bao cấp và thị trường, và nó đang trải qua thời kỳ nông thôn hóa lần thứ hai không phải bằng những phẩm chất tốt đẹp có tính truyền thống của làng quê Việt Nam mà bằng cách suy nghĩ và lối sống tiểu nông. Không phải vô cớ mà Hà Nội bây giờ nhiều điếu cày nhất, nhiều vỉa hè kiểu “bạ đâu ngồi đấy nhất” nhưng cũng nhiều xe hơi sang trọng nhất và tiêu dùng đồ xa xỉ cũng vào loại nhất luôn.

Vậy thì cái đẹp, xấu có nhất thiết trở thành lý do duy nhất để ta “chọn” nó không?

6. Để trả lời câu hỏi “Sao lại là Hà Nội”, tôi đã không tán tụng vẻ đẹp Hà Nội. Thực ra bất kỳ thành phố nào, ở bất kỳ quốc gia nào với một cách nhìn nào đó cũng là đẹp hết. Đối với tôi quan trọng là sự gắn bó và tình yêu đối với nó thôi. Không gắn bó, không yêu thì đẹp cũng bằng thừa.

Tôi đang hình dung Michael và Suzuki, mỗi người mỗi ngả chen chúc trong khu phố cổ chật chội ồn ào để kiếm bạn cà phê hay bạn rượu gì đó, tôi thì ngồi yên lặng trên chiếc ghế nhựa thấp tè ở quán chè chén vỉa hè Hàng Trống lơ mơ tìm xem hiệu cúp tóc Thăng Long ngày xưa ở đâu, còn em đang “Highlands bên hông nhà hát” nhắn tin bằng cái iPphone đời mới cho cô bạn rủ rê đi xem Luala Concert vỉa hè. Phải chăng mỗi người một thích thú, một cách yêu.

Thế là tôi đã trả lời được câu hỏi “Sao lại là Hà Nội” cho chính mình.

Còn em, em nghĩ thế nào nhỉ?

Dương Thụ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm