Sáng tạo về lịch sử: làm sao tránh “lạc đường”?

16/12/2012 07:23 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Chọn đề tài lịch sử, nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật vẫn rơi vào cảnh “lạc đường” khi thuộc về một trong hai trường hợp: hoặc đưa ra những hư cấu phi lý nhảm nhí, hoặc “minh họa” cho lịch sử một cách khô cứng, nhạt nhòa...

Thực tế này được nhắc tới trong cuộc hội thảo có tên Sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử (Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức, diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày 15, 16/12). Đây được coi là cuộc hội thảo có quy mô lớn nhất trong 20 năm qua quanh chủ đề này, với sự có mặt của gần 60 tác giả, đạo diễn, họa sĩ...

Từ câu hỏi về thông điệp...

Đã gọi là sáng tạo thì rất khó có một thang điểm chuẩn để phân biệt đúng - sai. Và, điều ấy lại càng đúng hơn với những sáng tạo quanh các nhân vật, sự kiện xảy ra hàng trăm năm trước, cho dù đó là tác phẩm điện ảnh, văn học, sân khấu hay mỹ thuật.

Bởi vậy, câu hỏi đặt ra tại hội thảo: chọn đề tài lịch sử, đâu là điểm khác biệt giữa những tác phẩm được đánh giá cao và những tác phẩm gây tranh cãi, thậm chí là bị độc giả hoàn toàn phủ nhận?



Nhà văn Hoàng Quốc Hải phát biểu trong hội thảo.

Từng viết hơn 6.000 trang sách về triều Trần và triều Lý, nhà văn Hoàng Quốc Hải chia sẻ rất thẳng thắn: “Tôi nghĩ, câu trả lời nằm ở thông điệp chung của tác phẩm. Lòng nhân ái hay những trăn trở về giá trị đích thực của con người, đó là điều phân biệt rất dễ dàng với thứ sáng tạo mượn đề tài lịch sử để ám chỉ, gửi gắm vài ba lời nói móc máy, cạnh khóe”.

Không nêu đích danh, nhưng ông Hải rất bức xúc trước việc một số tác phẩm lịch sử trong thời gian qua đã cố tình “mượn xưa nói nay” để bày tỏ sự ấm ức, bất mãn của mình.

Thậm chí, dù vẫn được khán giả chấp nhận, một số tác phẩm  sân khấu từng gây nên các nhận định trái ngược cũng được nhà phê bình Nguyễn Văn Thành đưa ra phân tích. Đó là trường hợp 2 vở diễn xuất hiện trong thời gian gần đây: Ngàn năm tình sử (tác giả Nguyễn Quang Lập) và Yêu là thoát tội (Lê Chí Trung).

“Kịch bản thứ nhất khắc họa hình tượng Lý Thường Kiệt như một con người chỉ sống vì yêu và yêu đến si cuồng. Còn lại, phẩm chất anh hùng hay những chiến công oanh liệt của ông thì... không hề được đề cập!” - ông Thành nói. “Kịch bản thứ 2 tưởng như viết về bi kịch của Nguyễn Trãi, nhưng thực chất lại đặc tả diễn biến của mối tình ngang trái giữa phu nhân của ông và vị vua trẻ hiếu sắc, rồi từ đó cho rằng án “tru di tam tộc” xảy ra với ông đều từ câu chuyện này”.

Theo nhận xét của ông Thành, thay cho công phu đi sâu tìm hiểu tư liệu lịch sử, tác giả lại gia tăng vai trò của trí tưởng tượng, thêm thắt nhiều sự việc chưa từng xảy ra trong lịch sử để tạo sự ly kỳ, éo le trong câu chuyện. Bởi thế, một số khán giả phản ứng khi thấy các kịch bản này đưa ra 2 nhân vật lịch sử không giống với cách nghĩ quen thuộc của mình.

NSND Hải Ninh chia sẻ về trường hợp bộ phim lịch sử Đêm hội Long Trì do ông làm đạo diễn: “Trong câu chuyện xưa ấy có nét rất hiện đại mà cuộc sống ngày nay không thiếu. Đó là âm mưu kéo bè kéo cánh, là cảnh tham quan ô lại tham túng quyền bính, là tên vô lại Đặng Lân, bất chấp phép nước để hoành hành giữa thanh thiên bạch nhật. Tôi nghĩ, khán giả chấp nhận bộ phim vì lý do đó”.

... tới câu hỏi về đội ngũ tác giả

Thực tế cho thấy: dù thành công, thất bại hay gây tranh cãi, những tác phẩm lịch sử được chú ý trong những năm qua đều ít nhiều liên quan tới các sự kiện lịch sử và các nhân vật lịch sử như Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Hồ Quý Ly, Quang Trung... Ngược lại, những tác phẩm thiên về yếu tố “dã sử”, nghĩa là chỉ sử dụng hoàn cảnh lịch sử để đưa vào toàn bộ các nhân vật “hư cấu 100%” thì không gây được tiếng vang nhiều.

Từng thành công với tiểu thuyết lịch sử Hồ Quý Ly, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh nhận xét: “Sự sáng tạo quanh những nhân vật có thật này tưởng như ít ỏi, nhưng lại khó vô cùng. Bởi, tác phẩm đòi hỏi người viết có sự am hiểu sâu sắc về lịch sử, có sự chuẩn bị tốt về tư liệu, rồi từ đó dùng trí đi rát nhiều nơi, sưu tầm rất nhiều tư liệu, rồi phải dùng trí tưởng tượng của mình để “liên kết” các tài liệu và tạo nên một cốt truyện”.

Theo ông Khánh, nếu không kể tới giai đoạn trước 1945, những sáng tạo về lịch sử trong một thời gian dài trước đây, vẫn ít nhiều mang màu sắc tô hồng một chiều theo kiểu “ta thắng địch thua”, từ đó khiến tác phẩm khô cứng và mang màu sắc minh họa cho lịch sử. Chỉ tới giai đoạn 1986, những tác phẩm về đề tài lịch sử của VN mới bắt đầu có sự đổi khác và bắt kịp xu hướng sáng tạo của thế giới. Bởi thế, những tác giả viết về lịch sử trong thời gian qua vẫn ít nhiều gặp những lúng túng trong sáng tạo, nhất là trước cảnh nhiều độc giả “luôn luôn muốn tiểu thuyết là sự minh họa những điều đã viết trong lịch sử, thấy điều gì hơi khác, dù chỉ là một ít đã kêu ầm ĩ”.

Nói như nhà phê bình Nguyễn Hòa, những sáng tạo về lịch sử luôn cần tới một kiến thức nền đủ sâu rộng về văn hóa lịch sử, để từ đó người sáng tạo có thể “khảo nghiệm lịch sử và tìm ra những ý tưởng sáng tạo”.

 “Dù là tác giả, đạo diễn, diễn viên hay nhà biên kịch..., nếu thiếu ý tưởng sáng tạo, người ta cũng rất dễ chỉ bằng lòng với việc kể một câu chuyện về lịch sử được hư cấu theo trí tưởng tượng của mình” - nhà phê bình Nguyễn Hòa nói.

Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm