Sân khấu TP.HCM vào Tết: Nỗ lực vượt qua khủng hoảng

04/01/2014 15:07 GMT+7 | Văn hoá



(Thethaovanhoa.vn) - Sau một năm hoạt động khá mờ nhạt, sân khấu (đặc biệt là kịch xã hội hóa) TP.HCM dịp Tết Giáp Ngọ 2014 thật sự đa dạng, với vài dự án mới và nhiều vở diễn mới ra mắt.

Bên cạnh những vở được đầu tư bài bản của những sân khấu đã định hình như Kịch IDECAF, Kịch 5B, Kịch Hồng Vân, Kịch Hoàng Thái Thanh, Kịch Sài Gòn, Kịch Gia Định… dịp Tết năm nay tại TP.HCM còn xuất hiện thêm vài sân khấu mới, với cách thức hoạt động mới.


Sân khấu mới xa trung tâm


Gây ấn tượng nhất là việc Kịch Thuần Việt long trọng rước tổ nghề lúc 16h ngày 1/1/2014 (khai trương ngày 4/1) về sân khấu tại một khu vực cách khá xa trung tâm TP.HCM (200 Nguyễn Duy Trinh, Q.2), với 3 vở mới là Trăm năm nhan sắc (KB: Ngọc Trúc, ĐD: Mai Xuân Hồng), Chuyện của Điệp (KB: Trần Mỹ Trang, ĐD: Thanh Hiệp) và Sống thật (KB: Ngọc Trúc, ĐD: Hữu Tiến). Lý do của họ vừa thiết thực vừa lãng mạn: địa bàn này chưa có sân khấu biểu diễn chuyên nghiệp. Dù thực tế cho thấy khán giả của sân khấu rất đặc thù, nhưng cũng hy vọng họ sẽ tìm được lối đi cho mình, bởi địa bàn này xứng đáng có một sân khấu riêng.


Cảnh trong Chiếc vòng gia bảo của Kịch IDECAF

Trước đó đúng 1 tháng, ngày 1/12/2103, Sân khấu - Cinema Sao Minh Béo khai trương tại một địa chỉ xa trung tâm (179 AB, Bình Thới, Q.11), với chủ trương chung là sân khấu tạp kỹ và đa dạng thể loại, gồm kịch nói, cải lương, ca nhạc, tấu hài, chiếu phim, xiếc… Kịch tạp kỹ và mô hình đa thể loại đang có vẻ là ý tưởng hợp lý của sân khấu này.


Ngay Mồng hai Tết (đầu tháng 2/2014), Kịch Tâm Ngọc sẽ tái khai trương tại một địa chỉ cũng thuộc diện xa trung tâm (292 Âu Cơ, Q.Tân Bình), với các vở kinh dị đặc thù của sân khấu này như Tiếng khóc oan, Ma động, Nghiệp báo, Hồn về từ đáy mộ, tất cả đều do Tâm Ngọc biên kịch và dàn dựng.


Hướng đi riêng


Nghịch cảnh có thể khiến cho con người trở nên thông minh, dù không thể làm cho con người trở nên giàu có.

Vào tối 7/1/2014, Công ty cổ phần Nghệ sĩ Mê Kông (MeKong Artists) tổ chức chương trình cải lương Năm tháng không phai phục vụ khách quốc tế tại sân khấu IDECAF, với 4 trích đoạn kinh điển gồm Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa, Dương Quý Phi và Nửa đời hương phấn. Theo nghệ sĩ Linh Huyền, đây sẽ là mở đầu cho chương trình giới thiệu cải lương ra bên ngoài, mà kế đến sẽ là những vở có chất văn học và nghệ thuật cao Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đoàn Thị Điểm, Bà chúa thơ Nôm, Sương Nguyệt Anh…


Dịp Tết này, Kịch Lê Hay ngoài công diễn vở mới Tiếng hót chim họa mi, còn dàn dựng riêng Khu rừng phép thuật, để giới thiệu nhiều tiết mục ảo thuật tiêu biểu - nhằm tạo điều kiện để ảo thuật có thêm đất diễn. Song hành là các trích đoạn cải lương Hồ Quảng - được xem như những bài bản gốc của cải lương về sau này.


Công diễn suất đầu tiên lúc 16h30 ngày 25/12/2013 tại Sân khấu Thế giới trẻ (125 Cống Quỳnh, Q.1), Cuộc du hành Champa (The Champa Journey Show) sẽ diễn định kỳ mỗi thứ Tư hàng tuần. Chương trình gồm 6 tiết mục do ê-kíp gồm 100% người Chăm thực hiện, giới thiệu Tết, lễ hội và các sinh hoạt thường nhật, cách xưng hô của người Chăm.


Tính đến nay trên địa bàn TP.HCM có gần 20 mô hình sân khấu xã hội hóa, một con số đầy thách thức, bởi cuộc chạy đua để tìm khán giả vốn không dễ dàng gì. Thế nhưng, nó cũng đầy ấn tượng, vì cho thấy các ông bà bầu làm kịch tư nhân tại TP.HCM luôn nỗ lực trong việc xốc lại phong độ và tìm kiếm cách thức hoạt động mới.


Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm