23/06/2013 13:49 GMT+7 | Đọc - Xem
(Thethaovanhoa.vn) - 12 truyện ngắn trong cuốn Đàn bà đẹp (NXB Văn Học & Liên Việt, 2013) vừa ra mắt cách đây một tuần của nhà văn Đỗ Bích Thúy, một khi đã đọc là khó thể rời mắt. Từng câu văn của chị ắt hút hồn bạn vào vực thẳm nào đó, để rơi bồng bềnh giữa cao nguyên đá, giữa những thân phận hiếm khi thấy một khoảnh khắc biết cười.
1. Mười hai truyện, trải hết gần 240 trang in, nên tạm gọi là ngắn mà cũng vừa kịp dài để chuyển tải 12 điểm nhìn vào cõi người mà nhà văn muốn kể bằng giọng văn mềm mại, da diết, đầy tính nữ.
Chân dung nhà văn Đỗ Bích Thúy. Nguyễn Đình Toán chụp
Chất văn, như chất người. Đỗ Bích Thúy không mang trong mình vẻ gai góc, mạnh bạo, bất cần, ồn ào, sôi động như nhiều nhà văn nữ khác. Chị nhẹ nhõm ôn hòa, nói năng chậm rãi vừa đủ cho từ tốn, nhỏ nhẹ thành lành hiền. Đỗ Bích Thúy, nếu không kể tới bộ quân phục khi làm nhiệm vụ của một phó tổng biên tập trong tạp chí Văn nghệ quân đội, thì đồ chị lựa chọn mặc khá tinh tế, có thể là váy suôn vải mềm tôn dáng, có thể là áo lụa nhè nhẹ bó sát người, cùng tóc quăn lõa xõa mà không quên tạo dáng bằng chiếc cặp xinh, hoặc búi cao lên lộ chiếc cổ tròn, tôn được tính nữ trong chị.
Đỗ Bích Thúylà người đàn bà viết văn đẹp theo cái cách nền nã dễ chịu, dễ ưa của người phụ nữ biết rõ giá trị bên trong bản thân, và hiểu rằng mình là người nhan sắc. Đến đám đông, Đỗ Bích Thúy thường sẽ sàng ngồi phía cuối, và sẵn lòng tiếp chuyện mọi người với sự ung dung. Ít khi thấy Đỗ Bích Thúy vồ vập với ai bao giờ. Mỗi lời chị nói, là một phần của tư duy rành mạch ẩn trong sự tình cảm, quan tâm chân thành. Đôi khi, không hiểu, nơi nào chị có thể mơ màng?
Thế giới mà Đỗ Bích Thúy mơ màng, hẳn nhiên là hai cô con gái yêu của chị. Yêu thương con không từ sự chăm sóc hàng ngày, chị còn mê mải viết truyện cho con. Nhật ký hội Cầu Vồng là hai cuốn truyện mà tôi đồ rằng chị lôi con gái ra làm cảm hứng cho nhân vật chính. Và facebook, cũng là nơi nữ nhà văn dành quan tâm cho bạn bè, không chỉ một cái like ý tứ rằng tôi đã đến “nhà” bạn, mà còn comment nhiệt thành, vui tươi, dí dỏm.
2. Ấy thế nhưng, khác với sự trong sáng toát ra từ con người, từ giọng nói của Đỗ Bích Thúy khi bạn có dịp tiếp xúc, cũng ngược lại với lòng ấm áp thiện tâm của một người sinh ra như thể để làm thiên chức người mẹ, những câu chuyện mà Đỗ Bích Thúy kể cho chúng ta nghe, được tạo từ sóng ngầm nơi đáy biển, hay vực thẳm giữa lòng núi đá cao. Từ bên trong mỗi trang văn khắc họa thân phận người, đọng đầy bao nhiêu đau đớn bao nhiêu uẩn ức bao nhiêu nước mắt và cái chết, luôn là dấu hiệu cuối cùng kết thúc chuỗi bi kịch dài đeo đẳng kiếp sống.
Với Đỗ Bích Thúy, dù không ít truyện ngắn trong cuốn sách này miêu tả cuộc sống thành thị, nhưng miền núi cao, phong tục tập quán của người dân miền núi, vẫn là phông nền tốt để vẽ nên những bức tranh về ước vọng sống chật chội cứ thít chặt lấy niềm vui.
Không viết truyện theo cách để cảm hứng tuôn chảy tự nhiên, văn của chị dễ hiểu vì kể một câu chuyện có cốt, có thể lơ mơ tóm lược lại được. Nhưng tận sâu cái dễ hiểu, là những cử động tâm lý tinh tế, nhiều đau đớn tinh thần bởi khao khát tình yêu thương trong từng nhân vật. Sự mong chờ không thể nói ra, chỉ tỏ bày qua uất ức, hành động, không gì khác hơn nhằm giam cầm người mình thương yêu hoặc căm ghét một cách vô ý thức trong sáu mặt quan tài tạc từ đá, lèn chặt bên trong vô vàn lạnh lẽo pha tàn nhẫn.
Bằng việc đóng vai người quan sát, đôi khi chui sâu vào nội tâm nhân vật để tỏ bày, Đỗ Bích Thúy ưa kể lối khách quan nhất có thể. Nhà văn đóng vai trò truyền tải thông tin qua mỗi thái độ, hành động, cử chỉ của nhân vật, mà chi tiết nào cũng nặng, cũng phô ra sự bức bối khó thở. Đó là cảm nhận của tôi khi đọc Mẹ kế.
Còn ở Lặng yên dưới vực sâu thì là chuyện con người cứ buộc chặt con người bằng những mong cầu mà phía bên kia không thể đáp ứng. Vòng xoáy tình cảm không đưa người ta cảm giác sung sướng giải thoát, mà trói buộc rồi giết tinh thần nhau. Người cứ lấn lướt sỗ sàng để người kia lùi mãi lùi mãi chạm vào chân tường, biết không còn chỗ để lùi nữa thì gằm mặt chịu đựng. Tưởng ôm ghì được thân nhau qua đời sống vợ chồng thì tư tưởng lại tìm mọi cách ngoại tình
Bi kịch cứ chất đầy chất đầy giữa tối tăm nghèo nàn vật chất lẫn tinh thần. Mà bối cảnh hay nhất vẫn là cho vào không gian miền núi để tạo sự khoáng đạt rộng dài cũng như tò mò về thế giới nào đó khác biệt với chật chội phố xá mà người đọc, thường là dân miền xuôi ưa mơ tới, dù thực ra người dân trên ấy nhờ đã xả nhiều năng lượng vào lao động chân tay cật lực, đã đủ cho tinh thần trở nên đơn giản đi nhiều.
3. Tốt nhất là tôi sẽ không tường thuật lại cho bạn nghe câu chuyện mà Đỗ Bích Thúy kể, bởi hi vọng bạn sẽ cầm cuốn Đàn bà đẹp, giở từng trang để ngay lập tức bạn như tôi, bị tài văn của Đỗ Bích Thúy vít lấy trái tim bạn vặn siết nhẹ nhẹ mà đủ đau bằng những từ ngữ được chắt ra từ cảm xúc sâu sắc nhiều chiều cho phận người không cứ gì sinh ra nơi miền núi cao, mà bao gồm hết thảy đã sinh ra trên đời.
Khi gấp lại trang cuối cùng, 12 truyện đã đi qua trong trí não bạn sẽ ám ảnh ghim chặt tại đó, tựa những súc tu có khả năng hút sinh lực sống.
Để rồi, bạn sẽ biết cách thương mọi người đang sống bên bạn nhiều hơn, bằng sự thả lỏng tự do không mong cầu rằng, họ phải đáp ứng những điều mà bạn muốn, tôi chắc vậy!
Việt Quỳnh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất