Run Run Shaw: Huyền thoại một tay gây dựng điện ảnh Hong Kong

09/01/2014 07:23 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Trước khi qua đời hôm 7/1, Run Run Shaw (Thiệu Dật Phu) là trùm điện ảnh Hong Kong (Trung Quốc), với danh tiếng đã lan tỏa khắp thế giới cùng vô số tác phẩm điện ảnh ra đời dưới trướng của ông.

Năm 1964, các nhà thiên văn học tại đài quan sát Tử Kim Sơn đã phát hiện ra một hành tinh nhỏ nằm giữa sao Hỏa và sao Mộc. Họ đặt tên cho hành tinh đó là 2899 Run Run Shaw nhằm tôn vinh ông trùm giải trí Hong Kong.

Tuy nhiên, Run Run Shaw không phải là tinh cầu nhỏ. Trong số những ông trùm điện ảnh ở châu Á, châu Âu hay Hollywood, ông được xem như Mặt trời, là người đã tạo dựng sự nghiệp cho nhiều ngôi sao như Châu Nhuận Phát và Trương Mạn Ngọc với hãng phim The Shaw Brothers của mình. Đế chế giải trí của ông trải dài từ Đài Loan tới Malaysia, kéo dài từ kỷ nguyên phim câm đến tận ngày nay.

Từng bước tạo hình đế chế phim ảnh

Shaw sinh ra tại Ninh Ba trong một gia đình buôn vải. Năm 19 tuổi, ông bỏ học để làm phim cùng các anh trai, bất chấp việc cha đẻ không đồng tình. Cùng nhau, họ thành lập Công ty Điện ảnh Tianyi, 1 trong 3 nhà phát hành - sản xuất chính trong nền kinh doanh điện ảnh tiếng Hoa còn non trẻ. Trong 4 anh em, Runji và Runde làm việc ở Thượng Hải, Runme và Run Run ở Singapore.



Trùm giải trí Run Run Shaw vừa qua đời ở tuổi 107

Năm 1934, Runde mở chi nhánh ở Hong Kong rồi mua lại các rạp chiếu để giới thiệu phim của họ. Đến năm 1939, anh em nhà ông đã tạo nên một cơ ngơi khổng lồ gồm 139 rạp chiếu, 9 công viên giải trí và nhà hát ở Malaysia, Singapore, Thái Lan, Borneo và Java.

Năm 1940, Nhật Bản chiếm đóng Thượng Hải và đe dọa Singapore. Công ty Tianyi liền chuyển hoạt động làm ăn tới bán đảo Cửu Long ở Hong Kong, đổi tên thành Nanyang và bắt đầu làm phim lồng tiếng Quảng Đông, phục vụ khán giả địa phương.  

Năm 1947, anh em Shaw tái mở cửa studio của họ ở Singapore và phát hành bộ phim đầu tiên thời hậu chiến, Singapore At Night. Studio này sản xuất 167 bộ phim sử dụng ngôn ngữ bản địa, trước khi đóng cửa vào năm 1967. Bộ phim cuối cùng của studio là Nora Zain Female Agent 001, một trong nhiều dự án điện ảnh khai thác dựa theo cơn sốt mà loạt phim James Bond tạo ra.

Xây dựng "Hollywood phương Đông"

Năm 1950, Nanyang phục hồi sản xuất phim ở Hong Kong, đổi tên thành The Shaw Brothers Studio. Shaw phát triển một hệ thống phim trường, mở trường quay lớn Movie Town, sản xuất 20-40 phim/năm.

Nghịch cảnh có thể khiến cho con người trở nên thông minh, dù không thể làm cho con người trở nên giàu có.

Phim trường của The Shaw Brothers nổi tiếng là Hollywood của phương Đông, đã biến Hong Kong trở thành nền công nghiệp điện ảnh lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Ấn Độ. Mặc dù ngôn ngữ bản địa là tiếng Quảng Đông, song 90% phim của Shaw lồng tiếng Quan thoại, điều đó khiến nhiều người Hong Kong phải học tiếng Quan thoại để có thể xem được những bộ phim hay nhất ở đây.

Có một tình tiết đáng chú ý: Trâu Văn Hoài từng là người phụ trách quảng cáo đầu tiên của Shaw và sau đó là phó giám đốc điều hành, giám sát sản xuất. Năm 1970, Trâu Văn Hoài rời bỏ The Shaw Brothers để thành lập công ty Golden Harvest. Công ty này nhanh chóng trở thành đối thủ và “vượt mặt” The Shaw Brothers.  

The Shaw Brothers vẫn tiếp tục thỏa mãn nhu cầu phim ảnh của cộng đồng người Hoa khắp Đông Nam Á. Thỉnh thoảng hãng phim lại thâm nhập vào châu Âu và Bắc Mỹ với những bộ phim võ hiệp của Trương Triệt, Hồ Kim Thuyên, Sở Nguyên và Lưu Gia Lương.

Giữa những năm 1970, Shaw đồng sản xuất một số phim với Hammer Films (Dracula The 7 Golden Vampires), với các nhà sản xuất Tây Ban Nha (Bloody Money), Italia (Supermen Against The Orient) và Tây Đức (Mighty Peking Man).

Shaw còn hỗ trợ tài chính cho bộ phim khoa học viễn tưởng Blade Runner của  Ridley Scott (1982). Năm 1983, Shaw đóng cửa studio và chỉ khôi phục lại hãng phim vào năm 1995, cho ra đời thêm 5 phim nữa. Tính tới lúc đó, The Shaw Brothers đã sản xuất được gần 1.000 phim.



Cảnh trong Độc thủ đại hiệp (1967), tác phẩm tạo nên cơn sốt phim võ thuật ở Hong Kong và Shaw trở thành vua sản xuất dòng phim này

Hoạch định chuẩn mực

Những bộ phim do anh em nhà Shaw sản xuất từ những năm 1950 đến năm 1985, được làm với kinh phí 100.000 HKD (cao gấp 5 lần so với kinh phí làm phim trung bình ở Hong Kong), đã tạo nên chuẩn mực cho hàng chục thể loại phim ở đặc khu Hong Kong. Đó không chỉ là những bộ phim sử thi võ thuật nổi tiếng thế giới, mà còn là phim opera, lãng mạn bi kịch, phim gợi dục hài hước và phim ca nhạc sôi nổi.

Kết quả là logo của The Shaw Brothers - “SB” đã xuất hiện trên nhiều bộ phim ăn khách nhất trong kỷ nguyên vàng đầu tiên của nền điện ảnh Hong Kong. Nhưng sau thành công của phim Độc thủ đại hiệp (1967) của đạo diễn Trương Triệt, gây ra cơn sốt phim võ thuật ở Hong Kong, Shaw đã nhanh nhạy thay đổi hướng sản xuất và trở thành vua của dòng phim võ thuật.

Năm 1972, bộ phim Thiên thượng đệ nhất quyền (1972), do La Liệt thủ vai võ sĩ có quả đấm thép, đã là phim võ thuật Hong Kong đầu tiên được phát hành rộng rãi ở phương Tây. Việc này diễn ra 1 năm trước khi Lý Tiểu Long tạo bước đột phá với phim Long tranh hổ đấu (1973). Ở Mỹ, phim đã thu về được số tiền lớn gấp 12 lần so với kinh phí sản xuất phim là 300.000 USD, qua đó phần nào cho thấy tài năng kinh doanh hiếm có của Shaw.  

Việt Lâm (theo Time)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm